Từ cảm hứng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị mỹ thuật truyền thống Việt Nam, 38 tác phẩm được ví như những bông hoa bung nở giữa cuộc đối thoại văn hóa xuyên quốc gia.
Nghệ thuật liên văn hóa
Trong không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” diễn ra từ ngày 23/1 - 12/3, là kết quả của sự kết hợp giữa tinh hoa tranh khắc gỗ Nhật Bản và tinh hoa mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Triển lãm được ví như cuộc đối thoại liên văn hóa, xuyên quốc gia, nhằm quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế.
Giám tuyển triển lãm, ThS Nguyễn Thế Sơn (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, triển lãm có 34 tác giả là các hoạ sĩ trẻ đã và đang theo học tại Khoa Hội hoạ, Khoa Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với 38 tác phẩm tạo hình phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt.
Các tác phẩm vừa quen vừa lạ, được thể hiện qua góc nhìn đương đại từ những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang…
Tiếp nối dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” bắt đầu thực hiện và ra mắt vào năm 2020, trải qua nhiều lần tiến hành nghiên cứu và tương tác với dòng tranh Hàng Trống, dự án đã phát triển và ra mắt được rất nhiều triển lãm trong 3 năm gần đây.
Chất liệu hội hoạ truyền thống Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó… đã được đối thoại với các bức tranh dân gian để từ đó sáng tạo ra những truyền thống mới với hình hài cũng như tinh thần của thế hệ trẻ.
“Với dự án Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”, chúng tôi muốn tiếp tục nối dài những cuộc đối thoại với nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, cụ thể là dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e, hay còn được gọi dưới cái tên “Phù thế hội” (thế giới phù du hư ảo). Dòng tranh này có thể nói mang được đầy đủ giá trị tinh hoa trong sáng tạo cũng như tinh thần Nhật Bản”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay.
Với sự sáng tạo của những nghệ nhân có phần mộc mạc giản dị trong tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, dự án đã thúc đẩy tiến trình nghệ thuật truyền thống khi chuyển tiếp sang một dòng tranh khắc gỗ tinh xảo. Lúc này, nghệ thuật là tổng hoà kỹ năng và khối óc của hoạ sĩ sáng tác cùng những nghệ nhân khắc gỗ, in ấn, bồi biểu...
Tác phẩm 'Công thành danh toại' của Minh Ngọc, lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ 'Vinh quy bái tổ'. |
Tinh hoa kết hợp, lạ mà vẫn quen
Theo giới nghiên cứu nghệ thuật, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” muốn đi xa hơn thì phải có những cuộc đối thoại xuyên văn hóa, xuyên quốc gia. Khi mà truyền thống không nhất thiết phải bắt nguồn từ Việt Nam mà có thể tới từ dân tộc khác, từ nền văn hóa khác. Trong trường hợp này, dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản là một đối tượng nghiên cứu tuyệt vời.
Bảo tồn văn hóa phải được tiến hành song song với du nhập văn hóa. Bởi vậy giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho rằng, triển lãm “Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” tạo ra những tác phẩm thú vị mang hơi thở thời đại, và của sáng tạo cá nhân trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản. Đồng hợp kết hợp được những giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam.
Một số tác phẩm gốm kết hợp phong cách Việt Nam – Nhật Bản. |
Mặc dù vào thời điểm giáp Tết, song triển lãm vẫn thu hút khá đông giới mộ điệu đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để ngắm tác phẩm. Sự hoán đổi thủ pháp trong các bức tranh đem lại sự ngạc nhiên bởi sự mới lạ, phong cách Nhật Bản được thể hiện trên chất liệu Việt như sơn mài, giấy dó, giấy giang, lụa. Ngược lại, hình tượng nghệ thuật Việt Nam lại được thể hiện qua bút pháp Ukiyo-e, mà “Đám cưới chuột” là ví dụ điển hình.
Đối thoại liên văn hóa, xuyên quốc gia còn được thể hiện ở hình tượng cô gái trong trang phục kimono bên hoa huệ. Điều này khiến người xem nhớ đến bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943) rất nổi tiếng của danh họa Tô Ngọc Vân.
Ngoài ra, những tác phẩm như: Làng, Công thành danh toại, Tháng Giêng bất tận, Vũ điệu sắc màu, Người con gái hái dâu, Chuyện ngày thường, Đêm hè, Xinh, Trùng điệp… cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn hai nền văn hóa khác biệt.
Nó gợi cho người thưởng lãm thấy rằng, nghệ thuật là không có giới hạn. Tuy nhiên, giới hạn địa lý với triết lý mang bản sắc dân tộc lại đem đến cho nghệ thuật điều đặc biệt để nhận diện thương hiệu của nền văn hóa quốc gia.
Trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, có lẽ những cuộc đối thoại nghệ thuật xuyên quốc gia nên được khuyến khích và tiến hành như một hoạt động cần thiết để văn hóa Việt lan toả rộng hơn.
Chỉ khi thế giới nhận diện được văn hóa Việt, thì sản phẩm thuộc ngành công nghiệp văn hóa mới có cơ hội “xuất khẩu”, và thuật ngữ “hội nhập văn hóa” mới được thực hành đúng nghĩa.
“Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hóa khác. Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống, để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.