Kim Dung đã chắt lọc tinh hoa của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, hòa trộn với sức sáng tạo và nền tảng kiến thức sâu rộng, mượn chuyện giang hồ để gửi gắm tình đời nên được độc giả Việt Nam cả bình dân và bác học mến mộ.
Khơi dậy ước muốn hành hiệp trượng nghĩa
Tôi biết đến tác phẩm của Kim Dung vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn học phổ thông. Ngày ấy, đã thành thói quen, sau bữa cơm tối, cả gia đình lại quây quần bên chiếc radio chạy bằng hai quả pin cối, nghe các tác phẩm văn học Trung Quốc. “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung đưa tôi đi khắp xứ Trung Hoa, đến những hòn đảo đẹp như thiên đường và cả đại mạc Mông Cổ xa xôi rền vang vó ngựa…
Có lần, vào năm cuối cấp THPT, đạp xe lên phố huyện, tôi vào cửa hiệu cho thuê truyện duy nhất lúc bấy giờ. Thuê liền dăm tập của bộ tiểu thuyết “Thiên long bát bộ”, tôi đề ra mục tiêu làm sao trong một đêm phải xong ba tập. Quê nghèo chưa có điện, đèn dầu bố mẹ chỉ cho thắp đến 21 giờ rồi tắt để đi ngủ, tôi lấy đèn pin của bố rồi trùm chăn đọc. Sáng ra, tôi trả đèn dưới gối bố rồi đi học, tối về nghe ông phàn nàn không hiểu sao pin mềm nhũn hết cả. Thế rồi, tôi đem truyện đến lớp cho các bạn thuê lại, thay nhau đọc. Khoảng hơn một tuần tôi thu hồi được vốn. Sau đận ấy, việc thuê và cho thuê lại truyện Kim Dung khiến tôi “có tích lũy”.
Trong ký ức thuở học trò, tiểu thuyết Kim Dung khơi dậy ước mơ ham hiểu biết, được hành hiệp trượng nghĩa qua từng nhân vật chính diện, cũng như phản diện. Nhân vật được ông khắc họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Trương Vô Kỵ trong “Ỷ thiên đồ long ký” hoàn hảo từ trí tuệ đến võ công. Quách Tĩnh trong “Anh hùng xạ điêu” nhân hậu, khờ khạo nhưng lại được bù nhờ sự sắc sảo từ người vợ Hoàng Dung.
Dương Quá của “Thần điêu đại hiệp” thì thông minh nhưng cực đoan. Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” thì quá ma lanh, sự tinh khôn của một người vượt lên từ đáy xã hội. Chỉ có Tiêu Phong ở “Thiên long bát bộ” là nhân vật đàn ông đúng nghĩa, vừa tài giỏi, trượng nghĩa, vừa chung thủy, sâu sắc… Nếu lúc nhỏ ta thích được anh hùng cái thế, đáng bậc trượng phu như Quách Tĩnh, Kiều Phong thì lớn hơn chút lại ước mình được phong lưu như Lệnh Hồ Xung, Đoàn Dự hay Vi Tiểu Bảo...
Đề cao lòng yêu nước và nghĩa khí
Nếu như thời thơ ấu, tìm đến tiểu thuyết Kim Dung theo kiểu có gì đọc nấy thì đến bậc đại học tôi bắt đầu đọc có hệ thống hơn. Tôi tìm đọc từ những tác phẩm đầu tiên như: Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm cho đến các bộ truyện có sự gắn kết về thời gian để hiểu hơn về cốt truyện, các tuyến nhân vật cũng như sự gửi gắm triết lý của nhà văn. Có thể thấy, chủ nghĩa yêu nước là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung. Sự độc lập tự chủ của dân tộc Hán luôn được ông nhấn mạnh, nhất là trong các tác phẩm có bối cảnh Trung Quốc bị đe dọa bởi những người Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ…
Dần dần chủ nghĩa yêu nước trong tiểu thuyết của ông cũng bao gồm cả các dân tộc ít người tạo thành Trung Quốc rộng lớn bây giờ. Ví dụ, trong “Anh hùng xạ điêu”, Thành Cát Tư Hãn và các con của ông được nhấn mạnh là những vị tướng tài ba, những dũng sĩ kiêu hùng trên đại mạc. Khang Hy trong “Lộc đỉnh ký” là vị vua tài năng, có lòng trắc ẩn với ước muốn hòa hợp dân tộc để xây dựng một đại Thanh lớn mạnh. Hay Tiêu Phong trong “Thiên long bát bộ”, dù là người Khiết Đan nhưng được người Hán nuôi dưỡng nên đã vì người Hán mà ngăn cản vua Liêu tiến quân, tránh được cuộc chiến tranh tàn khốc.
Còn nhớ, lúc trà dư tửu hậu, nói về tiểu thuyết Kim Dung, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét, các tác phẩm của ông giống như cuốn từ điển thu nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa. Ông đã đề cập đến nhiều lĩnh vực từ y thuật, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo…, cho đến các triết lý của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão… Ông đã tôn trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là các mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, anh em, nhất là giữa sư phụ với đồ đệ và giữa các huynh đệ với nhau.
Truyện Kim Dung có nhiều nhân vật được khắc họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Về bản chất, các nhân vật chia rõ chính - tà nhưng sự thật tà không hẳn là gian ác, mà chính cũng không thuần là nhân nghĩa. Có những nhân vật ra mặt đức độ rất lâu như Nhạc Bất Quần trong “Tiếu ngạo giang hồ”, đến một lúc nào đó lại hiện rõ sự gian ác, tráo trở làm người đọc không khỏi bất ngờ. Duy chỉ Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” là không theo mô thức của các nhân vật chính, không phải là một biểu tượng của một anh hùng hảo hán, chính tà bất phân, không theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định, nhưng sống “nghĩa khí”, hết lòng vì bạn.
Nhà văn Vũ Đức Sao Biển, người thực hiện bộ biên khảo 5 tập: “Kim Dung giữa đời tôi”, viết về 12 bộ sách võ hiệp của Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, võ công, tình yêu, rượu, âm nhạc đến pháp luật… nhận định: Điểm nổi bật trong tác phẩm Kim Dung chính là lòng nhân đạo, nhân ái. Kim Dung đi vào chiều sâu tâm linh, trí tuệ, biểu dương tình yêu thương giữa con người với con người.