Hiểu thế nào cho đúng nghi lễ dâng sao giải hạn dịp đầu năm mới

GD&TĐ - Tín ngưỡng dâng sao, giải hạn đã tồn tại từ lâu đời trong dân gian, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về nó và biết cách hóa giải vận hạn.

Hiểu thế nào cho đúng nghi lễ dâng sao giải hạn dịp đầu năm mới
Vào mỗi dịp đầu năm, nhiều người thường làm lễ dâng sao, giải hạn để thỉnh cầu bình an hoặc hóa giải vận hạn. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của các nghi lễ này, kết quả là vận hạn thì chưa biết có giải được không, nhưng lại gặp thêm họa hao tài tốn của.

Dưới đây, chuyên gia phong thủy Phùng Phương sẽ giúp các bạn hiểu sâu hơn về tín ngưỡng dâng sao giải hạn để có cái nhìn đa chiều, toàn diện, từ đó chọn ra giải pháp tốt nhất nhằm cải biến vận mệnh.

Nguồn gốc nghi lễ dâng sao giải hạn

Tín ngưỡng này nằm trong nghi lễ của Lão giáo (Trung Quốc). Người ta tin rằng trên trời có 24 ngôi sao, do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức.

9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu phối trí theo các phương sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng.

Trong đó, nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”, loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời. Chính vì thế, cứ đến dịp đầu xuân năm mới, người ta thường kéo nhau lên chùa để nhà chùa làm lễ dâng sao,  giải hạn cho.

Người gặp sao tốt thì làm lễ cầu bình an, người gặp sao xấu chiếu mạng thì làm lễ giải hạn. Cốt là để cho tâm lý thoải mái, an lòng.

Một thực trạng đáng lo ngại

Đầu xuân năm mới người người rủ nhau đi dâng sao  gặp sao, giải hạn. Bởi vậy, hình ảnh khá quen thuộc khi đi lễ chùa đầu năm hoặc ngày rằm tháng Giêng là dòng người chen  nhau đăng ký dâng sao, giải hạn ở các khu vực hành lễ. 

Bên cạnh đó, cũng có người đi dâng sao giải hạn vì thấy nhiều người đi, nên mình cũng học theo, nhà chủ bảo sao tốt, sao xấu thế nào thì biết thế ấy, chứ không thật sự hiểu đó là sao gì, cũng không rõ có thực sự hóa giải được hay không.

Lợi dụng điều này nên nhiều người đã thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn để trục lợi cá nhân, khiến cho nghi lễ này không còn mang đậm màu sắc văn hóa, mà thay vào đó là đặt nặng lợi ích kinh tế.

Chi phí để làm lễ này có thể dao động từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả trăm triệu. Đây là một điều hết sức phi lí. Nó không chỉ làm tiêu tốn tiền của và thời gian của chúng ta mà còn khiến cho niềm tin của mỗi con người trở nên biến dạng, méo mó, làm cho một nét đẹp văn hóa trở nên tầm thường, buôn thần, bán thánh. Nó đưa con người đến một trong hai trạng thái tiêu cực về đức tin.

Đó là, hoặc chúng ta tự biến mình thành người mê tín, hoặc đánh mất hoàn toàn niềm tin yêu và trân trọng vào lễ tục cổ truyền của văn hóa truyền thống. Không những vậy, người người tấp nập lên chùa dâng sao, giải hạn tạo nên cảnh tượng ùn tắc, nhiễu loạn, không phù hợp với sự linh thiêng và trang nghiêm cần có ở một nơi thờ tự.

Người xưa thường nói, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” thế nhưng thờ thế nào, kiêng ra sao cũng cần tỉnh táo, chớ nên mù quáng mà tiếp tay, dung túng cho kẻ xấu lợi dụng. Chưa kể, sống ở đời phúc họa đều tự mình mà ra, có hóa giải được hay không phải xem tâm thiện, tính lành đến nhường nào.

Người biết tự tu thân dưỡng tính sẽ đắc được một đời viên mãn, vô ưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ