Nghì hè thời Covid: Trẻ muốn và nên làm gì?

GD&TĐ - Trang bị kiến thức, kỹ năng là cần thiết nhưng khỏe mạnh về thể chất, cân bằng và ổn định về tâm lý cũng vô cùng quan trọng.

Trẻ không có nhiều cơ hội chơi tập thể trong điều kiện dịch bệnh dịp nghỉ hè.
Trẻ không có nhiều cơ hội chơi tập thể trong điều kiện dịch bệnh dịp nghỉ hè.

Khi người lớn hiểu được điều này sẽ giúp trẻ có được những ngày nghỉ hè hạnh phúc và ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Những kỳ nghỉ “kiệt sức”

Trong xã hội hiện đại, dường như trẻ em đang dần xa lạ với khái niệm “kỳ nghỉ hè đúng nghĩa”. Cả một năm học dài, trẻ bận rộn với việc học văn hóa ở trường với khối lượng kiến thức, bài vở không hề nhỏ. Đặc biệt ở khu vực thành thị, hầu như trẻ đều tham gia ít nhất một lớp học thêm ngoài giờ chính khóa; thậm chí có em tham gia tới 2 - 3 ca học thêm trong một ngày.

Làm ở Phòng Tham vấn học đường, ThS Tâm lý học Phạm Bích Diệp, Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) có cơ hội được lắng nghe tâm sự của các học sinh. Không ít trong số đó than phiền về việc phải học quá nhiều, học chính khóa đã mệt lại còn phải liên tục chạy theo các lớp học thêm tới mức không kịp nghỉ ngơi, ăn uống.

Thậm chí, có trường hợp thực sự rất đáng thương và đáng báo động, khi các con nói cảm thấy “kiệt sức”, hoặc chỉ cần nhìn thấy sách vở là có thể phát khóc. Có những cô cậu học trò nói, đi học về là phải tính toán từng giây, từng phút, làm sao tắm rửa, ăn uống nhanh nhất có thể để ngồi vào bàn học. Con sẽ ngồi như vậy suốt 3 - 4 tiếng mỗi tối để giải quyết các nhiệm vụ học tập và hầu như không có thời gian dành cho việc nghỉ ngơi hay giải trí.

Cha mẹ cũng cần cân đối thời gian dành cho công việc và cho con trong mùa hè. Tăng cường thêm các hoạt động giúp kết nối giữa cha mẹ và con cái để hiểu con hơn, đồng hành cùng con tốt hơn. Những bữa cơm gia đình đầm ấm, chuyến đi cả gia đình với nhau, cùng nhau trò chuyện, chơi đùa và đặc biệt là cùng nhau hòa vào thiên nhiên sẽ là những hoạt động tuyệt vời để gắn kết gia đình cũng như để tạo tâm lý cân bằng và khỏe mạnh cho trẻ. - ThS Phạm Bích Diệp

Nghỉ ngơi trong hè với lũ trẻ ngày nay dường như cũng thật “xa xỉ”. Bởi khi hè chưa đến, nhiều phụ huynh đã nhanh chóng tìm các lớp học hè cho con.

Thậm chí trẻ mầm non cũng học thêm tại những lớp tiền tiểu học. Việc này chưa rõ có giúp trẻ thông minh và tài giỏi hơn không nhưng rõ ràng đây là một “điều bất thường” với quá trình phát triển nhận thức và có tác động không mấy tích cực với tâm lý trẻ.

Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng lấp kín mùa hè của con bằng các lớp học thêm văn hóa: Để củng cố kiến thức, học trước kiến thức lớp trên, đặc biệt với lớp cuối cấp...

Có trẻ không phải học thêm văn hóa thì tham gia các khóa học kỹ năng, lớp học năng khiếu, trại hè, học kỳ quân đội, công an... Nếu như đó là sở thích, mong muốn của trẻ không có gì đáng bàn. Nhưng thực tế, không ít trong số đó là mong muốn, sở thích của cha mẹ chứ không phải của trẻ.

Điều này khiến trẻ phải tham gia với tâm thế bị ép buộc, không tìm thấy ở đó niềm vui, hạnh phúc hay sự háo hức. Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản rằng “cho nó có việc mà làm trong mùa hè”, hoặc thậm chí là “cho khỏi phải trông”. Và như vậy, mùa hè cũng chẳng còn gì là vui vẻ với trẻ và sự gắn kết giữa cha mẹ, con cái cũng chẳng thể được cải thiện hơn sau mùa hè.

Chưa nói, xã hội bận rộn khiến bậc làm cha, làm mẹ quay cuồng với công việc và những đứa trẻ trở nên “cô đơn” trong chính ngôi nhà của mình, đặc biệt khi hè đến, trẻ không tới trường gặp thầy cô, bạn bè và hầu như ở nhà một mình. Nhiều khi cha mẹ để mặc trẻ với những thiết bị điện tử, mạng xã hội và vô vàn những thứ do Internet mang tới.

Sự thiếu giao tiếp trực tiếp với các thành viên gia đình, thời gian sử dụng máy móc và mạng không hợp lý, thiếu người kiểm soát các nội dung mà trẻ truy cập… là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vấn đề tâm lý của trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi vị thành niên như rối loạn nhận thức, cảm xúc, hành vi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu hay trầm cảm…

Hướng trẻ vào những trò chơi dân gian tại nhà. Ảnh minh họa.

Hướng trẻ vào những trò chơi dân gian tại nhà. Ảnh minh họa.

Trẻ muốn gì?

Theo em Nguyễn Ngọc Thanh Thư, học sinh lớp 10CB6, Trường THPT Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp, mùa hè sẽ vô vị, nhạt nhẽo khi chỉ biết cắm đầu vào học mà chẳng cho mình một chút gì đó để thư giãn.

Điều đó khiến em không thích mùa hè”. Thanh Thư nói và bày tỏ nguyện vọng kỳ nghỉ hè được đi đây đó cùng gia đình, đơn giản như được về quê với ông bà chẳng hạn.

“Em thích làm những việc bình thường, giản dị nhưng đem lại niềm vui. Chẳng hạn như về quê trồng rau, nuôi cá, học được những kiến thức về cuộc sống, hoặc được ngủ nướng thêm chút, không phải nghĩ ngợi gì nhiều.

Trong tình hình dịch bệnh, những ngày hè em sẽ phụ cha mẹ nấu cơm, học nấu ăn, làm những món tráng miệng mà em yêu thích. Hoặc có thể theo cha ra đồng câu cá, bắt ốc, hái rau. Những việc làm đó thật bình dị, đơn giản, hạnh phúc khiến kỳ nghỉ hè không trở nên nhàm chán” - Nguyễn Ngọc Thanh Thư chia sẻ.

Khánh Chi, học sinh lớp 6A6, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội mong những ngày nghỉ hè được ngủ nướng, xem phim, làm bánh và những việc mình thích. “Dịch bệnh khiến nhiều dự định trong ngày hè em không thực hiện được. Em sẽ ở nhà và lên thời khóa biểu ăn, ngủ, thể thao và học” – Khánh Chi cho hay.

Là phụ huynh có con học Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, quan điểm của chị Cao Thị Lê không nên cho con tham gia quá nhiều lớp học vào dịp nghỉ hè. Kỳ nghỉ hè là thời gian các con được thư giãn, giải tỏa tâm lý căng thẳng, “nạp năng lượng” để chuẩn bị cả về sức khỏe lẫn tâm lý cho năm học tiếp theo.

Việc học quá nhiều sẽ làm con không có một kỳ nghỉ hè trọn vẹn và có thể gây ra vấn đề về tâm lý. Nghỉ hè nên là thời gian để các con rèn luyện sức khỏe qua việc tham gia hoạt động thể thao, khám phá vùng đất, danh lam thắng cảnh, phong tục của nơi khác khi đi du lịch cùng với gia đình và người thân.

Thời gian này cũng có thể rèn tinh thần lao động cho con qua làm việc nhà, hoặc một số công việc nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt là trang bị cho bản thân kỹ năng sống từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày…

Chị Cao Thị Lê cũng cho rằng: Nhà trường và gia đình nên tạo các cơ hội trải nghiệm để trẻ có thể vận dụng kiến thức đã học nhằm giải quyết tình huống thực tiễn. Trường cũng có thể tổ chức lớp học năng khiếu để các con tham gia. Nhưng quan trọng là phải hiểu được tâm lý, nguyện vọng, tạo cho trẻ hứng thú khi tham gia các hoạt động đó. Có như vậy, hiệu quả giáo dục mới cao và phát huy hết tiềm năng của mỗi trẻ. Các hoạt động đó cũng có thể giúp trẻ định hướng một phần tương lai của bản thân.

Dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các bậc cha mẹ, nhất là trong dịp hè. Bố mẹ phải sắp xếp lại công việc của mình và dành nhiều thời gian để đồng hành cùng các con hơn; phải tìm tòi để đưa ra nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi, tư duy và năng lực của con.

Bố mẹ đồng thời là người hướng dẫn, quan sát và kiểm tra kết quả mà các con đạt được. Có thể nói, gia đình đóng vai trò quan trọng giúp trẻ có một kỳ nghỉ hè thật sự ý nghĩa và tốt cho sự phát triển của trẻ.

Nhấn mạnh điều này, chị Cao Thị Lê cũng chia sẻ những dự định riêng sẽ làm cùng con trong hè. Trong đó có việc tìm hiểu kiến thức để an toàn trước dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới. Tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn của con, định hướng để con thực hiện mong muốn đó. Cùng con lập thời gian biểu, hàng ngày chị Lê hướng dẫn và cùng con làm việc nhà. Mua các dụng cụ, vật liệu để phát triển năng khiếu, giúp con thỏa thích sáng tạo. Cho con tham gia một số khóa học online để phát triển thêm kỹ năng như học ngoại ngữ, lập trình, tin học… Cho con xem phim, MV ca nhạc… qua Internet, sau đó viết các bài thu hoạch về những gì đã xem hoặc học ngoại ngữ thông qua hoạt động đó. Giao cho con một vài công việc phù hợp với năng lực, như đánh văn bản, lập biểu tính, dịch văn bản… và có thể trả tiền để các con hứng thú hơn trong công việc. Cho con luyện kĩ năng thuyết trình, kể chuyện… bằng cách xem các video, clip và làm theo. Cũng có thể giúp con kết nối với bạn bè thông qua phương tiện truyền thông; luyện tập thể dục thể thao hàng ngày cùng các con.

“Khi thực hiện các hoạt động trên, bố mẹ cần sử dụng biện pháp đưa ra hậu quả để con có trách nhiệm với hành vi của mình, đồng thời cũng kiểm soát kỷ luật tốt hơn. Đặc biệt, bố mẹ phải kiểm tra lại công việc mà con thực hiện để đưa ra lời khen khi con làm tốt, đưa ra hình phạt nếu con làm chưa tốt và yêu cầu con thực hiện lại công việc được giao theo hướng dẫn của bố mẹ” – chị Cao Thị Lê nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, anh Đặng Văn Lẽ, phụ huynh em Đặng Tuấn Duy, lớp 11CB4, Trường THPT Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp cũng cho rằng không nên để trẻ tham gia quá nhiều lớp học văn hóa và năng khiếu khác trong dịp hè. Để các em có kỳ nghỉ hè vui vẻ, có ích trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, theo ông Lẽ, cần tạo cho trẻ hoạt động lành mạnh, như chia sẻ công việc gia đình cùng cha mẹ. Cùng với đó, nhắc nhở trẻ có chế độ ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý nhằm đem lại sức khỏe cho bản thân.  

Cân bằng giữa học, nghỉ ngơi, vui chơi

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, mùa hè năm nay cũng là thời điểm Thủ đô và cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Trẻ em thì luôn mong muốn được học tập, vui chơi, giải trí và sáng tạo. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, các em nên thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, nhà trường về công tác phòng chống dịch. Thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức; tham gia các cuộc thi online, thử thách trên mạng phòng chống Covid-19 do tổ chức Đoàn - Hội Thủ đô tổ chức triển khai. Cần hạn chế việc sử dụng điện thoại, thiết bị di động để chơi game và mạng xã hội. Cùng với đó, tập thể dục ở nhà hoặc những không gian được phép; giúp đỡ ông bà, cha mẹ việc nhà. Ngoài ra, có thể cổ vũ các lực lượng chống dịch bằng cách: Vẽ tranh cổ động, sáng tác thơ - ca, làm tấm chắn giọt bắn...

ThS Phạm Bích Diệp thì nhấn mạnh việc cần cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, vui chơi của trẻ. Bởi ngay trong lúc nghỉ ngơi, vui chơi trẻ sẽ tái tạo lại năng lượng để học tập hiệu quả hơn và trẻ cũng sẽ học được rất nhiều điều thú vị ngay trong lúc vui chơi. Trang bị kiến thức, kỹ năng là cần thiết nhưng có được sự khỏe mạnh về thể chất, sự cân bằng và ổn định về tâm lý cũng hết sức quan trọng.

Để trẻ có kỳ nghỉ hè vui, khỏe và ý nghĩa, ThS Phạm Bích Diệp cho rằng: Trước hết, gia đình và nhà trường cần phải nhận thức, quán triệt rõ đây là kỳ nghỉ chứ không phải một học kỳ thứ ba. Hoạt động liên quan đến học tập kiến thức văn hóa cần được giảm tối đa, chỉ nên là một vài nhiệm vụ học tập nhỏ để trẻ ôn tập tránh quên kiến thức. Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, lớp kỹ năng, năng khiếu trong thời gian hè cũng là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng điều này cần xuất phát từ nhu cầu, mong muốn, sở thích của trẻ chứ không nên xuất phát từ mong muốn của cha mẹ.

Với không ít học sinh, hè là học kỳ thứ 3 vì phải học thêm nhiều, hoặc phải lao động vất vả để giúp gia đình. Em Đoàn Thị Khánh Thy, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk cho biết mình cũng ở trong số đó. “Trong kỳ nghỉ hè, em muốn được đi bơi, ăn kem và được đi chơi cùng các anh chị em. Mong cha mẹ thấu hiểu và không đăng ký nhiều lớp học thêm nữa. Nếu vì dịch bệnh không thể vui chơi với nhiều bạn bè, em sẽ chơi những trò chơi dân gian như ô ăn quan, sẩy đá, nhảy dây, trồng nụ trồng hoa… cũng rất vui” - Khánh Thy mong mỏi.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ