Nghênh Xuân – nghi lễ đặc biệt của người xưa

GD&TĐ - Vào thời Lê - Trịnh, ở Thăng Long cứ đến ngày nghênh Xuân, dân chúng nô nức đi hội, còn lưu dấu qua câu ca dao: Bao giờ Mang hiện đến nay/Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.

Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), Khâm Thiên giám và Vũ khố lấy đất và nước ở phương thần Tuế Đức chế tạo ba bộ Mang thần và Trâu đất. Thân trâu cao 4 thước tượng trưng cho bốn mùa, đuôi dài 1 thước 2 tượng trưng cho 12 tháng. Mang thần cao 3 thước 6 tấc 5 phân, tượng trưng cho 365 ngày. 

Trâu đất nghênh Xuân

Lễ nghênh Xuân thể hiện tinh thần trọng nông, đặc biệt vào thời nhà Nguyễn. Nghênh Xuân không chỉ là một “lễ trọng” của triều đình, mà trong dân chúng cũng là một nét văn hóa đặc sắc không hề nhạt phai.

Theo các nguồn sử liệu, năm 1929 bộ Lễ tâu rằng: “Kính xét thiên Nguyệt lệnh Lễ ký tháng quý đông, sai Hữu ty cho trâu bằng đất ra để tống khí rét. Tiên nho bàn rằng tháng bắt đầu ở sửu (tháng 12), sửu là trâu, thuộc về hành thổ, đất có thể ngăn được nước, cho nên làm trâu đất, để tống hết khí rét đi. Lại nói: Đất thắng được nước, trâu thì giỏi cày. Thắng được nước nên chống được rét, giỏi cày nên có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn”.

Vào thời Nguyễn, cứ vào ngày Thìn tiết đông chí hàng năm, các vị chức trách ở Nha Khâm Thiên giám kết hợp với Vũ khố lấy nước và đất ở phương thần Tuế Đức - là hướng xuất hiện sao Tuế Đức - để làm ra 3 con Trâu đất và 3 vị Mang thần để tế lễ. Sao Tuế Đức được xem là đệ nhất cát thần trong năm, nơi nào có sao Tuế Đức là nơi đó có vạn phúc tụ đến, hung thần phải tránh đi.

Trâu đất và Mang thần đều phải được đắp bằng đất (dùng cành hom dâu làm cốt) theo các tỷ lệ kích thước, màu sắc ứng với các ý nghĩa nhất định. Mình Trâu được quy định cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa; từ đầu đến đuôi dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết.

Các màu sắc được tô lên Trâu đất cũng được quy định theo các quan niệm truyền thống. Nếu thiên can của năm ấy là Giáp, Ất thì tô màu xanh; Bính, Đinh thì tô màu đỏ; Mậu, Kỷ thì tô màu vàng; Canh, Tân thì tô màu trắng; Nhâm, Quý thì tô màu đen. Tương tự, các màu sắc ở thân, ở bụng, ở sừng, ở chân, ở móng đều được tô ứng với Địa Chi, Ngũ Hành... Đuôi trâu đất được quy định 1 thước 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng.

Cũng như các ý nghĩa đó Mang thần (thần chăn trâu) được đắp cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng 365 ngày. Tất cả những yếu tố như nét mặt, áo quần, mũ mão, giày... trên mình Mang thần cũng được quy định chặt chẽ về tính chất, màu sắc để ứng với âm dương; địa chi, ngày giờ của năm đó.

Đàn tế được triều Nguyễn chọn đặt ở ngoài quách cửa chính đông Kinh thành. Lễ rước xuân được tổ chức long trọng. Các quan viên đề đốc, phủ doãn, phủ thừa... đều phải mặc áo đỏ, hoặc tía đi sau đội lễ nhạc, nghi trượng, tán, lọng và khiêng các án Mang thần và Trâu đất được rước tới nhà bộ Lễ và được để yên tại nơi này.

Sáng sớm ngày lập Xuân, bộ Lễ cùng với phủ Thừa Thiên và các quan ở Khâm Thiên giám đều mặc triều phục khiêng 2 án Trâu đất và Mang thần với đầy đủ tàn, lọng, nhã nhạc, nghi trượng dẫn đầu. Sau đó, chia ra đến ngoài cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh đứng đợi. Đến giờ tốt, các quan trong nội giám tiếp nhận, đưa tiến. Lúc này, viên phủ Thừa Thiên trở về phủ thự, đưa trâu ra đánh 3 roi để tượng trưng cho sự khuyên cày.

Lễ Tiến Xuân được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long.

Lễ Tiến Xuân được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long.

Ngày hội đất Thăng Long

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghênh Xuân với nghi thức “Tiến Xuân ngưu” là nghi lễ đặc biệt của người Việt từ xa xưa chứ không phải “độc quyền” thời nhà Nguyễn.

Triều Lý, ngày lập Xuân vua xuống chiếu cho hữu ty làm lễ nghênh Xuân và định phép đánh Xuân ngưu. Đây chính là dấu mốc mở đầu cho nghi thức dâng trâu đất vào mùa Xuân ở nước ta.

Đến thời Trần, ngày lập Xuân đi du Xuân, vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh con trâu đất, xong các quan giắt hoa lên mũ vào cung dự tiệc. Vào thời Lê Trung hưng, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Lê triều hội điển” đều gọi tên nghi thức là lễ “Tiến Xuân ngưu” - nghĩa là dâng tiến trâu đất vào mùa Xuân.

Thời Lê Trung hưng, lễ “Tiến Xuân ngưu” là một nghi lễ lớn được triều đình chuẩn bị công phu, cử hành long trọng với các nghi lễ: Tế thần mùa Xuân ở đàn tế, rước Xuân ngưu vào điện đình tiến vua, lễ Tiến Xuân ngưu tại điện Kính Thiên, lễ ban Xuân ngưu cho các quan và các cung miếu trong kinh thành.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan: “Nghi thức vua ban Xuân ngưu cho các quan là nghi thức duy nhất chỉ có dưới triều Lê với ngụ ý “tống tiễn khí lạnh mùa Đông”, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Nghi thức trong lễ “Tiến Xuân ngưu” là một lễ lớn, có rất nhiều giá trị đặc biệt chỉ có ở cung đình Việt, ví như: Đàn tế thần mùa Xuân được dựng ở phường Đông Hà - phía Đông kinh thành Thăng Long ứng với hướng của mùa Xuân. Sau khi lễ tế thần kết thúc, tượng trâu được kính cẩn đặt lên ngai để quan và dân các phường trong kinh thành rước về điện đình tiến vua.

Đây là ngày hội lớn của kinh thành Thăng Long. Khi tiếng chuông trống nổi lên, các quan văn, võ đầy đủ phẩm phục trang nghiêm từ cửa Đoan Môn tiến vào sân điện dự lễ. Trải qua thời gian, nhiều đời vua không tổ chức nghi lễ này nên nghênh Xuân chỉ còn tồn tại trên sử liệu và trở thành nét đẹp văn hóa của người xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...