Chúng ta từng chọn Trâu Vàng là linh vật của SEA Games 2003. Và như vậy, không có lý do gì mà không cân nhắc để công nhận nghê trở thành linh vật tiêu biểu đại diện cho người Việt.
Gần gũi với người Việt
Có thể thấy rõ, một đặc điểm khá đồng nhất trên mặt linh vật nghê là nghệ nhân dân gian luôn cho nó những cảm xúc hỷ - nộ - ái - ố của con người, mà nổi bật là sự hoan hỷ, trào lộng. Trên mình nghê chứa đựng những biểu tượng của tự nhiên, của trời đất, vạn vật và con người. Nghê không chỉ là linh vật để trang trí mà nó chính nỗi niềm của người Việt trước thế giới tự nhiên, của nền văn minh nông nghiệp với ước muốn mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi.
Khi Bộ VH-TT&DL ban hành Công văn số 2662 ngày 8/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề đã nâng cao nhận thức của công chúng về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của linh vật Việt Nam. Theo đó, những người yêu hình tượng nghê, đứng đầu là nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đã lập một câu lạc bộ trên mạng xã hội với mục tiêu kêu gọi 1 triệu người ủng hộ nghê trở thành linh vật tiêu biểu Việt Nam. Nhóm cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh thú vị về nghê trong văn hóa truyền thống cũng như những ứng dụng trong cuộc sống đương đại.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, thành viên sáng lập nhóm Đình làng Việt chia sẻ, gần đây anh mới biết và tìm hiểu đến linh vật nghê. Tưởng rằng nghê chỉ được bày đặt để canh cửa đình, chùa, phủ, miếu… nhưng không phải vậy. Nghê hiện diện mọi nơi, hễ ở đâu trang trí là có sự hiện diện của linh vật này. Nghê trang trí trên kiến trúc, trên cửa võng, hoành phi, câu đối, trên tường, trên cổng… Biểu tượng nghê có từ thành thị đến nông thôn, hiện diện ở mọi tầng lớp trong xã hội và đi vào đời sống dân gian một cách hết sức tự nhiên như chính tâm hồn của người Việt, văn hóa của người Việt. Đặc tính dân gian khiến cho nghê trở nên gần gũi, thân thương hơn là một linh vật đáng sợ hãi, nể trọng và tôn thờ.
Không chỉ có tượng nghê chầu nhau, người xưa còn đục, chạm, vẽ hình ảnh nghê trong các bộ dạng, hoạt động khác nhau như: Đàn nghê mẹ - nghê con, nghê quấn quýt với rồng, nghê vờn nhau, nghê đánh đàn, nghê thảnh thơi phơi bụng… Trong những hình tượng ấy, đáng chú ý là hình nghê trên bảo vật quốc gia: Ấn vàng truyền ngôi của triều Nguyễn. Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều này. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, có mặt hình vuông, núm là hình tượng kim nghê vờn ngọc, đầu ngẩng lên cao quay về bên trái. Chân trước bên trái dẫm lên viên ngọ. Dọc lưng nghê chạm vân mây lửa.
![]() |
Nghê chơi đàn đáy, thế kỷ 19, ở đình Cung Chúc - Hải Phòng |
Xứng đáng là linh vật tiêu biểu
Có thể nói, Việt Nam là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn. Đó là cơ may để nghê trở thành một lựa chọn sáng tạo văn hóa rất thành công trong nền nghệ thuật cổ truyền. Vô tình hay hữu ý, nghê được trao sứ mệnh không phải là sư tử, cũng chẳng phải kỳ lân, mà trở thành một biểu tượng linh vật thuần Việt trong sức ép đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Nghê nhỏ bé nhưng lại có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống văn hóa biểu tượng. Thậm chí ngay tại đền vua Đinh (Ninh Bình), nghê đã thay thế lân để đứng vào hàng tứ linh. Nghê đã trở thành biểu tượng cho tư duy độc lập, tự chủ của văn hóa Việt.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, sư tử, kỳ lân, tỳ hưu... và một số sinh vật có nguồn gốc nước ngoài đã đẩy lùi nghê cùng nhiều linh vật Việt vào phía hậu trường văn hóa. Mấy năm qua, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa mới bắt đầu quan tâm lại đến nghê và linh vật Việt. Trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ông có nêu một vấn đề khá thú vị, đó là vì sao dân gian chỉ nói cười như nghê mà không nói cười như rồng hay như phượng? Nghê cười đủ kiểu, mỉm cười khúc khích có, toe toét có, hô hố có, ngặt nghẽo hả hê có, sằng sặc cũng có... Những điệu cười như vậy là cách bao thế hệ đối diện với số phận, với thời cuộc. Đáp án duy nhất, lý giải cho những điều còn băn khoăn ấy là chỉ có nghê mới được nhân cách hóa gần với con người nhất.
Bước vào hội nhập mới thấy văn hóa dân tộc như một tấm hộ chiếu, càng dày dặn riêng biệt thì càng giá trị. Nghê đang dần trở lại vị trí vốn có, bởi không có linh vật Việt nào mang đủ chiều kích văn hóa hòa hợp với tinh thần người Việt như nghê. Cũng không linh vật Việt nào mang trong mình một lịch sử sáng tạo nghệ thuật tạo hình đa dạng, đặc sắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật có giá trị bảo vật quốc gia như thế. Chúng ta đã từng chọn Trâu Vàng là linh vật của SEA Games tổ chức tại Việt Nam (2003). Và như thế, không có lý do gì mà không cân nhắc để công nhận nghê trở thành linh vật đại diện cho người Việt. Bởi nghê chính là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của người Việt suốt chiều dài lịch sử dân tộc.