Người học không mặn mà
Nếu như sự xuất hiện của các ca sĩ thuộc các dòng nhạc thị trường trong lĩnh vực nghệ thuật gia tăng một cách nhanh chóng. Thì số lượng các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống lại ngày càng ít ỏi.
Việc các trường văn hóa nghệ thuật khó tuyển sinh trong công tác đào tạo các bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống đã không mấy lạ lẫm đối với những người trong nghề.
Với các trường nghệ thuật từ năm học 2013 - 2014, Bộ GD&ĐT đã có nhưng cơ chế riêng để các trường văn hóa nghệ thuật tuyển sinh dễ dàng hơn. Đó là, các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được tuyển sinh riêng. Thí sinh các ngành nghệ thuật chỉ cần thi các môn năng khiếu, được xét tuyển học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.
Thêm vào đó, Nhà nước cũng tạo điều kiện về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng trên thực tế các thí sinh vẫn không mấy mặn mà với các ngành học này.
Đặc biệt là các bộ môn nghệ thuật như Chèo, Tuồng, Cải lương lại càng vắng bóng các thí sinh. Chia sẻ từ các đoàn nghệ thuật, hàng năm trước kỳ tuyển sinh vài tháng, các nhà hát Chèo, Tuồng, Cải Lương, Ca múa nhạc đã lặn lội, rong ruổi khắp các tỉnh thành trên cả nước với mong muốn tìm đủ lượng thí sinh có năng khiếu, yêu thích các bộ môn nghệ thuật này.
Tuy vậy không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Chưa bàn tới chất lượng thí sinh, mà ngay số lượng cần tuyển cũng chưa đáp ứng kịp.
Được biết năm nay, số thí sinh đăng ký dự tuyển tại Nhà hát Tuồng Việt Nam có 60 hồ sơ và tại Nhà hát Chèo Việt Nam có 150. Với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam thì vòng sơ tuyển lại gặp nhiều khó khăn hơn. Mặc dù được sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở VH,TT&DL Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của các tỉnh này cũng như các kênh thông tin của các phòng văn hóa, từ các đơn vị nghệ thuật... nhưng rốt cuộc, hội đồng sơ tuyển của nhà hát Cải lương cũng chỉ lựa chọn được hơn chục thí sinh đạt yêu cầu vào vòng chung tuyển.
Lý giải nguyên nhân
Các thí sinh không mặn mà theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống xuất phát từ các nguyên nhân: Ngoài việc các bộ môn nghệ thuật này chưa được giới trẻ ưa chuộng, bên cạnh đó thu nhập khi làm nghề của các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực này cũng thua thiệt nhiều so với các ca sĩ trẻ thuộc dòng nhạc thị trường hiện nay.
Chưa bàn đến thu nhập của các ca sĩ có tên tuổi, chỉ nhìn vào thực tế cát sê của các ca sĩ khi hát ở phòng trà chắc chắn cũng gấp rất nhiều các nghệ sĩ của các loại hình sân khấu truyền thống. Nếu như các ca sĩ có nhiều cơ hội tìm đất diễn cho mình, thì các SV thuộc các lĩnh vực như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc khi ra trường chủ yếu chỉ có cơ hội vào làm việc trong các nhà hát thuộc các loại hình nghệ thuật mà mình theo đuổi.
Trên thực tế, lương khởi điểm đối với diễn viên trình độ đào tạo bậc đại học hiện nay đều được xếp vào bậc 2, hệ số 2,06 và lương cơ bản là 1.150.000 đồng.
Để hoàn thành một vai diễn trên sân khấu, các diễn viên này phải thực hiện khá nhiều các buổi tập. Tuy nhiên, mức tiền bồi dưỡng theo thù lao vẫn chỉ giữ ở mức 10 - 20.000 đồng/buổi tập và 20 - 50.000 đồng/buổi diễn. Như vậy nếu chỉ theo mức lương và phụ cấp ít ỏi này thì các diễn viên trẻ khó có thể yên tâm bám trụ với nghề.