(GD&TĐ) - Từ thế kỷ 19 đã có một show diễn kỳ quái xuất hiện tại các lễ hội, hội chợ hàng năm. Người ta nhịn đói hàng tuần trước bàn dân thiên hạ. Với nhiều người, đó là một “sự nghiệp nghệ thuật”.
Nhịn đói trong tư thế đứng – nghệ sĩ nhịn đói Papus người Nam Phi |
Người tiếp nối Truyền thống 130 năm
Người đàn ông lủng lẳng ở độ cao 9 mét trên công viên Potters Fields ở London (Anh). Ông ta tự nhốt mình trong một hòm kính và trong suốt 44 ngày không ăn một miếng nào, chỉ thi thoảng uống một ngụm nước. Sau mỗi ngày ông người Mỹ David Blaine này lại nhẹ đi, còm đi một chút.
Đa số thời gian ông ta ngủ, thỉnh thoảng đọc sách, cho đến ngày 19/10/2003 được đưa xuống đất, 9 phần chết, 1 phần sống và được cáng vào bệnh viện để hồi sức. "Above the Below-Trên bờ vực" là tên gọi show diễn này của David Blaine, một nghệ sĩ đóng thế, ảo thuật và hoang tưởng.
Với show hành xác tự nguyện đó ông kế thừa một truyền thống 130 năm đã từ lâu rơi vào quên lãng: “Show nhịn đói”.
Từ thử nghiệm y học thành mô hình làm ăn
Năm 1880, bác sĩ Henry Tanner cược là ông ta trụ được 40 ngày không ăn, chỉ uống nước. Tanner muốn chứng minh tinh thần chiến thắng được thể xác. Tanner cũng tin nhịn đói là cách đơn giản để người ta khỏe mạnh.
9 giờ ngày 28/6 Tanner bắt đầu cuộc thử nghiệm tại trung tâm hội nghị Clarendon ở New York (Mỹ). Mỗi ngày Tanner chỉ ra công viên một lần uống nước. Sau 40 ngày, Tanner đã giành được giải vô địch đói!
Henry Tanner chiến thắng cái đói, trở thành ngôi sao và thu được nhiều tiền. Hàng ngàn người đến xem “ông đốc-tờ đói” - mỗi người trả 25 cent tiền vào cửa. Cái đói làm ông giàu có. Chỉ sau đó ít lâu, nhịn đói trở thành một trò thể thao kiếm bộn tiền ở châu Âu.
Một trong những đại diện nổi tiếng nhất của làng “nghệ sĩ đói” là Giovanni Succi. Năm 1886, người Italia này bắt đầu “sự nghiệp” bằng một show nhịn đói 30 ngày ở Milano. 10 năm sau Succci trình diễn tại khách sạn Royal sang trọng ở Viên (Áo). Hoàng thân, quốc thích, nhà ngoại giao đổ xô đến xem. Một nhãn hiệu thời trang nam đã lăngxê ngay một loại cavát mang tên Succi. Hàng ngày báo chí Viên đưa tin cập nhật về cân nặng và tình trạng sức khỏe của Succi.
“Vua nhịn đói” Jolly lập kỷ lục 44 ngày nhịn đói năm 1926 |
Bí ẩn lồng kính?
Tuy nhiên, khi một bác sĩ bất ngờ đến thăm Succi trong tuần lễ cuối cùng của show nhịn đói ông kinh ngạc thấy “nghệ sĩ đói” đang chén một miếng bít tết to tướng bên ly sâm panh sủi tăm!
Từ đó các “nghệ sĩ đói” khi trình diễn đều bị nhốt vào một lồng kính hoặc vào một tháp canh, khóa trái cửa để công chúng dễ bề kiểm soát.Tại Viên lồng kính thường được đặt trong các quán cà phê và show nhịn đói được tiến hành như một nghi lễ. Trước tiên nghệ sĩ đói chén kỹ càng bữa ăn cuối cùng, sau đó chui vào lồng kính được canh gác nghiêm ngặt và có sẵn giường, sôfa, sách báo, đèn đọc sách và ...toilett. Cuối thời hạn nhịn đói do chính mình đặt ra nghệ sĩ chui ra khỏi lồng trong tiếng hò reo của công chúng và chén ngay một bữa đẫy đà trước bàn dân thiên hạ.
Phụ nữ vào cuộc
Viên cũng là nơi lần đầu tiên phụ nữ quyết định thử tài nhịn đói. Tháng 5.1905 nghệ sĩ đói người Đức Wilhelm Bode vào lồng kính trong công viên Prater ở Viên. Công luận hoàn toàn bị ông ta thu hút… cho đến khi một phụ nữ xuất hiện.
Khi Bode đã nhịn được 1 tháng nữ diễn viên Auguste Victoria Schenk bắt đầu chui vào một cái lồng kính để trong một tiệm cà phê gần công viên Prater. Ngay ngày hôm sau, hơn 1.000 người đã đến xem. Trong khi Schenk nhịn đói trong lồng, một dàn nhạc chơi những bài hát bà ưa thích. Sau 23 ngày nữ diễn viên có thể hình, thể chất bền bỉ này chui ra khỏi lồng, nhẹ đi 10 kilô và ở trong trạng thái phấn chấn nhất.
Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra và cái đói thực sự hành hạ con người thì không còn ai muốn quan tâm đến trò nhịn đói trong lồng kính nữa.
Từ ngày 5/9/2003 David Blaine nhịn đói 44 ngày trong một lồng kính treo |
10.000 điếu thuốc trong 45 ngày
Tuy vậy nghệ thuật nhịn đói vẫn đạt đến đỉnh cao năm 1926 khi nghệ sĩ đói người Đức Jolly lập kỷ lục thế giới mới ở Berlin: nhịn đói 44 ngày! 350.000 người đã đến xem. Không ít người đã bắt chước Jolly và xuất hiện thêm những nghệ sĩ đói tự phong. Tuy sau đó cặp "Harry và Fastello" phá được kỷ lục này, nhưng suýt chết vì ngộ độc nicotin: Trong 45 ngày nhịn đói cả hai đã hút gần… 10.000 điếu thuốc lá.
Những nghệ sĩ khác không hút thuốc, mà tìm mọi cách để… ăn giấu, ăn diếm. “Nghệ sĩ Jolly" bí mật chén sôcôla được một lính gác dúi cho, “nghệ sĩ Harry Nelson” ở Leipzig bồi bổ cơ thể bằng ...súp gà và kẹo ban đêm được tuồn vào lồng kính.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi điện ảnh và tivi phát triển, trò diễn của các nghệ sĩ đói bị rơi vào quên lãng. Chỉ nghệ sĩ người Đức Ludwig Schmitz, biệt danh "Hero-người hùng" nổi đình đám khi nhịn đói... 53 ngày trong lồng kính ở vườn bách thú Frankfurt.
Nhịn một cách kỳ quặc nhất: Papus người Nam Phi đứng nhịn trong 10 ngày đêm và nằm nhịn trong một hòm kính bịt kín...chìm dưới nước (không khí được đưa vào qua một ống cao su)! Báo chí Viên viết về nữ nghệ sĩ đói đầu tiên Auguste Victoria Schenk: „Cô ta muốn chứng minh phái yếu cũng có một cái dạ dày mạnh!“ |
Trọng Hùng (thực hiện)