Nghỉ hè Covid 19: Trung tâm lao đao vì thiếu vắng người học

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng HS đến các trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi để sinh hoạt trong thời gian nghỉ hè giảm đáng kể. Không chỉ HS thiệt thòi mà CB, GV cũng lao đao vì thiếu vắng người học.

Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao Ba Đình thiếu vắng HS.
Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao Ba Đình thiếu vắng HS.

Vắng bóng học sinh

Kết thúc năm học, bé Phạm Hải Anh, Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ được mẹ đăng ký theo học môn Mỹ thuật tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Chị Thu Hà, mẹ của bé Hải Anh chia sẻ: Sau cả năm học kiến thức, gia đình muốn cho cháu trải nghiệm thêm niềm yêu thích vẽ tranh ở câu lạc bộ (CLB).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 quay lại, Hà Nội có người mắc mới nên chị cho con tạm nghỉ để tránh dịch. “Biết các con thiệt thòi khi đây là quãng thời gian lý tưởng để trải nghiệm kỹ năng sống, học năng khiếu… nhưng đi học lúc này, thực sự mất nhiều hơn được”, chị Thu Hà tâm sự.

Tại Cung thiếu nhi Hà Nội, nếu như những năm trước, ngày thứ 7, Chủ nhật và cuối buổi chiều các ngày trong tuần luôn đông vui, nhộn nhịp HS đến theo học tại các CLB,  môn học văn - thể - mỹ…, năm nay khá trầm lắng.

Bà Võ Thanh Diệp - Phó Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Cung thiếu nhi Hà Nội chỉ tuyển sinh được khoảng 3.000 HS theo học ở tất cả các bộ môn, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 quay trở lại khiến số HS giảm sâu, mặc dù Cung có nhiều đổi mới tích cực trong cách thức tuyển sinh và tổ chức các hoạt động, cũng như bảo đảm nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch trong các phòng học, khu vực công cộng… 

Cũng theo bà Diệp, Cung thiếu nhi vừa mở CLB Biệt đội kỹ năng từ đầu hè, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ HS, do CLB có nhiều hoạt động mới như học cả ngày, ăn bán trú tại lớp, nội dung học gồm 9 môn kỹ năng như: Võ thuật tự vệ, kỹ năng làm việc nhóm, STEM, mỹ thuật, nấu ăn, thời trang, yoga…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên hiện còn 2 lớp với khoảng 50 HS theo học. Cung bố trí riêng 2 phòng học lớn để tổ chức hoạt động cho các em, bảo đảm các yếu tố về giãn cách và phòng dịch đầy đủ. Quan điểm của đơn vị là các con vui hè nhưng phải an toàn tuyệt đối cả về sức khỏe và tinh thần.

Cho giáo viên nghỉ không lương

HS theo học ở Cung thiếu nhi Hà Nội trong điều kiện giãn cách phòng dịch.
HS theo học ở Cung thiếu nhi Hà Nội trong điều kiện giãn cách phòng dịch.

Là đơn vị tự chủ về tài chính nên khó khăn từ tác động của dịch bệnh là không nhỏ, bà Diệp cho biết: Mọi hoạt động của Cung chủ yếu “trông chờ” vào 3 tháng nghỉ hè. Vì vậy, với số HS giảm mạnh, khoảng 50% cán bộ, GV của Cung phải nghỉ không lương. Cung không có các dịch vụ khác nên đời sống của người lao động bị ảnh hưởng… 

“Chúng tôi chỉ biết khắc phục khó khăn và tranh thủ quãng thời gian này làm thêm công việc trang trí, sang sửa lại cơ sở vật chất của Cung để có thể đón HS quay trở lại học các lớp năng khiếu khi dịch bệnh được khống chế”, bà Diệp thông tin đồng thời cho hay: Cung  thực hiện tốt các hoạt động thiện nguyện, huy động nguồn xã hội hóa làm được gần 20.000 “Tấm chắn giọt bắn” và 5.000 khẩu trang y tế tặng cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch cùng nhân dân Đà Nẵng nơi tâm dịch. 

Tương tự, nhiều bộ môn học hè ở Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao Ba Đình rơi vào khó khăn do số HS giảm từ 60 - 70%. Ông Nguyễn Gia Hưng - Phó Giám đốc trung tâm bày tỏ: Năm nay, HS nghỉ hè muộn nên đăng ký tham gia sinh hoạt hè tại trung tâm cũng muộn. Dịch quay trở lại khiến nhiều em nghỉ sinh hoạt.

HS được chăm sóc bán trú tại Cung thiếu nhi Hà Nội.
HS được chăm sóc bán trú tại Cung thiếu nhi Hà Nội.

Duy chỉ có một số bộ môn mới như: CLB bóng rổ, bóng đá vẫn thu hút được nhiều em tập luyện. Còn một số môn khác chỉ có rải rác HS đến học trong điều kiện phòng dịch đầy đủ theo quy định của trung tâm. 

“Là đơn vị sự nghiệp có thu nên cán bộ, viên chức vẫn được trả lương cơ bản. Tuy nhiên, do thiếu vắng HS, bể bơi cũng dừng mọi hoạt động nên thu nhập từ dạy học và tổ chức hoạt động hè cho các em của cán bộ, giáo viên trung tâm bị cắt giảm đáng kể. Chưa năm nào, GV dạy sinh hoạt hè lại lao đao như năm nay…”, ông Hưng nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, thiệt thòi nhất vẫn là HS. Các em thiếu vắng đi những sân chơi bổ ích trong dịp hè, không có cơ hội được tham gia các cuộc thi, các chương trình giao lưu… nhằm trang bị thêm kỹ năng sống khi chưa phải đến trường học chính thức.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ