Tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, hiện có 3 chiếc long bào được đánh giá là đặc biệt. Đó là long bào mang số kiểm kê 4381, 5134 và 5135. Dựa trên những hiện vật quý giá này, các nhà nghiên cứu đã giải mã những bí ẩn thể hiện trên từng chất liệu, họa tiết, màu sắc…
Bảo vật triều Nguyễn
Theo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, sau khi thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã quy định về việc thiết triều, kèm theo lễ nghi trang phục được áp dụng cho chính nhà vua và bá quan văn võ. Qua 143 năm lịch sử với nhiều biến động của thời cuộc, trang phục cung đình triều Nguyễn còn lại không nhiều và hiện đang được lưu giữ cẩn mật tại một số bảo tàng.
Đặc biệt, trong sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử TPHCM có 3 hiện vật rất quan trọng, đó là chiếc long bào của vua mang số kiểm kê 4381, 5134 và 5135. Đây là những hiện vật được bảo tàng kế thừa từ sưu tập của Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn từ trước năm 1975.
Đối với 2 chiếc long bào 5134 và 5135 có ghi mức giá mua vào của Viện Khảo cổ lúc ấy là 250.000 đồng và 420.000 đồng (xấp xỉ 20 cây vàng). Điều đặc biệt của 2 hiện vật này là dòng chữ do chính vua Đồng Khánh ngự lãm. Dấu mực son trên vải gấm cho đến nay vẫn còn tươi rói, rõ nét.
Theo điển chế, trang phục của vua chúa nhà Nguyễn có nhiều loại khác nhau và chỉ mặc trong những dịp cụ thể. Áo mặc lúc thiết đại triều và trong các dịp lễ tết gọi là long bào, áo trong các dịp thường triều gọi là hoàng bào, khi mặc tế giao gọi là long cổn…
Mỗi loại trang phục lại có những quy định rất chặt chẽ dựa trên các tiêu chí: Chất liệu vải, màu sắc, cách may, họa tiết trang trí…
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do nội các triều Nguyễn biên soạn thì áo thiết đại triều của vua có đặc điểm sau: “Áo bào làm bằng sa đoạn màu vàng chính sắc, thêu các hình rồng mây, sóng nước lớn nhỏ và 4 chữ Phúc Thọ… hai cánh dùng đoạn Bát ti bóng màu bảo lam.
Mặt trước và sau đều có hai chữ Vạn Thọ, ba hình rồng. Hai ống tay áo và hai cánh đều có một hình rồng. Các hoa văn san hô, hỏa lựu đều xâu chuỗi bằng các hạt ngọc châu nhỏ. Cổ áo may bằng đoạn Bát ti bóng màu tuyết bạch. Thùy lưu hai dải đều thêu hình rồng mây”.
Nét bút vua trên long bào
Theo chuyên gia Bảo tàng Lịch sử TPHCM, so với điển chế thì chiếc long bào thuộc sưu tập của bảo tàng này cũng tuân thủ đúng các quy tắc ấy. Hiện vật 4381 thuộc loại hình áo tay rộng, kích thước rộng ngang tay 242cm; dài 126cm.
Tuy nhiên, hiện các chuyên gia vẫn chưa xác định được đích danh chủ nhân của chiếc long bào này. Dựa vào đặc điểm về đồ án hoa văn cũng như sắc vải, thì có thể đoán định vào niên đại nửa sau thế kỷ 19.
Chiếc long bào có màu vàng chính sắc, dựa trên học thuyết ngũ hành. Tương ứng với mỗi yếu tố là một màu sắc và tọa vị tương ứng, trong đó hành Thổ có màu vàng và tọa vị trung ương. Do đó, việc lựa chọn màu vàng trên trang phục của nhà vua chính là thể hiện vị trí độc tôn và quyền uy - nhà vua là trung tâm của đất nước.
Chữ “Vạn Thọ” là một sáng tạo riêng biệt của triều Nguyễn. Hai chữ này xuất phát từ một sự kiện dưới thời vua Minh Mạng. Vào dịp tứ tuần năm 1830, vua cho mời các bô lão trên 70 tuổi trong tỉnh Thừa Thiên về dự yến trước Phu Văn Lâu. Các quan Bộ Lễ kiểm kê và tấu trình tổng số tuổi của các cụ tham dự là trên 10 ngàn tuổi.
Từ đó, vua Minh Mạng đã gọi sinh nhật của vua là Lễ Vạn Thọ và hai chữ này cũng chính thức xuất hiện từ đó. Trên long bào thì chữ “Vạn Thọ” được thêu nổi ở phía trước và sau áo theo lối chữ triện, đó như là lời chúc dành cho thiên tử được “vạn thọ vô cương”.
Rồng trên long bào được thêu 9 con xen kẽ với mây theo dạng “long vân đại hội”. Trong đó, 2 con rồng ở thân trước và thân sau là phi long (rồng bay) với mặt rồng nhìn chính diện được thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến đại. Bên cạnh đó, hình ảnh 9 con rồng đều có 5 móng, biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối “cửu ngũ chí tôn”.
Thủy ba (sóng nước) được trang trí ở phần vạt áo và 2 tay của long bào. Hình ảnh này kết hợp cùng hình tượng rồng từ dưới biển bay lên thể hiện ý nghĩa “sơn hà thống nhất” và non sông gấm vóc này đặt dưới sự cai quản của thiên tử.
Hai chiếc long bào số 5134 và 5135, theo như TS Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM thì giá trị không thể đo đếm được bằng tiền, vì ngoài giá trị lịch sử thì nét đặc biệt còn là dòng chữ do chính vua Đồng Khánh thủ bút.
Cũng giống như chiếc long bào số hiệu 4381, chất liệu được dùng là sa đoạn - gấm dùng may phẩm phục, với các họa tiết theo quy định dùng cho bậc đế vương. Ở lần lụa lót trước ngực áo chỗ xẻ chéo cài nút, 4 chữ nho mực son đỏ “Đồng Khánh ngự lãm”.
Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, đây chính nét bút của vua Đồng Khánh. Do vậy, đây là bằng chứng xác thực chiếc hoàng bào này của vua Đồng Khánh.
Chiếc long bào còn lại, ở trước ngực có cụm 15 chữ nho viết bằng son thành 3 hàng dọc: “Đặc tứ hoàng tử công long bào/tiềm để cựu dụng/Đồng Khánh ngự phê”.
Các chuyên gia xác định, đây là áo của vua Đồng Khánh, nhưng theo thủ bút ngự phê thì chiếc áo này được để lại cho con.