Sau khi triều đình phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, điển lệ này đã bị xóa bỏ. Đón Tết Tân Sửu 2021, lễ Tiến xuân ngưu được tái hiện lần đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long.
Mỗi năm đều có nhị thập tứ tiết khí / 二十四节气 là 24 thời kỳ nối tiếp nhau. Thời kỳ mở đầu được gọi Lập xuân / 立春 là lễ Tết thứ nhất trong bát tiết / 八節.
Xưa nay, Trung Hoa cùng các quốc gia đồng văn gồm Triều Tiên (hiện là Bắc Hàn và Nam Hàn), Nhật Bản, Việt Nam rất chú ý tiết Lập xuân.
Lập xuân: Tống cựu, nghênh tân
Nông lịch được nhiều người quen gọi âm lịch, nhưng chính xác lại là âm dương lịch. Tiết Xuân phân / giữa xuân, kinh độ Mặt trời bằng 0 độ; thì tiết Lập xuân, kinh độ Mặt trời bằng 315 độ.
Theo quy ước, tùy từng năm, tiết Lập xuân mở đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch (khi kết thúc tiết Đại hàn) và tiết Lập xuân kết thúc vào ngày 18 hoặc 19 tháng 2 dương lịch (mở đầu tiết Vũ thủy).
“Tùy thư / 隋书” do Ngụy Trưng (540 - 643) chủ biên, có ghi trong phần “Lễ nghi chí”: 5 ngày trước tiết Lập xuân, làm tượng con trâu đất để ngoài cửa Đông; rạng sáng Lập xuân thì quan đánh trâu đất 3 roi ngũ sắc tỏ ý khuyến nông.
Lập xuân là tiết vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân và toàn thể cộng đồng, đâu chỉ tổng kết thành tựu, ăn mừng mùa vụ, gặp gỡ thăm chúc, mà đặc biệt nhất là bước chuyển biến tích cực: Tống cựu, nghênh tân / thay cũ, đổi mới.
Đại lễ Nghênh xuân từ triều Lê đến triều Nguyễn
Tại nước ta, đại lễ Nghênh xuân với nghi thức Tiến xuân ngưu, còn gọi đánh trâu đất, đã được tiến hành rất long trọng từ vương triều Lý qua vương triều Trần.
Đến thời Lê trung hưng (1533 - 1789), các thư tịch “歷朝憲章類誌 / Lịch triều hiến chương loại chí” và “黎朝會典 / Lê triều hội điển” khẳng định rằng lễ Nghênh xuân vớinghi thức Tiến xuân ngưu dịp Lập xuân trở thành điển lệ chính thức.
Sang triều Nguyễn, “大南寔錄正編 / Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận rõ rằng nghi thức Tiến xuân ngưu trong đại lễ Nghênh xuân tiếp tục được phát huy.
Thuở nọ, nhân dân bảo nhau: “Tết từ trong Nội, Tết ra”. Nội tức Đại Nội là Hoàng thành Phú Xuân. Ngày mùng 1 tháng Chạp âm lịch hằng năm, triều đình Huế tổ chức lễ Ban sóc, tức phát lịch. Sau đó, đến tiết Lập xuân thì tiến hành đại lễ Nghênh xuân với nghi thức chủ chốt mang tên Tiến xuân ngưu.
Thực hiện kỹ lưỡng con trâu đất
Căn cứ hệ thống cổ thư, hậu thế có thể hình dung nghi thức Tiến xuân ngưu từng diễn ra với những nét giống và khác nhau tùy từng vương triều trong lịch sử đất nước.
Tiết Đông chí hằng năm, Tư Thiên Giám tâu trình với vua cùng triều đình rằng tiết Lập xuân mở ra vào ngày tháng cụ thể sắp tới, đồng thời trao bản thiết kế Xuân ngưu cho Bộ Công, đoạn Bộ này lệnh Cục Thường Ban thực thi kỹ lưỡng.
Trâu đất to lớn như trâu thật, xương bằng gỗ dâu, bên ngoài được sơn màu sắc thay đổi tùy từng năm.
Màu đầu trâu phụ thuộc thiên can năm mới:
* Giáp, Ất: Xanh
* Bính, Đinh: Đỏ
* Mậu, Kỷ: Vàng
* Canh, Tân: Trắng
* Nhâm, Quý: Đen
Màu thân trâu phụ thuộc địa chi năm mới:
* Hợi, Tí: Đen
* Dần, Mão: Xanh
* Tị, Ngọ: Đỏ
* Thân, Dậu: Trắng
* Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: Vàng
Màu bụng trâu phụ thuộc “ngũ hành nạp âm” năm mới:
* Kim: Trắng
* Mộc: Xanh
* Thủy: Đen
* Hỏa: Đỏ
* Thổ: Vàng
Màu sừng, tai, đuôi trâu theo thiên can ngày Lập xuân. Màu đùi trâu theo địa chi ngày Lập xuân. Màu móng chân trâu theo “ngũ hành nạp âm” ngày Lập xuân.
Đuôi trâu dài 1 thước 2 tấc tượng trưng 12 tháng, buộc bên trái nếu năm mới âm và ngược lại.
* Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất đều dương; 6 chi còn lại đều âm.
* Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm đều dương; 5 can còn lại đều âm.
Miệng trâu há nếu năm mới âm và ngậm nếu năm mới dương.
Bệ tượng trâu dùng ván lõm nếu năm mới âm, ván lồi nếu năm mới dương.
Roi trâu là cành liễu dài 2 thước 4 tấc tượng trưng nhị thập tứ tiết khí, được trang trí nhiều màu và gọi ngũ sắc.
Nghi thức Tiến xuân ngưu
Ở Hà Nội, ô Quan Chưởng có hoành phi bằng đá khắc 東河門 / Đông Hà môn / cửa Đông Hà. Khu vực này, trước kia, từ triều Lý đến triều Lê, mỗi dịp Lập xuân được dựng Xuân đàn để rước trâu đất đến tế thần, đoạn đưa trâu đất vào điện Kính Thiên hầu tiến vua.
Ở Huế thời nhà Nguyễn, nghi thức Tiến ngưu diễn tiến từ Xuân đàn / đàn Nghênh xuân ở cửa Đông Ba, qua một số nơi trong Thành Nội rồi vào Đại Nội, có tiết mục tượng trưng sự khuyến nông, mà người xứ Hương Bình quen gọi khuyến cày: Quan phủ doãn Thừa Thiên đánh 3 roi vào trâu đất.
Thời gian và không gian tiến hành nghi thức Tiến ngưu được dàn bày nghi trượng cùng cờ, đèn, kèn, trống theo quy định, các quan văn và quan võ đủ đầy phẩm phục chỉnh tề, nhã nhạc vang ngân báo hiệu tống cựu, nghênh tân, vui mừng đón năm mới.