“Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng Mười” là chương trình chiếu phim phi lợi nhuận do Trigger Film Academy phối hợp với Storii và rạp Dcine Bến Thành tổ chức từ ngày 5 đến 29/10.
Sự kiện trình chiếu 9 tác phẩm điện ảnh tài liệu và phim truyện của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, gồm có tác phẩm đầu tay, tác phẩm đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả cũng như tác phẩm gần đây nhất - bộ phim “Hoa nhài”.
Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, với phong cách làm phim tinh tế, sâu lắng, luôn quan tâm tới số phận con người gắn với số phận của dân tộc và thời đại. Cùng với các giải thưởng lớn trong nước, ông và những tác phẩm của mình đã được tôn vinh tại nhiều sự kiện điện ảnh quốc tế.
Thời điểm mấy năm trước, khi ấp ủ kịch bản “Hoa nhài”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh xác định dành toàn bộ tâm huyết cho tác phẩm cuối đời, như một lời cảm ơn Hà Nội, nơi ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời.
Kịch bản không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp. May mắn có một hãng phim tư nhân vì kính trọng tài năng của ông mà đứng ra sản xuất. Bản thân ông phải bỏ tiền “dối già” của hai vợ chồng để góp làm phim.
“Hoa nhài” được thực hiện với kinh phí rất khiêm tốn, mang tính chất một phim độc lập.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã hoàn thành kịch bản phim tài liệu về cha ông, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - người tình nguyện bỏ lại vinh hoa để tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu vô cùng gian khổ, đạt được những thành tựu lớn trong nghiên cứu khoa học, điển hình là nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin và Streptomycin, điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kịch bản phim tài liệu này không được duyệt cấp kinh phí thực hiện.
Cũng trong lĩnh vực điện ảnh, gần đây nhất, đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đã lập nên một kỳ tích khi bộ phim đầu tay “Bên trong vỏ kén vàng” đoạt giải thưởng Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023.
Những hình ảnh, thông tin về một bộ phim đậm chất Việt của một đạo diễn Việt được truyền đi khắp thế giới, trong ánh sáng, sự lan tỏa của cái đẹp và những khát vọng nghệ thuật. Vậy nhưng, khi đạo diễn trẻ này về nước, anh không được đón nhận bất cứ hình thức vinh danh nào từ phía các cơ quan quản lý nghệ thuật.
Ở nước ta, việc đối đãi, ứng xử với các tài năng luôn là câu chuyện chưa được lưu tâm đúng đắn. Trong khi đó lại có rất nhiều dự án lãng phí, thất thoát; nhiều giải thưởng thiếu giá trị; nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu đầu tư kinh phí lớn mà nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Người tài đôi khi rất cô đơn.
Để lấp đầy những cô đơn ấy, để cô đơn biến thành sức mạnh, nếu chỉ có lời nói thì e rằng chưa đủ. Chính sách và cuộc sống cần phải gặp gỡ nhau chứ không phải là hai phạm trù song song.