Nhạc cung đình Việt Nam trước triều Nguyễn

GD&TĐ - Từ năm 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, tiếng Anh gọi United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) bắt đầu lập danh sách di sản văn hóa phi vật thể...

“大越史記全書/ Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ chính sử Việt Nam đầu tiên ghi chép về nhạc cung đình. Ảnh: Phanxipăng.
“大越史記全書/ Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ chính sử Việt Nam đầu tiên ghi chép về nhạc cung đình. Ảnh: Phanxipăng.

Tính đến nay, trong danh sách đó, Việt Nam có 13 di sản mà di sản đầu tiên được UNESCO công nhận vào năm 2013 là nhã nhạc cung đình Huế.

Bài này điểm qua nhạc cung đình Việt Nam trước triều Nguyễn. Bài sau sẽ giới thiệu nhã nhạc cung đình Huế.

Trong đời sống tinh thần của con người, âm nhạc là một trong những hoạt động không thể thiếu. Âm nhạc từ lâu đã phân đôi: Dân gian và chuyên nghiệp. Ở tất cả quốc gia trải qua chế độ quân chủ, âm nhạc chuyên nghiệp có nhã nhạc phục vụ cung đình, khác với thế nhạc/tục nhạc là nhạc thế tục, cũng khác nhạc tôn giáo. Tất nhiên, những dòng nhạc nọ song song tồn tại và ảnh hưởng lại qua.

Tài liệu của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ghi nhận: “Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI - III trước Công nguyên). Về sau, nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam”.

Cùng ghi 雅樂, nhưng các cộng đồng ngôn ngữ phát âm khác nhau:

* Tiếng Hoa bính âm phát.

* Tiếng Triều Tiên phát aak.

* Tiếng Nhật phát gagaku.

* Tiếng Việt phát nhã nhạc.

Lịch sử Việt Nam có 2 triều Nguyễn là Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long. Ở đây, cụm từ triều Nguyễn được hiểu Nguyễn Gia Long.

Danh nhân Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - nhà chính trị, nhà chiến lược, nhà thơ, học giả có nhiều đóng góp đối với nhạc cung đình Hậu Lê - qua lối vẽ modules hóa bởi nữ nghệ sĩ tạo hình Điềm Phùng Thị. Ảnh: Phanxipăng.
Danh nhân Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - nhà chính trị, nhà chiến lược, nhà thơ, học giả có nhiều đóng góp đối với nhạc cung đình Hậu Lê - qua lối vẽ modules hóa bởi nữ nghệ sĩ tạo hình Điềm Phùng Thị. Ảnh: Phanxipăng.

Nhã nhạc từ triều Đinh đến triều Hồ

Theo giáo trình “Lịch sử âm nhạc cung đình Việt Nam” do Nguyễn Việt Đức, Nguyễn Đình Sáng, Bùi Ngọc Phúc hợp soạn (NXB Đại học Huế, 2015, trang 63-64) thì: “Âm nhạc cung đình đã manh nha từ thời nhà Đinh, trong tiệc chiêu đãi sứ thần nhà Tống đã có trình diễn âm nhạc và phục trang, tổ chức duyệt binh có đánh trống đồng.

Đến thời nhà Lý, các hoạt động âm nhạc trong cung đình ngày càng phát triển; đã đặt ra các chức vụ quản giáp, đã tổ chức các ty giáo phường cai quản các ca công và nhạc công, ca kỹ trong cung đã lên đến 100 người; đã tiếp thu các nhạc khí của Trung Hoa và nghệ thuật Chămpa.

Nhiều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp đã được tổ chức trong các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Cao Tông và nhất là trong đời vua Lý Nhân Tông - một nhạc sĩ kỳ tài của triều Lý.

Đặc biệt, trong thời Lý đã để lại bức chạm khắc một tốp 10 nhạc công cùng với các nhạc khi trên bệ đá chùa Vạn Phúc, Phật Tích, Bắc Ninh, mà GS Trần Văn Khê cho rằng: “Là một tổ chức dàn nhạc cung đình”.

Đến thời nhà Trần, trong sử sách đã nhắc đến các nhạc sư lừng danh như Trần Cụ, Nguyễn Sĩ Cố, Trịnh Trọng Tứ, Trần Nhật Duật; hàng loạt tác phẩm đã ra đời; âm nhạc cung đình đã để lại ấn tượng với sử gia nhà Nguyên - Trung Quốc. Đã có một số quy định về sử dụng âm nhạc cung đình và dân gian.

Đặc biệt, trong thời nhà Trần đã có 2 loại dàn nhạc khá hoàn chỉnh là dàn Đại nhạc dành cho nghi lễ và nhà vua, dàn Tiểu nhạc thì kẻ quý người tiện đều được dùng. Thời nhà Hồ đã xuất hiện thuật ngữ “nhã nhạc”; đã có các hình thức múa văn, múa võ trong cung đình; công tác giáo dục âm nhạc đã được coi trọng; đã có phân loại bát âm, xuất hiện 5 loại nhịp/ngũ phách. Như vậy, từ thế kỷ thứ X - XV, âm nhạc cung đình Việt Nam đã manh nha và trên đường hình thành và phát triển”.

Vậy là ở nước ta, thuật ngữ nhã nhạc đến triều Hồ mới phổ dụng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dùng từ này tương đương âm nhạc cung đình.

Nhạc cung đình triều Hậu Lê và triều Tây Sơn

Thời nhà Lê, âm nhạc nói chung, nhã nhạc nói riêng, đã được chuyên nghiệp hóa, chính quy hóa. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, âm nhạc cung đình được ghi vào chính sử mà “大越史記全書/ Đại Việt sử ký toàn thư”, tắt hóa nên Toàn thư, là tác phẩm quan trọng tiêu biểu.

Toàn thư cho biết Lê Lợi đăng quang thành vua Lê Thái Tổ: “Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệ, chế tài lễ nhạc”. Toàn thư còn ghi rằng năm Đinh Tị 1437, vua Lê Thánh Tông “sai hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ Bộ ti giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa”.

Đại thần Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá, tâu: “Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”.

Những thư tịch khác xuất hiện vào thời Lê cũng góp phần phản ánh nhã nhạc thuở ấy, chẳng hạn “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ.

Tính từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua Quang Trung tại Huế, nhà Tây Sơn chỉ tồn tại 14 năm (1788 - 1802), nhưng đã lập dàn An Nam quốc nhạc, đã định 10 bài liên hoàn trong hệ thống Tiểu nhạc. Còn nhạc võ, dẫu đặc sắc và độc đáo, song xếp vào nhã nhạc liệu phù hợp chăng?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.