Nghị lực của nam sinh mồ côi cha, mẹ

GD&TĐ - Không còn cha và mẹ, chỉ có 2 chị em nương tựa vào nhau, nhưng chàng trai Nguyễn Viết Sơn vẫn vững vàng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, với số điểm 27,25.

Nguyễn Viết Sơn và cô giáo chủ nhiệm Lê Thu Hà cùng chị gái Nguyễn Huyền Trang.
Nguyễn Viết Sơn và cô giáo chủ nhiệm Lê Thu Hà cùng chị gái Nguyễn Huyền Trang.

Nguyễn Viết Sơn là cựu học sinh lớp 12C1, Trường THPT Quảng Xương, Thanh Hóa.

Nỗ lực của chàng trai mồ côi

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, thí sinh Nguyễn Viết Sơn đạt được tổng số điểm 27,25. Trong đó, môn Văn: 8,75; Lịch sử: 9 và Địa lý: 9,5 điểm.

Đối với học sinh bình thường, có thể số điểm ấy chưa phải là cao, nhưng với Sơn, đó là quá trình phấn đấu vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân.

Theo cô Lê Thu Hà (giáo viên chủ nhiệm của Sơn), hoàn cảnh của Sơn rất đáng thương. Năm 2015, bố em qua đời do bạo bệnh. Sau khi bố qua đời 7 tháng, mẹ của em cũng sinh bệnh trọng rồi bỏ lại 2 chị em Sơn côi cút giữa cõi đời.

Chị gái của Sơn (sinh năm 1996) - Nguyễn Huyền Trang đã thay cha, mẹ chăm sóc, nuôi nấng em trai cùng với sự đùm bọc, chở che của những người họ hàng, thân thích.

“Từ ngày bố, mẹ không còn, em Sơn sa sút hẳn và chểnh mảng trong việc học hành. Khi lên lớp 9, Sơn thi vào lớp 10 bị trượt, nên càng có tâm lý nặng nề, chán nản và định bỏ học giữa chừng”, Huyền Trang kể.

Khi biết được Sơn định bỏ học giữa chừng, Trang phải vừa động viên vừa răn đe em trai. “Lúc đó, em đã phải dùng biện pháp cứng rắn để ép Sơn ôn tập và chờ một năm sau thi lại vào lớp 10. Cũng may, Sơn là người biết nghe lời, nên năm sau em đã thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Quảng Xương I. Từ đó, hàng ngày hai chị em động viên nhau để vượt qua khó khăn, vất vả”, chị gái của Sơn chia sẻ.

Cô Lê Thu Hà cho biết: Năm 2018, chị gái của Sơn xây dựng gia đình. Từ đó, Sơn sống một mình trong ngôi nhà của bố, mẹ để lại. Thi thoảng, chị Trang chạy đi chạy lại để động viên em trai cố gắng học hành.

“Sơn là học sinh chăm ngoan và chịu khó. Trên lớp, em thường chăm chú tiếp thu bài giảng. Trong lớp 12C1 do tôi chủ nhiệm, bạn nào cũng quý mến Sơn, vì sự nỗ lực, phấn đấu của em. Mặc dù, gia cảnh như vậy, nhưng Sơn cố gắng học hành và hòa đồng với các bạn trong lớp”, cô Hà tâm sự.

Thấu hiểu hoàn cảnh của Sơn, nhà trường đã miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp cho em. Không riêng gì giáo viên chủ nhiệm, cả ban giám hiệu và các thầy, cô giáo bộ môn luôn động viên em cố gắng trong học tập.

Nguyễn Viết Sơn tại góc học tập của mình.
Nguyễn Viết Sơn tại góc học tập của mình.

Phân vân giữa “hai dòng nước”

Cuối tháng 7, PV Báo GD&TĐ cùng giáo viên chủ nhiệm đến chúc mừng kết quả của em trong kỳ thi vừa qua.

Dù đạt số điểm cao, Sơn hoàn toàn tự tin đăng ký xét tuyển vào nhiều trường ĐH tốp đầu toàn quốc. Tuy nhiên, bài toán về kinh phí học tập khiến Sơn phân vân nên đi học đại học hay từ bỏ ước mơ của mình để kiếm việc làm.

Tâm sự về dự định của mình, Nguyễn Viết Sơn bảo rằng, em rất lo lắng khi vào đại học mà không có kinh phí. Mặc dù có chị Trang và anh rể bên cạnh, nhưng hiện tại cuộc sống của anh, chị cũng đang khó khăn.

“Hiện, em vẫn chưa định hình được mình sẽ phải làm gì. Vì thế, con đường vào đại học của em rất xa và nhiều chông gai”, Sơn thở dài.

Khi nghe Sơn bộc bạch nỗi niềm, chúng tôi đã động viên em nên đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Bởi lẽ, chính sách của Nhà nước đang ưu tiên cho sinh viên sư phạm. Nếu Sơn được vào học ở ngôi trường ấy, em sẽ không phải đóng học phí, mỗi tháng, em còn được Nhà nước hỗ trợ hơn 3,6 triệu đồng tiền sinh hoạt. Trong khi đó, nhà Sơn ở xã Quảng Đức (Quảng Xương, Thanh Hóa), cách Trường Đại học Hồng Đức chỉ vài km mà thôi.

Sau khi nghe lời động viên, định hướng của chúng tôi và cô giáo chủ nhiệm, Nguyễn Viết Sơn đang có dự định đăng ký vào Khoa Giáo dục thể chất - Trường Đại học Hồng Đức, vì em cũng yêu thích thể thao. Hy vọng, với sự quyết tâm của mình, Nguyễn Viết Sơn sẽ sớm trở thành sinh viên Trường Đại học Hồng Đức, để thực hiện được ước mơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ