Nghi lễ đăng quang của vua đầu triều Nguyễn

GD&TĐ - Ngày nay, nhiều học sinh đều nghĩ rằng vua đầu tiên của triều Nguyễn (vua Gia Long) “lên ngôi hoàng đế vào năm 1802”. Thật ra không phải như vậy.

Điện Thái Hòa trong Kinh thành Huế.
Điện Thái Hòa trong Kinh thành Huế.

Bởi vì vị vua này có tới mấy mốc “lên ngôi”. Đầu tiên, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vương từ năm 1780, vào đúng ngày mùng Một tháng Giêng năm Canh Tý âm lịch, tại thành Gia Định, khi vẫn còn trong quá trình chiến tranh với nhà Tây Sơn. Sử nhà Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Khi vua mới quyền coi quốc chính, quần thần đều khuyên lên ngôi. Vua cho rằng thù nước chưa trả xong, nhún nhường không chịu, quần thần hai ba lần nài xin, vua mới theo, lên ngôi vương ở Sài Gòn.

Văn thư đưa xuống gọi là chỉ truyền, sai phái gọi là chỉ sai, dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo (ấn này do Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế - tức chúa Minh Nguyễn Phúc Chu - chế, nay dùng làm của báu truyền ngôi), nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê; biểu chương của quần thần đều xưng là bẩm”.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, đến năm Nhâm Tuất (1802), vào ngày 2 tháng 5 âm lịch, chúa Nguyễn Ánh làm lễ đặt niên hiệu là Gia Long, chính thức xác lập sự hình thành của triều đại mới. Trước ngày trọng đại này, ngày 1 tháng 5, triều đình lập đàn ở đồng An Ninh hợp tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu. Ngày 2 tháng 5, từ sáng sớm, nhà vua làm lễ kính cáo vong linh các tổ tiên. Làm lễ xong, vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng, rồi ban chiếu đại xá cho cả nước.

Chiếu viết rằng: “Ta nghe kinh Xuân Thu trọng nghĩa nhất thống là để chính danh nghĩa khi mở đầu. Từ Tiên Thái vương ta (tức chúa Nguyễn Hoàng) dựng nền ở miền Nam, thần truyền thánh nối đã 200 năm. Gần đây Tây Sơn nổi loạn, vận nhà Lê đã hết, hơn vài mươi năm trong nước không có chính thống. Ta phải xiêu dạt một nơi, rất lo nghĩ về miếu xã và sinh dân. Nằm gai nếm mật, mong sao cho được yên vui.

Năm Canh Tý ta mới ở thành Gia Định, được các tướng sĩ suy tôn, đã lên ngôi vương để giữ lòng người. Duy đô cũ chưa phục, nên còn theo niên hiệu cũ. Nay ơn trời giúp đỡ, các thánh để phúc, bờ cõi cũ đã lấy lại, cơ nghiệp xưa đã trở về, các quan văn võ tại triều dâng sớ chương khuyên ta lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu.

Nhưng ta nghĩ rằng giống giặc chưa trừ xong, đất nước chưa thống nhất, không nên vội lên ngôi tôn. Duy cứ theo niên hiệu đã qua mà thi hành những lệnh đổi mới thì không phải là nêu rõ được khuôn phép. Vậy nên chuẩn lời xin đặt niên hiệu mới, định lấy ngày mồng 1 tháng 5 năm nay kính cáo trời đất, ngày hôm sau kính cáo liệt thánh, chép niên hiệu là Gia Long, để thống nhất kỷ cương, làm mới tai mắt”.

Từ sự kiện này, mà sau này đến thời vua Khải Định, triều Nguyễn quyết định lấy ngày 2 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày “quốc khánh”. Đầu tiên, năm 1918 gọi lễ này là “Lễ kỷ niệm”, sang năm 1919 đặt lại là lễ “Khánh niệm Hưng quốc”, tổ chức định kỳ về sau.

Đầu năm 1804, vua Gia Long ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh. Đến năm Gia Long thứ 5 (1806), ông mới lên ngôi hoàng đế.

“Đại Nam thực lục” chép: “Bính Dần, Gia Long năm thứ 5, mùa hạ, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12), vua lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa. Lấy hành thổ (tượng trưng vua) nên chuộng sắc vàng. Trước 6 ngày là ngày Giáp Dần (ngày 7), kính cáo trời đất. Ngày Bính Thìn (ngày 9) kính cáo các miếu. Đúng ngày, đặt nghi vệ đại triều ở điện Thái Hòa. Bầy tôi dâng sách vàng lên. Vua lên ngôi hoàng đế, xuống chiếu bố cáo trong ngoài. Bầy tôi dâng biểu chúc mừng”.

Nghi lễ Tiến tôn (Lễ lên ngôi vua) của vua Gia Long được bộ Lễ của triều Nguyễn trình lên như sau: “Ngày đó, lúc canh năm, trống mới đánh nghiêm hồi thứ nhất, các quân thị vệ sắp bày lỗ bộ (các thứ vũ khí, nghi trượng) ở sân điện Thái Hòa và ở tả hữu ngoài cửa Đoan Môn. Trống nghiêm hồi thứ hai, quan văn võ mặc mũ áo đại triều đứng chờ. Dưới đan trì (thềm sơn đỏ), bên tả đặt chiêng, bên hữu đặt trống. Ty Bả lệnh sắp sẵn kèn trống. Ty Đại nhạc, Nhã nhạc sắp sẵn đàn sáo và đồ nhạc nhỏ, chia đứng hai bên tả hữu. Mờ sáng, trống nghiêm hồi thứ ba, hữu ty đặt long đình để sách vàng ở trên thềm giữa điện, lại đặt án dâng sách vàng ở phía Nam lư hương, đặt án để tờ chiếu ở gian bên tả của điện, bên hữu dưới thềm điện lại đặt một cái án nữa, đặt trước hòm sách tuyên đọc và hòm biểu mừng. Khâm thiên giám báo giờ”.

Đúng giờ tốt, vua mang mũ cửu long, áo bào vàng, đai ngọc, ngự ở điện. Ty Bả lệnh tấu nhạc lớn. Người giữ hương đốt hương. Nhạc lớn dứt tiếng, các quan bày ban chầu lạy tiến sách văn. Quan truyền chỉ tuyên rằng: “Hoàng thượng có chiếu”. Quan tuyên chiếu đọc chiếu. Quan ban chiếu bưng đi niêm yết. Các quan dâng biểu làm lễ mừng. Ty Nhã nhạc theo từng tiết mà tấu nhạc nhỏ. Các quan chia ban. Nhạc lớn nổi lên. Quan quản Tiểu sai truyền lệnh bắn súng mừng. Âm nhạc nghỉ thì bắn 9 tiếng súng. Lễ xong, vua ngự vào điện Cần Chánh, các hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân và con cháu vua Lê (là triều đại trước), cùng quan viên tử con các quan văn võ làm lễ năm lạy. Kỳ lão dân chúng ở kinh sư tới ngoài cửa Thừa Càn chiêm bái.

Sau lễ Tiến tôn, vua Gia Long cho các kỳ lão bốn dinh Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam 500 quan tiền để mở tiệc lớn.

Sau nghi lễ này, triều Nguyễn bắt đầu định triều nghi (nghi tiết buổi chầu), mỗi tháng (âm lịch) lấy ngày mùng 1 và ngày Rằm đặt đại triều ở điện Thái Hòa, quan từ lục phẩm trở lên mặc áo mũ đại triều vào lạy chầu; những ngày mồng 5, 10, 20, 25 đặt thường triều ở điện Cần Chánh, quan từ tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều vào lạy chầu. Các thành và dinh trấn đến ngày mồng 1, ngày Rằm đều bái vọng ở Hành cung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ