Phim hoạt hình Việt 'lép vế' vì thiếu người tài?

GD&TĐ - Bao giờ Việt Nam mới có phim hoạt hình chiếu rạp khiến khán giả phải xếp hàng mua vé?

Phim hoạt hình nổi tiếng 'Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch' được gia công hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Phim hoạt hình nổi tiếng 'Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch' được gia công hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Đó không chỉ là mơ ước mà còn là câu chuyện đầy bế tắc, liên quan đến nhiều vấn đề.

Cứ đến dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, nhiều người đặt câu hỏi phim hoạt hình Việt Nam có gì đặc sắc để trở thành bữa tiệc của thiếu nhi trong mùa Hè? Trong khi chưa có câu trả lời thì phim hoạt hình Nhật Bản “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” đang chiếm vị trí đầu bảng về doanh thu các phim chiếu rạp tại Việt Nam.

Phim hoạt hình vượt phim bom tấn

“Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” là phần phim điện ảnh mới nhất năm 2023 về chú mèo máy thông minh đến từ Nhật Bản.

Theo giới thiệu trên các trang mạng và tại các phòng vé, đây là phần phim thứ 42 trong loạt phim điện ảnh 2D của “Doraemon”.

Phần phim mới nhất này xoay quanh chuyến phiêu lưu của Doraemon, Nobita và những người bạn thân tới Paradapia - một hòn đảo hình trăng lưỡi liềm lơ lửng trên bầu trời. Ở nơi đó, tất cả đều hoàn hảo đến mức cậu nhóc Nobita mê ngủ ngày cũng có thể trở thành một thần đồng toán học, một siêu sao thể thao.

“Doraemon movie” được biết đến là chuỗi phim điện ảnh chuyển thể từ các tập truyện dài của tác phẩm Doraemon do tác giả Fujio F. Fujiko sáng tác.

Series phim bắt đầu ra mắt từ năm 1980, sau đó duy trì tiến độ phát hành khoảng 1 tập/năm. Về sau, series có thêm các tập phim mới với kịch bản mới từ những tập truyện dài nổi tiếng.

Thống kê từ trang Box Office Vietnam cho thấy, sau gần 4 ngày ra rạp (kể từ ngày 26/5) thì doanh thu mà bộ phim hoạt hình này đạt được là hơn 28 tỉ đồng. Tính riêng doanh thu trong ngày 29/5, phim dẫn đầu với doanh thu hơn 2,5 tỉ đồng với gần 30.000 vé bán ra qua hơn 2.000 suất chiếu.

Tính đến sáng 30/5, phim đã lên tới trên 30 tỉ đồng. Đáng chú ý, “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” vượt qua cả phim hành động bom tấn Hollywood “Fast & Furious 10” để đứng ngôi đầu bảng. “Fast & Furious 10” hiện có doanh thu khoảng 73 tỉ đồng sau hơn 10 ngày ra rạp.

Tính trung bình thì doanh thu “Fast & Furios 10” là hơn 7 tỉ đồng/ngày, trong khi doanh thu trung bình mà phim hoạt hình “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” đang đạt được là hơn 9 tỉ đồng/ngày.

Việc một phim hoạt hình vượt qua phim hành động bom tấn của Hollywood là rất hiếm trong các bảng xếp hạng. Đáng chú ý, chuyện hiếm này lại xảy ra ở Việt Nam - giữa 2 bộ phim nước ngoài.

Nhìn vào bảng xếp hạng, công chúng dễ dàng thấy sự thật hiển nhiên rằng, phim Việt không có cửa để so với phim nước ngoài. Nói thẳng ra, phim nội địa đang thua trên “sân nhà”.

Cần có “đầu tàu” dẫn dắt

“Chúng ta thiếu sự làm phim chuyên nghiệp, ví dụ như cần phải có sự đồng bộ từ khâu viết kịch bản phân cảnh đến dựng phim, quay phim, âm thanh, ánh sáng...

Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà làm phim của chúng ta chuyên môn giỏi nhưng thuần túy quan tâm nghề nghiệp, không quan tâm đến chính sách. Cứ có phim thì làm, không có phim thì thôi, chúng ta cần đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội”, ông Phan Quân Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang.

Điện ảnh nói chung, phim hoạt hình nói riêng không chỉ đem lại nguồn thu mà còn có tác dụng lan tỏa thông điệp nhân văn. Từ đó khai thác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh mềm và thương hiệu quốc gia.

Từng có rất nhiều bàn luận cũng như tìm hướng đi cho phim hoạt hình Việt Nam, thế nhưng đến nay chúng ta không chỉ “lép vế” mà còn vô cùng mờ nhạt.

Cả thế giới biết đến hai bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch” hay “Cao Bồi Lucky Luke” được gia công hoàn chỉnh tại Việt Nam và bởi các designer và hoạ sĩ người Việt. Vậy tại sao chúng ta vẫn không thể sản xuất ra một phim hoạt hình “ăn khách”?

Vào tháng 10/2022, Bộ VH,TT&DL cho phép Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh tổ chức “Tọa đàm về Năng lực sản xuất và hợp tác quốc tế làm phim hoạt hình Việt Nam” với đại diện các cơ quan, đạo diễn, họa sĩ, nhà sản xuất, phát hành phim hoạt hình tại Việt Nam - để tìm một hướng đi đúng.

Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, sau 63 năm thành lập Việt Nam đã có khoảng 700 - 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 15 - 17 phim/năm.

Trong đó, có hàng trăm bộ phim hoạt hình được trao giải thưởng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam mở rộng tầm nhìn, thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình, mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững.

“Điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để thu hút người xem xếp hàng mua vé tại rạp. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam”, bà Ngô Phương Lan khẳng định.

Bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nói rằng, Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm được Nhà nước đặt hàng 30 - 35 bộ phim nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn 10 - 15 phút, ít phim 30 phút.

Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp. Để làm được phim dài cần nhiều yếu tố như kịch bản, trang thiết bị, nhân lực… đó là một sự kết hợp nhiều nguồn lực.

Giới chuyên gia cho rằng, hoạt hình Việt “lép vế” trước phim ngoại không chỉ vì lý do thiếu người tài. Chúng ta có tiềm năng, có nhân lực, có kỹ thuật… nhưng thiếu đầu tàu, không có người dẫn dắt. Bởi vậy, muốn đi đúng hướng cần học hỏi kinh nghiệm, cách thức của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Chưa ai dám chắc trong tương lai, phim hoạt hình Việt Nam sẽ như thế nào. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định - nếu chúng ta không học nhanh, làm nhanh thì dễ mắc vào cảnh “mới ta, cũ người”, rồi lại tiếp tục bài ca “đi học”. Để rồi mãi mãi lẽo đẽo theo sau, không thể thoát cảnh “lép vế” hay mờ nhạt, yếu kém.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ