Nghĩ tiếp về Bá Kiến

Nghĩ tiếp về Bá Kiến

Bá Kiến và Chí Phèo – hai nhân vật vừa tương sinh vừa tương khắc – đã "rủ nhau ra đi" vĩnh viễn trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao có tên khai sinh là "Cái lò gạch cũ". Nhưng hai hình tượng nhân vật đó lại bất tử cho dù cái làng Vũ Đại từ lâu đã trở thành "Làng Vũ Đại ngày ấy".

"Bệnh lí" Bá Kiến

Với nhiều lí do khác nhau, đã từ lâu, anh canh điền – con quỷ dữ Chí Phèo được người ta "nhắc nhở" nhiều hơn ông chủ lớn Bá Kiến. Cứ nhìn vào số lượng các công trình nghiên cứu, những đề bài tập làm văn, đề thi về nhân vật Chí Phèo thì bất kì ai cũng dễ dàng kiểm chứng được điều này. 

Cũng dễ hiểu thôi vì nhân vật Chí Phèo và truyện ngắn cùng tên là đỉnh cao trong hệ thống truyện ngắn viết về nông thôn, nông dân trước Cách mạng tháng Tám của Nam Cao. 

Nhân vật Chí Phèo kết tinh đầy đủ và toàn diện tài năng nghệ thuật của Nam Cao, nhất là phương diện khắc họa tính cách nhân vật, qua đó khái quát ý nghĩa tư tưởng nhân sinh và luận đề xã hội. Có điều, ở đây, nhân vật Bá Kiến đáng được nói đến nhiều hơn nữa, đáng được nghĩ tiếp về sức sống của nó.

Cũng như Chí Phèo, Bá Kiến là một nhân vật điển hình. Có nghĩa là Bá Kiến vừa có những đặc điểm chung của bọn cường hào, địa chủ nơi thôn ổ, vừa có những nét riêng biệt, không giống ai; có như vậy "nó mới là nó", có như vậy Bá Kiến mới từ trang văn của Nam Cao bước ra cuộc đời trở thành một thành ngữ hiện đại được dùng để trỏ một dạng người, một kiểu tính cách đáng sợ trong cõi người.

Về nét riêng của Bá Kiến – nét gian hùng, sách vở đã chỉ ra cho học sinh và người đọc những bằng chứng rất chính xác như: Cười Tào Tháo, cười sang, lối xử nhũn thâm độc đến chết người, hại người nhưng không để người ta biết mà trái lại làm cho người ta phải hàm ơn, dùng thằng đầu bò trị thằng đầu bò… Chừng ấy thôi cũng đủ để Nam Cao đắp nặn nên chân dung tên cường hào cáo già, độc địa, quỷ quyệt, tên bạo chúa của làng Vũ Đại. 

Riêng tôi, tôi thấy Bá Kiến còn được "nhà giải phẫu học" Nam Cao phanh phui nhiều "bệnh lí" khác nữa.

Ở làng Vũ Đại, đâu chỉ có mỗi Chí Phèo bị Bá Kiến xô đẩy vào con đường cùng không lối thoát. Đó còn là Binh Chức, Năm Thọ - những con giun xéo mãi cũng quằn nhưng quằn trong tuyệt vọng. 

Bằng lối trần thuật nội quan bậc thầy và lời văn tả tâm trạng nửa trực tiếp, Nam Cao đã "phục kích" và "bắt thóp" được "kĩ nghệ" trị người tinh quái của Bá Kiến: "Cụ tiên chỉ làng Vũ Đại nhận ra rằng: Đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng ra đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. 

Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá!". 

Ý nghĩ này đến với Bá Kiến khi nảy nòi ra hiện tượng Chí Phèo, vì hiện tượng này nhắc Bá Kiến nhớ lại Binh Chức, Năm Thọ. Nhưng các sự cố Binh Chức và Năm Thọ xảy ra hồi Bá Kiến còn là Lí Kiến. 

Sau nhiều năm, Lí Kiến đã là Bá Kiến, ăn tiên chỉ làng Vũ Đại, những tưởng Bá Kiến sẽ không lặp lại cái dại (?!) là đè nén con em đến nỗi chúng nó phải bỏ làng ra đi. Thế mà, ở cuối tác phẩm, vào cái buổi trưa nắng gắt, nằm một mình nghĩ đến việc những thằng trai trẻ trong làng đùa cợt với bà Tư "còn phây phây" và "trông đĩ lắm", Bá Kiến "chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù". 

Lại đi tù! Là một tên cường hào lão luyện, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu, Bá Kiến thừa biết nhà tù thực dân-phong kiến là nơi như thế nào. Vậy nhưng Bá Kiến luôn muốn đưa con em vào tù. Rõ ràng đây là một trò chơi, một cái thú bệnh hoạn của Bá Kiến. 

Với những thân phận con sâu cái kiến như Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo, lũ trai trẻ trong làng, Bá Kiến lập mưu giết được không? Được, thậm chí dễ. 

Nhưng tại sao Bá Kiến không tiến hành? Đây này: "Giết chúng nó thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương". Thế là một phương cách phi nhân được thực thi: "Trị không lợi thì cụ dùng". Bá Kiến không giết người về thể chất. Bá Kiến chỉ thích dồn đuổi bọn dân đinh vào ngõ cụt của quyền làm người. Ở làng Vũ Đại ngày ấy, chúng tôi thấy có ít nhất hai con quỷ: Con quỷ nhỏ có tên là Chí Phèo – con quỷ thấp cấp, tên tiểu yêu chệnh choạng làm theo mệnh lệnh và tên trùm quỷ có tên là Bá Kiến – con quỷ cao tay ấn chuyên "hút" nhân phẩm của con người.

Thủ đoạn trục lợi hiện đại?

Nói như thế rất dễ đưa đến ngộ nhận là Bá Kiến không bóc lột về vật chất. Là một tên chánh tổng, tên bá hộ, trong nhà có một lũ đầy tớ, hẳn nhiên Bá Kiến có bóc lột địa tô, bòn rút công sức canh điền và không loại trừ cho vay nặng lãi và "lợi dụng chức vụ, tín nhiệm". Nhưng đây không phải là chủ đích tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn "Chí Phèo". 

Trong thiên truyện này, Nam Cao đã thành công trong việc phanh phui ra một thủ đoạn trục lợi rất hiện đại của Bá Kiến: "Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế. Thuế một năm chỉ có một lần, nếu chỉ trông vào đấy thì bán cha đi cũng không đủ để bù vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng". 

Đó có lẽ là một thủ đoạn ít thấy ở những tên cường hào, ác bá trong các tác phẩm hiện thực phê phán 1930 -1945. Đó là gì? Đó là sinh chuyện để nảy ra cái ăn. Nói theo ngôn từ đương đại thì đó là cách làm cho đối phương mất ổn định, từ đó mất bình tĩnh, quẫn trí mà lâm vào tình trạng xì-căng-đan (scandal), lôi thôi, vướng vào pháp luật và lúc bấy giờ ta cứ thế mà ung dung vỗ đùi hưởng lợi, vơ vét.

Để thực hiện kiểu làm ăn nói trên, Bá Kiến "biết mềm biết cứng, biết thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi ở tù. Những thằng ấy là những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mặt, thì nó quăng vào chai rượu lậu, hay là gây sự rồi lăn ra kêu làng".

Trong tác phẩm, tác giả cho hay trong làng có nhiều phe cánh nhưng không có cánh nào qua nổi cụ Bá khoản sở trường thâu nạp những thằng liều lĩnh sẵn sàng cầm dao đâm người và đâm mình: "Thế lực của cụ sở dĩ lấn át được các vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi nhờ cụ biết thu dụng những thằng bạt mạng". 

Nghĩa là, một lần nữa, nói theo ngôn từ đương đại, đó là mô thức làm ăn xã hội đen. Trong cái thế giới ngầm Vũ Đại lúc ấy, Bá Kiến là một tay trùm nổi bật nhất, cánh Bá Kiến là một "mô hình mẫu" của loại tội phạm có tổ chức. Hắn sành sỏi, hắn thích thú đến mức luôn nghĩ người khác cũng làm ăn kiểu này. Thành ra hồi Chí Phèo xách dao đến nhà hắn lần đầu tiên, hắn ngờ rằng Chí được cánh nào xui đến (!!!).

Nghĩ tiếp về Bá Kiến là nghĩ tiếp về Nam Cao. Giải thích nguyên nhân sức sống tác phẩm Nam Cao, Nguyễn Khải có lần nói do "Nam Cao sống đến tận đáy cuộc sống".

Quả đúng như vậy, Nam Cao luôn có cái nhìn thấu thị. Ngòi bút hiện thực của ông luôn có năng lực phát giác về xã hội và con người, khơi những nguồn chưa ai khơi, không những phản ánh sinh động thực tại đương thời, mà còn nêu lên được vài khía cạnh tính cách có tính phổ biến nhưng không phải ai cũng nhìn thấy. 

Bá Kiến là một phát kiến lớn trong sự nghiệp của Nam Cao. Sinh thời Nguyễn Tuân từng đánh giá cao nhân vật Chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, "cho đó là bằng chứng có giá trị mà Ngô Tất Tố đã góp được vào viện bảo tàng con người Việt Nam tiến lên dưới cờ Đảng". Mượn cách nói này, chúng tôi cho rằng Bá Kiến là một "nhân mẫu" mà Nam Cao đã góp vào bảo tàng quan lại, cường hào, ác bá của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945. 

Đặt bên cạnh Lí trưởng Đông Xá, Tri phủ, Nghị Quế (Tắt đèn – Ngô Tất Tố); Nghị Hách (Giông tố - Vũ Trọng Phụng); Quan phụ mẫu, Nghị Lại (Bước đường cùng - Nguyễn Công Hoan)…, Bá Kiến có sức ám ảnh hơn cả, bền bỉ hơn cả trong tiếp nhận của bao thế hệ độc giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.