Việc bình phẩm nghi lễ “cửu tích” mà Mạc Đăng Dung tự cho mình khiến người đời sau liên tưởng đến những quyền thần Trung Quốc thời xưa ép hoàng đế cho mình quyền lợi này, như thời Hán bên Trung Quốc, năm 5, Vương Mãng ép Hán Bình đế ban cho mình “cửu tích”, sử Trung Quốc ghi chú rằng: “Là các đồ dùng của bậc vương giả, hưởng đãi ngộ chỉ dưới hoàng đế và trên tất cả các chư hầu”. Sau đó Vương Mãng giết Hán Bình đế, sau tự lập ra nhà Tân (năm 9 đến năm 22).
Thời Tam Quốc, năm 213, Tào Tháo cũng ép Hán Hiến đế phong mình làm Ngụy công, ban cho Cửu tích. Từ đất Ngụy do Hoàng đế nhà Hán phong cho, ông thiết lập một triều đình riêng, sau đó lại ép Hán Hiến đế phong là Ngụy vương. Sau khi Tào Tháo qua đời năm 219, con ông là Tào Phi bắt vua Hán Hiến đế nhường ngôi, bắt đầu lập ra nhà Ngụy.
Việc Mạc Đăng Dung được ban cửu tích cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Năm 1522, do Mạc Đăng Dung lấn át quyền vua, đi bộ thì dùng lọng phượng giát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng giây kéo, ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì, nên vua Lê Chiêu Tông bỏ kinh thành chạy lên Sơn Tây. Đăng Dung bèn lập em vua là Lê Xuân lên ngôi, niên hiệu là Thống Nguyên, sử gọi là Hoàng đệ Xuân, Cung Hoàng đế hay Thống Nguyên đế.
Năm 1526, Mạc Đăng Dung bắt được vua Chiêu Tông, an trí tại phường Đông Hà bên ngoài thành Thăng Long, rồi giết chết. Đây là lúc Mạc Đăng Dung có đủ thời cơ để giành ngôi của nhà Lê, do đó tháng 4 năm sau, theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Vua sai bọn Tùng Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (tức huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay), tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm Cửu tích”.
Vậy “cửu tích” gồm những gì? Sách “Cương mục” có chú thích rằng, theo chế độ phong kiến xưa, khi thiên tử muốn tỏ ý ưu đãi một đại thần nào thì ban cho đồ quý giá và cho hưởng nghi lễ đặc biệt để biểu dương khác với mọi người. Chín thứ ban cho ấy gọi là “cửu tích”.
Các nhà biên soạn “Cương mục” cũng tra cứu sách xưa để giải thích “cửu tích” gồm có: (1) Xe, ngựa; (2) Áo mặc; (3) Nhạc khí; (4) Cửa son; (5) Nạp bệ (tức được phép xây ngay thềm bậc lên xuống ở trong nền nhà, chứ không phải xây lộ thiên ở ngoài); (6) Hổ bôn (tức các tay dũng sĩ hộ vệ); (7) Cung, tên; (8) Phủ, việt (tức búa rìu và việt – dụng cụ nghi lễ hình búa); (9) Cự sưởng (tức một thứ rượu dùng về việc cúng tế).
Sách “Bạch hổ thông” giải thích chi tiết về ý nghĩa từng thứ trong “cửu tích” rằng: Người bề tôi biết vỗ về cho dân được yên vui thì ban cho xe và ngựa. Làm được cho dân giàu dân giàu có thì ban cho áo mặc. Làm cho dân được hòa vui, thì ban cho nhạc khí, làm cho số dân tăng nhiều thì ban cho được dùng cửa son. Biết khuyên nhà vua làm điều thiện thì cho được “nạp bệ”. Biết đẩy lùi được điều ác của nhà vua thì ban cho quân hổ bôn. Giết được kẻ có tội thì ban cho cây phủ việt. Đánh dẹp được kẻ phản nghịch thì ban cho cung và tên. Có lòng hiếu thảo đầy đủ thì ban cho rượu cúng tế.
Tuy nhiên chỉ đến tháng 6, Mạc Đăng Dung đã từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua nhường ngôi. “Toàn thư” cũng viết: “Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Đăng Dung vào Kinh”, đủ thấy rằng lòng dân lúc đó đã chán ngán với các vua Lê thế nào.
Trước khi Hồ Quý Ly giành ngôi của nhà Trần năm 1399, ông không đòi “cửu tích”, dù về nghi lễ thì được chép là “Quý Ly tự xưng làm Quốc tổ Chương hoàng, vào ở cung Nhân Thọ, điềm nhiên mặc áo vàng, ra vào hoàng cung theo lệ như Hoàng đế, dùng 12 cái lọng vàng”. Có lẽ do vua lúc đó là cháu ngoại của Hồ Quý Ly, nên quyền hành đã nằm hết trong tay cha con ông rồi.
Sang đến thời Lê Trung hưng, quyền hành toàn bộ miền Bắc đất nước nằm cả trong tay các chúa Trịnh, nhưng chúa Trịnh có lẽ nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản”, nên không có ý định lật đổ vua Lê. Các chúa Trịnh cũng không đòi được hưởng “cửu tích”, mà chỉ xưng vương.
Đầu tiên, chúa Trịnh Tùng được phong là Bình An vương, đến chúa Trịnh Tráng trước được phong là Thanh Đô vương, đến năm 1629 đòi phong là tước vương có một chữ mỹ hiệu (danh giá hơn tước vương có hai chữ), là Thanh vương. Đến chúa Trịnh Tạc, cũng được phong là Tây vương. Nghi lễ tiến phong chúa Trịnh Tráng, theo sử cũ ghi lại, thì: “Vua sai Nguyễn Danh Thế mang phù tiết bằng ngọc, và sách ấn vàng để gia tôn Trịnh Tráng làm Đại nguyên soái thống quốc chính Thái thượng sư phụ Thanh vương”.
Sử nhà Nguyễn phê phán chúa Trịnh Tạc rằng: “Vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt chỗ ngồi ở bên tả chỗ ngồi của vua. Tạc, vượt đẳng cấp bầy tôi, lấn uy quyền nhà vua, không kiên nể gì. Từ đây trở đi, thanh kiếm Thái A, họ Lê nắm đằng lưỡi, họ Trịnh nắm đằng chuôi, mất hết lễ nghi đường bệ”. Các sử quan triều Nguyễn bình luận rằng: “Những việc ấy, Đổng Trác, Tào Tháo nhà Hán, Lưu Dụ nhà Tấn chưa từng làm mà Tạc dám làm” (Lưu Dụ một viên tướng quốc nhà Tấn, giết An đế và truất Cung đế nhà Tấn, cướp lấy ngôi vua, tức là Tống Vũ đế của Nam triều trong thời kỳ Trung Quốc chia ra Nam Bắc Triều).
Chính vua Tự Đức, khi xem sử, đến đoạn chúa Trịnh Căn lấn át quyền vua Lê, đã phải phê bên lề cuốn sử rằng: “Như thế mà họ Trịnh vẫn không cướp ngôi vua, không hiểu vì lý do gì?”.