Nghệ thuật từ những mảnh vụn

GD&TĐ - Những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ, nhưng dưới bàn tay của nghệ sĩ khuyết tật lại được tái sinh dưới hình hài sống động.

Anh Lê Việt Cường - người sáng lập Vụn Art.
Anh Lê Việt Cường - người sáng lập Vụn Art.

Các tác phẩm tranh ghép vải mang tính nghệ thuật thẩm mỹ cao của các thành viên thuộc Vụn Art sẽ được trưng bày trong triển lãm “Những mảnh vụn” được tổ chức vào ngày 18/4 tới đây tại Bảo tàng Hà Nội.

Biến vải vụn thành tác phẩm

Nghệ sĩ tại Vụn Art đang sáng tạo tác phẩm từ vải vụn.

Nghệ sĩ tại Vụn Art đang sáng tạo tác phẩm từ vải vụn.

Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội), đồng thời là người sáng lập Vụn Art bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ. Việc đi lại khó khăn chính là rào cản rất lớn để anh hòa nhập với cộng đồng. Hơn ai hết anh hiểu được sự khó khăn của người khuyết tật trong việc có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của bản thân.

Với mong muốn xây dựng một cơ sở để hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh giống mình, năm 2018 anh cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trường, Lê Quốc Vinh sáng lập Hợp tác xã Vụn Art với mục đích dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người yếu thế, trong đó có người khuyết tật.

Tận dụng vải vụn để làm việc có ích góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên xã hội, Vụn Art tận dụng những mảnh vải vụn bị bỏ đi trong quá trình may vá tại làng nghề lụa Vạn Phúc để làm nên những sản phẩm tranh ghép vải rực rỡ sắc màu, giàu tính dân gian nhưng vương vấn hơi thở của cuộc sống đương đại. Những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới đầy sống động.

Mỗi người khuyết tật ở Vụn Art là một mảnh ghép và anh Lê Việt Cường được ví như chất keo để gắn kết những mảnh ghép ấy. Những người khuyết tật quy tụ lại với nhau không chỉ đơn thuần vì có một công việc kiếm sống nuôi sống bản thân, mà tất cả được khơi dậy tinh thần đam mê sáng tạo, biến nghệ thuật thành niềm vui lẽ sống.

Từ các tác phẩm làm bằng mảnh vụn lụa khi tiếp cận công chúng đã giúp khơi gợi sự sáng tạo, sáng tác nghệ thuật của nhiều người. Ở đây, những mảnh vải vụn như được hồi sinh, được thổi hồn thành những tác phẩm nghệ thuật. Người xem thấy lạ, từ những mảnh vải tưởng chỉ bỏ đi lại rất hữu ích.

Anh Lê Việt Cường cho biết, triển lãm sắp diễn ra sẽ mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc thú vị hơn nữa - khi được tự tay trải nghiệm làm sản phẩm, được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công đẹp mắt, được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng và được gặp những con người vượt lên nghịch cảnh.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện cảm động

“Mỗi tác phẩm là một câu chuyện ý nghĩa gắn với một người khuyết tật – một nghệ sĩ của Vụn Art. Từ trong khó khăn cùng cực, từ trong tuyệt vọng đen tối, mỗi người đã toả sáng bằng cách lao động sáng tạo. Với người lành lặn, việc sáng tạo nghệ thuật đã là một địa hạt đầy khó khăn, còn với người khuyết tật thì đó còn là thử thách. Họ đã vượt qua, và kể lại những câu chuyện cảm động bằng tranh. Chúng tôi rất mong mỏi sự đón nhận của công chúng – bởi đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để có thêm nghị lực và hi vọng”, anh Lê Việt Cường - người sáng lập Vụn Art.

Theo ban tổ chức, triển lãm “Những mảnh vụn” hướng tới kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4), với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó vươn lên nghịch cảnh của những người khuyết tật. Đồng thời, nêu cao tinh thần giữ gìn các giá trị nghệ thuật truyền thống.

Triển lãm sẽ trưng bày khoảng trên 30 tác phẩm của các thành viên nhóm Vụn Art. Thông qua các tác phẩm, triển lãm không chỉ kể những câu chuyện xúc động về sáng tạo nghệ thuật từ những con người bị khiếm khuyết về thể xác, mà còn là những câu chuyện riêng biệt về từng người thợ - nghệ sĩ.

Như Đinh Văn Thành - một cậu bé chậm phát triển trí tuệ, bị bệnh di truyền từ bố, gia đình khó khăn lại càng thêm khó khăn khi chỉ có hai bố con cùng nhau vượt qua sóng gió cuộc đời.

Hay cô gái Thùy An, người xứ Nghệ, từng nghĩ mình sẽ chẳng làm được gì, sẽ không có nơi nào nhận vào làm việc. Nhưng Thuỳ An đã thấy mình có ích với cuộc đời khi những tác phẩm do chính tay cô sáng tạo ra được nhiều người thích thú.

Và ở Vụn Art, nụ cười luôn tươi rói trên đôi môi Nguyễn Thùy Linh. Vốn là một cô giáo mầm non, không may bệnh về xương khiến Linh yếu dần và không thể đi lại. Trở thành người khuyết tật, không thể tiếp tục với công việc dạy trẻ, Linh rất buồn chán, cuộc sống gần như bế tắc khi vừa phải nuôi con và chăm sóc bố mẹ già.

Ban đầu khi tới Vụn Art, Linh rụt rè và không tin mình có thể hòa nhập. Nhưng với tình yêu thương, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ Linh đã thay đổi. Cô tìm lại được niềm vui, trở thành một tay “thợ cứng” - một nghệ sĩ đầy sáng tạo, cô sẵn sàng làm những bức tranh khó để được ngắm nhìn thành quả tuyệt vời của nghệ thuật.

Không gian sáng tạo tại Vụn Art.

Không gian sáng tạo tại Vụn Art.

Ở Vụn có một chàng trai hiền lành, ít nói, luôn tận tụy với công việc và rất biết quan tâm người khác, đó là Trịnh Quốc Bảo. Bảo không may bị khiếm thính từ nhỏ nên có nhiều hạn chế. Thế nhưng Bảo đã rất nỗ lực học tập và làm nhiều công việc, trở thành một chàng trai khéo léo nhất ở Vụn Art.

Với mỗi bạn khuyết tật mới chập chững vào nghề, cô Khanh ở Vụn Art lại luôn được mọi người xem như một người mẹ thứ 2 trong cuộc đời. Cô cũng là mẹ của một bạn khuyết tật, thế nên không chỉ trong công việc mà những kĩ năng sống bình thường cô cũng ân cần chỉ bảo với tất cả tấm lòng bao dung.

Các tác phẩm từ vải vụn do những người khuyết tật sáng tạo lại không hề vụn vặt. Xem loạt tác phẩm lấy ý tưởng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống mới thấy hết những ý niệm sáng tạo đầy công phu tinh tế.

Hay các tác phẩm chuyển thể từ đề tài tranh mười hai con giáp của họa sĩ Lê Huy Văn cũng vậy. Sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu, thứ đến là thông điệp gìn giữ vốn văn hoá truyền thống của dân tộc… Tất cả toát lên sự sang trọng và độc đáo của những đôi tay tài hoa.

Người khuyết tật được ví tựa những vầng trăng khuyết, nhưng ngắm những bức tranh sống động kia - vầng trăng như dần tròn lại. Ở mỗi người khuyết tật, sự quên đi, không còn mặc cảm về những khiếm khuyết bản thân luôn là một thái độ sống tích cực. Chỉ có tích cực mới sáng tạo được những tác phẩm thấm đẫm vẻ đẹp và sự hi vọng vào tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ