Nỗ lực bù lấp
Trước thềm năm học mới, UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch tuyển dụng 500 giáo viên. Kế hoạch trên xuất phát từ kết quả rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy mô, mạng lưới trường lớp, chỉ tiêu biên chế giao cho ngành Giáo dục năm 2023.
Toàn ngành tuyển được 231 giáo viên và phân công công tác từ 1/8. Số giáo viên mới tuyển bổ sung kịp thời cho năm học 2023 - 2024. Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - cho biết: Tuyển dụng giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập nhằm bù đắp số chỉ tiêu biên chế được giao.
Qua đó, chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, theo thống kê của sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện còn thiếu 618 giáo viên so với chỉ tiêu được giao và 1.106 giáo viên so với định mức.
Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lào Cai dự kiến có 16 lớp. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 20 giáo viên đứng lớp. Chuẩn bị cho năm học mới, trường đã đăng thông tin tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được.
Cô Lê Thị Liên Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nếu tính cả giáo viên hợp đồng mới đạt tỷ lệ 1,25 người/lớp, chưa đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT”.
Cũng theo cô Hoa, lý do tuyển dụng khó khăn liên quan tới mức lương, các chế độ, thời gian tuyển dụng ngắn hạn nên không nhiều giáo viên muốn gắn bó. Thiếu nhiều giáo viên khiến nhà trường khá khó khăn trong công tác phân công nhiệm vụ đứng lớp vào đầu năm học.
Bà Trần Thị Thuỳ Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai - cho biết: “Ngành Giáo dục đã tham mưu cho Hội đồng tuyển dụng giao riêng cho thành phố tổ chức hội đồng riêng nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, thành phố mới tuyển được 41/51 giáo viên. Trong đó, 1 viên chức không hoàn thiện hồ sơ sau khi trúng tuyển”.
Tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), năm học này vẫn thiếu 320 giáo viên so với định mức và 120 giáo viên so với chỉ tiêu tỉnh giao. Theo ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa, thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay tại các trường trên địa bàn do tăng dân số cơ học từng năm. Cùng với đó, giáo viên xin chuyển công tác cũng là yếu tố dẫn tới tình trạng này.
Trước thực trạng trên, thị xã Sa Pa đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng nhưng cũng chỉ tuyển được 36/50 người ứng tuyển. Để có đủ đội ngũ đứng lớp trong năm học mới, thị xã Sa Pa đã ký hợp đồng với 107 giáo viên. Tuy nhiên, đến ngày 28/8, địa phương này mới nhận được 13 hồ sơ.
“Công tác tuyển dụng diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Tuy nhiên, không tuyển đủ giáo viên theo kế hoạch giao. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai làm báo cáo gửi và đề nghị UBND tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên năm học 2023 - 2024”, ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.
Giải pháp tình thế
Hoan nghênh một số địa phương có chính sách thu hút, ông Phạm Văn Hòa kỳ vọng, dù chưa thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên nhưng đây là động thái tích cực của các địa phương, thể hiện quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Từ đây đặt ra vấn đề, các địa phương cần mạnh dạn có chính sách đủ mạnh để thu hút nhân lực cho ngành Giáo dục. Nếu chúng ta xác định giáo dục là gốc rễ của phát triển thì không nên rụt rè.
Thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương tại Lào Cai. Giải bài toán trên, Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng 40 cán bộ quản lý, giáo viên đủ điều kiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên trong năm học 2023 - 2024. Qua đó, giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên cũng như đảm bảo thực hiện mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng chủ động xây dựng kho học liệu điện tử, hệ thống bài giảng dùng chung. Đồng thời, chỉ đạo các trường lập kế hoạch giáo dục, tích hợp bài học và những hoạt động giáo dục sử dụng bài giảng chung.
Để triển khai dạy học theo Chương trình GDPT mới, Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa bố trí điều động, biệt phái giáo viên ở trường có tỷ lệ cao hơn về nơi thiếu. Cùng với đó, dạy học tăng cường, dạy học kết nối giữa các lớp, trường với bộ môn thiếu giáo viên như Tiếng Anh, Tin học.
Bên cạnh đó, phòng phân công giáo viên liên môn, giáo viên bộ môn giảng dạy và phụ trách kiêm nhiệm phần việc khác chủ nhiệm lớp, Tổng phụ trách Đội… để các giáo viên văn hóa và chuyên ngành giảng dạy đủ số tiết theo quy định.
Một hoạt động trải nghiệm của cô trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: NTCC |
Khuyến khích, ưu đãi
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, toàn tỉnh thiếu hơn 1 nghìn giáo viên các cấp. Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho hay, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực cho ngành Giáo dục.
Theo đó, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý cùng giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại địa bàn khó tuyển dụng.
Mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy. Về cơ bản, Nghị quyết này đã giúp các địa phương bổ sung được nguồn giáo viên cho bậc mầm non công lập.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn bổ sung nhóm được hưởng chính sách ưu đãi gồm giáo viên một số bộ môn mới tuyển dụng: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân… Những giáo viên giảng dạy ở cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn khó tuyển dụng được hưởng hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.
Mức hỗ trợ này không dùng làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện hỗ trợ: Từ học kỳ II năm học 2022 - 2023 đến hết học kỳ I năm học 2027 - 2028.
Theo ông Trí, chính sách trên đã giúp địa phương bổ sung giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập và bù lấp được khoảng 70% số giáo viên còn thiếu. Về lâu dài ngành Giáo dục sẽ tham mưu với tỉnh “đặt hàng” đào tạo giáo viên ở một số bộ môn đặc thù, khó tuyển dụng như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc…
Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT - cho hay, tỉnh ban hành thông báo về việc tuyển dụng giáo viên theo chính sách của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”.
Điều kiện dự tuyển là những người tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước loại xuất sắc; đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế hoặc cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc gia, kỳ thi Olympic…
Người tuyển dụng theo chính sách này được ưu tiên xét tuyển. Ngoài lương, phụ cấp ngành, giáo viên được tuyển dụng còn hưởng thêm 100% lương và phụ cấp tăng thêm trong 5 năm; xem xét đặc cách tham dự kỳ thi nâng ngạch giáo viên chính. “Hiện có 6 hồ sơ ứng tuyển”, ông Thái thông tin.
Năm học này, Quảng Ngãi thiếu khoảng 1.200 giáo viên ở các cấp học. Sở sẽ tính toán, tham mưu với tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ những giáo viên mới trúng tuyển, nhất là nhà giáo ở vùng khó khăn. Giải pháp này nhằm thu hút nguồn lực cho ngành Giáo dục, khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn tuyển như hiện nay.
Tiết học kết nối của cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai. |
Hỗ trợ giáo viên mới
Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản đã ký ban hành Nghị quyết của HĐND về việc hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8. Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho hay, tỉnh dự tính chi khoảng 300 tỷ đồng để thu hút sinh viên ngành sư phạm, tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023 - 2024. Thời gian thực hiện quy định này đến hết 30/12/2030.
Theo đó, mỗi giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng. Giáo viên mầm non được hỗ trợ 162 triệu đồng/người. Số tiền này được trao trực tiếp theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác.
Ông Phê nhấn mạnh, để nhận khoản trợ cấp trên, giáo viên phải cam kết giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng. Nếu nhận kinh phí hỗ trợ nhưng không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết phải hoàn trả toàn bộ.
“Dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10, tỉnh Hưng Yên sẽ phát hành thông báo tuyển dụng giáo viên. Hy vọng, với chính sách ưu đãi nêu trên, ngành Giáo dục sẽ tuyển đủ số lượng và thu hút được nhiều giáo viên giỏi”, ông Nguyễn Văn Phê tin tưởng.
Ngoài mục đích “trải thảm” để thu hút nguồn tuyển cho ngành Giáo dục trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên kỳ vọng, chính sách này sẽ khuyến khích con em trong và ngoài tỉnh lựa chọn học ngành sư phạm. Qua đó, tạo nguồn cho ngành Giáo dục.
Nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên, nguồn tuyển dụng là khó khăn, vướng mắc của tỉnh Yên Bái. Giải quyết bài toán này, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy - cho biết, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách thu hút với giáo viên.
Chẳng hạn, với giáo viên tiếng Anh, Tin học tuyển mới ở vùng cao, tỉnh hỗ trợ 100 triệu/người. Hiện số giáo viên tại tỉnh Yên Bái đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng với tổng chỉ tiêu hơn 2.500 người.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái chú trọng rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành Giáo dục địa phương. Ông Duy nhấn mạnh, tỉnh sẽ dành nhiều chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên như: Chính sách thu hút giáo viên tốt nghiệp loại giỏi; hỗ trợ giáo viên thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; liên kết mở lớp đào tạo giáo viên tiếng Anh trình độ đại học.
“Tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành Giáo dục; trong đó nhiều thầy, cô giáo gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên.
Tỉnh giải quyết cho giáo viên đã có thời gian cống hiến, có thành tích ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được chuyển công tác về thành phố Yên Bái và vùng thấp theo nguyện vọng”, ông Duy khẳng định và cho biết, năm 2021 và 2022, tỉnh đã giải quyết cho 91 trường hợp được chuyển công tác theo nguyện vọng.
Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương; có nơi thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là một số môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, nguyên tắc là, ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên.
Thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục và quyền học tập của học sinh. Do đó, tình trạng này cần được giải quyết dứt điểm bằng những phương án, giải pháp căn cơ, dài hơi; trong đó có việc bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp.
“Trên cơ sở rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy mô mạng lưới trường lớp, chỉ tiêu biên chế giao, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD-ĐT trong học kỳ I, năm học 2023 - 2024”, ông Nguyễn Thế Dũng cho biết.