Khi mỹ thuật đương đại phối kết bên tranh gỗ truyền thống

GD&TĐ - “Đối cảnh” là tên triển lãm mỹ thuật của Hà Mạnh Thắng, ở đó họa sĩ đưa ra sự đối lập giữa hội họa hiện đại bên cạnh những bức tranh gỗ truyền thống.

Những bức tranh hiện đại được treo cạnh những bức hoành phi cổ.
Những bức tranh hiện đại được treo cạnh những bức hoành phi cổ.

“Đối cảnh” đang diễn ra tại Galerie Quynh (TPHCM) có nhiều khía cạnh để công chúng có thể chiêm nghiệm. Bóc tách trong một ý nhỏ như chủ đề “Đối cảnh” - các câu đối/ bài thơ xưa được sưu tầm và trưng bày cùng những bức tranh mới vẽ, còn là một đối cảnh của cảm xúc, một “đối chứng” của cảm hứng.

Sắc độ văn hóa trong cổ vật

Chứng kiến hao mòn, phôi pha của thời gian diễn ra ngay trên các bề mặt, họa tiết và cổ vật, Hà Mạnh Thắng thừa nhận sau chính các tìm tòi, khám phá về hình ảnh, màu sắc và đa tầng ý nghĩa của từng tác phẩm đã đưa anh tới phong cách vẽ trừu tượng.

Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi nhận xét rằng, Hà Mạnh Thắng thuộc số ít họa sĩ thích sự thay đổi trong sáng tác. Quan sát công việc của anh chừng 15 năm qua, sẽ thấy rõ điều này.

Nếu so với triển lãm “Khói sóng” năm 2015, rồi “Phong cảnh/Tâm cảnh” năm 2019, thì “Đối cảnh” lần này đã là sự thay đổi khá nhiều.

Từng theo đuổi bút pháp hiện thực, rồi hiện thực hoài nghi, đến biểu hiện, trừu tượng, rồi trừu tượng - biểu hiện… trong mỗi ngôn ngữ, Hà Mạnh Thắng bắc nhịp cầu với quá khứ, để truy vấn, mỉa mai, phản tư hiện tại hoặc ngược lại.

Đam mê khám phá vốn di sản và văn hóa truyền thống, Hà Mạnh Thắng còn đi sâu vào lĩnh vực cổ vật. Bởi vậy, anh có thêm những chiêm nghiệm về các sắc độ văn hóa để chuyển tải trong “Đối cảnh”.

Công chúng thấy lạ lẫm, khi hội họa hiện đại được phối kết với truyền thống, từ hoành phi câu đối, trướng ngăn tới các bức chạm khắc, phù điêu. Hiện đại là những bức tranh mới vẽ, còn thơm mùi dầu được treo cạnh những báu vật thời gian để tạo ra những sự nghịch lý.

Triết lý âm - dương và thế giới tâm linh, siêu nhiên gắn chặt đời sống hàng ngày của mỗi người. Trong tranh Hà Mạnh Thắng, xung đột hiện diện trong thế lưỡng phân, giữa hai thế giới tâm linh và thực tại, để từ đó thiết lập một trạng thái cân bằng hài hòa.

Thực tế này thể hiện đậm nét trong chuỗi tác phẩm mới của nghệ sĩ, nay có sự hiện diện của những “sơn son thếp vàng”. Ở đây chỉ nói một ý nhỏ, đó là các câu đối/bài thơ xưa được sưu tầm và trưng bày cùng, như là một đối cảnh của cảm xúc, một “đối chứng” của cảm hứng. Tạm gọi là họa hình dẫn chứng.

“Khi để chúng đối cảnh với nhau, người xem sẽ thấy thú vị vì sự hòa trộn giữa kế thừa, phản tư và cợt nhả. Câu hỏi được đặt ra là những “sơn son thếp vàng” kia thì nên kế thừa hoặc thay đổi, phủ nhận? Phải chăng lịch sử cũng đang có nhiều tình huống và tình thế giống như vậy?”, nhà nghiên cứu phê bình Lý Đợi cho hay.

Khi mỹ thuật đương đại phối kết bên tranh gỗ truyền thống ảnh 1
Họa sĩ Hà Mạnh Thắng quan tâm đến tính đối thoại và ý nghĩa từ văn hóa truyền thống.

Họa sĩ Hà Mạnh Thắng quan tâm đến tính đối thoại và ý nghĩa từ văn hóa truyền thống.

Đối thoại với truyền thống

“Với những nhà sưu tập thích sự ổn định phong cách của họa sĩ, thì “Đối cảnh” có lẽ sẽ làm họ buồn. Còn với những nhà sưu tập thích sự thay đổi, sự phong phú, “Đối cảnh” sẽ làm họ vui. Tìm kiếm sự thay đổi là một sứ mệnh của người làm sáng tạo” - Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Lý Đợi.

Sinh năm 1980 tại Thái Nguyên, Hà Mạnh Thắng là một trong những họa sĩ được đánh giá có tầm ảnh hưởng trong giới mỹ thuật Việt Nam. Mạnh Thắng đã từng được giới thiệu bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig.

Năm 2015, Hà Mạnh Thắng có triển lãm “Khói sóng” thu hút đông đảo giới mỹ thuật. Triển lãm đã phản ánh mối quan hệ gắn kết công việc của người nghệ sĩ với văn hóa và lịch sử Việt Nam. Những tác phẩm phong cảnh Việt Nam bắt đầu với những quan sát về cấu trúc và nơi chốn tiêu biểu nhất của đất nước và những hệ tư tưởng.

Ngoài ra, thời gian là một chủ đề thực hành nghệ thuật quan trọng của Hà Mạnh Thắng, thậm chí còn giống như một phương tiện sáng tác. Toan tranh của Mạnh Thắng xử lý như một thực thể còn sống, đang hít thở. Chúng chuyển hóa theo thời gian, khi chất đồng bị oxy hóa.

Hà Mạnh Thắng diễn tả khung cảnh theo trí tưởng tượng nảy sinh từ chốn tâm tưởng. Bởi vậy, ngay từ tên triển lãm “Đối Cảnh” - nghe qua khá giản đơn, nhưng lại rất đa tầng nghĩa.

Công chúng sẽ lầm khi nhìn hình mà thấy hình, bởi rất có thể đó chỉ là cái bóng. Thời gian trong tranh giống như lộn ngược, rất khó nắm bắt trước sau. Và thậm chí, còn khó xác định hiện tại hay quá khứ trong mỗi diễn tả đa sắc.

Giống như ở “Khói sóng”, bằng cách chia các bức tranh thành ba khối cấu trúc, Hà Mạnh Thắng dường như đang vẽ nên một đường thẳng song song với mặt nước, mặt đất và bầu trời. Trong sự phân chia giữa ba lớp không gian, thi thoảng không gian nơi đó lại được tạo ra một cách mơ hồ và dường như tiết trời, không khí và cảnh sắc của tự nhiên bao trùm và chi phối tất cả mỗi cảnh vật.

Trái ngược với những tác phẩm trước đây, những bức tranh mới được sáng tác được tạo ra có bề mặt trông mạnh bạo và thiên về bảng màu phấn nhẹ. Thông qua lối đắp lớp sơn có kiểm soát, tốc độ, kĩ thuật làm nét dựa trên mỗi cấu trúc chính xác và sự xuất hiện và biến mất ngẫu nhiên của cụm từ được làm chìm đi trên bề mặt vài bức tranh

Với Hà Mạnh Thắng, cách để thưởng thức “Đối cảnh” chính là nỗi lòng - tâm trạng hay tâm thế của người xem. Mỗi bức tranh gồm hai phần ghép với nhau, nửa trên là lụa và nửa dưới là toan, do đó đem lại hai hiệu ứng trên nền vật liệu vừa vững chãi vừa bay bổng, vừa mạnh mẽ vừa thơ mộng.

Họa sĩ Hà Mạnh Thắng chia sẻ rằng: “Nghệ thuật đối với tôi như là một cách để định nghĩa lại cuộc sống theo cách riêng của nó. Nó giống như một vòng tròn khép kín của thời gian, lịch sử và kí ức. Tôi quan tâm đến tính đối thoại và ý nghĩa được gắn với những hình ảnh từ chính truyền thống và văn hóa đem lại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.