Là sa mạc khan hiếm nước nôi, chí ít, 430 nghìn người ở đây không được tiếp cận nguồn nước máy.
Thành phố hiếm nước
Trong vai trò thủ đô, Lima là trung tâm văn hóa, công nghiệp, tài chính, giao thông và đông dân nhất Peru, quốc gia nằm ở phía Tây Nam Mỹ. Nó lọt trong thung lũng của 3 dòng sông: Chillón, Rímac và Lurín, thuộc khu vực sa mạc ven biển miền Trung, có mặt hướng ra biển Thái Bình Dương.
Mặc dù nằm trong sa mạc, khí hậu Lima thuộc diện ôn đới. Ngay cả mùa Hè (tháng 12 - 4), nhiệt độ cũng không vượt qua 30 độ C và mùa Đông (tháng 6 - 10) chỉ lạnh lắm là 12 độ C.
Như tất cả các thành phố sa mạc khác, Lima cực kỳ hiếm mưa. Theo báo cáo thời tiết, lượng mưa mỗi năm ở đây chỉ đạt từ 10 - 60mm. Càng là các khu vực ven biển, lượng mưa càng thấp, tối đa chỉ 30mm/năm.
Tài nguyên nước chủ yếu của Lima là nước ngầm và nước sông băng Andean tan chảy. Thủ đô này có hệ thống nước máy trải rộng, cung cấp nước ngọt cho cư dân. Tuy nhiên, đường ống của nó chỉ giới hạn trong khu vực nội thành.
Trong kỷ nguyên khan hiếm nước ngọt ngày nay, các khu vực ngoại ô Lima gần như không được tiếp cận nguồn nước máy. Chỉ tính riêng tại quận Villa Maria del Triunfo, số lượng người không được phục vụ nước máy đã lên tới 430 nghìn.
Sa mạc “xám”
Các vùng ngoại ô của Lima luôn trong tình trạng thiếu nước. Ảnh: Alessandro Cinque, ationalgeographic.com |
Từ lâu, ngoại ô Lima đã luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Những năm Covid-19, nhờ chính phủ Peru hỗ trợ kinh phí, cư dân ngoại ô được cấp nước sạch miễn phí, nhưng lượng nước không nhiều. Thường thì, các công ty cấp nước sử dụng xe tải, chở nước tới địa điểm chỉ định và chia nước cho người dân.
Bắt đầu từ tháng 3/2023, nhà nước ngừng cấp nước miễn phí. Ngoài việc phải bỏ tiền mua nước sạch, cư dân ngoại ô Lima còn phải đối mặt với giá nước tăng vọt. Khoảng 20% cư dân ngoại thành thuộc diện cực nghèo, không có khả năng thanh toán tiền nước.
Tuy nghèo mưa, Lima giàu có một tài nguyên ẩm ướt khác: Sương mù. Suốt mùa Đông kéo dài từ 4 - 5 tháng và cả một chút mùa Thu, bầu trời luôn âm u và không khí chứa đầy sương.
Cứ đến khoảng thời gian này trong năm, các dòng hải lưu của Thái Bình Dương lại đẩy lớp nước lạnh giá nằm sâu dưới đáy biển lên bề mặt, làm mát không khí và tạo ra mây.
Những đám mây do hải lưu lạnh tạo thành rất dày, bị gió đẩy vào trong đất liền, tỏa ra thành sương, vượt qua các thung lũng sông và chạm đến dãy Andes.
Lắm khi, toàn bộ Lima bị sương mù xám xịt quấn liên tiếp 10 - 15 ngày. Buổi sáng, làn sương còn nặng đến mức đổ mưa phùn, rơi kín mặt đất. Trong nội đô bị bê tông hóa, nước mưa phùn còn đủ để tạo thành lớp nước mỏng trên đường phố, đến chiều mới khô đi.
Bẫy sương lấy nước
Kỹ sư Abel Cruz, người sáng chế ra bẫy bắt sương. Ảnh: Alessandro Cinque, Nationalgeographic.com |
Từ 20 năm trước, khi kỹ sư công nghiệp Abel Cruz (Peru) lần đầu tiên chuyển ra ngoại thành Lima sinh sống, ông đã nhận thấy nguồn nước ở đây khan hiếm đến mức nào. Sau khi nghiên cứu tình hình khí hậu và thử nghiệm, ông thành công biến nguồn sương mù giàu có thành nguồn nước.
Phương pháp “bắt sương” của ông Cruz rất đơn giản: Dùng lưới mắt dày làm bẫy, giăng ra giữa trời và chờ sương mắc vào, tụ thành giọt rồi chảy xuống thùng chứa. Tuy nước sương không thể uống, nhưng có thể tận dụng làm nước sinh hoạt và tưới tắm.
Được ông Cruz chia sẻ phương pháp, các cư dân ngoại ô Lima nghèo đua nhau học theo. Bây giờ, cứ đến mùa Đông, lưới bẫy sương lại được dựng lên khắp các ngả. Hình thức bắt sương vẫn đơn giản như lúc đầu, mỗi cái bẫy chỉ bao gồm một tấm lưới lynon, 2 cây sào và một thùng chứa.
Tuy nhiên, kích thước của lưới bắt sương thì đã khác, thường rộng 30 x 30 feet, được giăng rất cao để bẫy được nhiều sương hơn. Trung bình, một bẫy có thể thu được từ 50 - 100 gallon nước/ngày (khoảng 189 lít). Bộ bẫy bắt sương cũng bền tối thiểu 5 năm.
Ngày nay, khoảng 2/3 dân số thế giới đang phải sống trong tình trạng thiếu nước ít nhất một tháng/năm. Dự đoán đến năm 2030, khoảng 700 triệu người có khả năng phải chuyển cư để tiếp cận nơi có nguồn nước.
Trong vòng 4 thập kỷ qua, dân số Lima tăng gấp đôi. Trong số những người di cư vì sinh kế, có những người bị buộc phải bỏ quê hương vì biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu năm 2021, các thảm họa khí hậu có nguy cơ gây khó khăn cho hơn 12 triệu người Peru.
“Bẫy bắt sương là công cụ rẻ tiền, nhưng lại đầy tiềm năng cứu con người trong thủ đô sa mạc này trước biến đổi khí hậu. Khi được tận mắt chứng kiến, tôi không chỉ vô cùng ngạc nhiên mà còn trào dâng sự xúc động”, nhiếp ảnh gia Alessandro Cinque (Peru) chia sẻ.
Nhờ bẫy bắt sương, các cư dân nghèo sống ở ngoại ô Lima đang có cuộc sống tương đối đủ nước. Chị Mercedes Huamani Mitma còn bẫy được lượng nước đủ để trồng một vườn cây ăn trái và rau quả, nuôi sống gia đình. “Ở đâu có nước, ở đó có sự sống”, chị lặp lại điều hiển nhiên.