Nghề thủ công truyền thống: Dễ yêu khó đến...

GD&TĐ - “Nếu không được đào tạo bài bản, không có nhiều tiếp xúc, trải nghiệm thực tế, thì các bạn trẻ dù có đam mê nghề thủ công truyền thống đến đâu cũng có thể phải đối diện với ngày càng nhiều rào cản” - Nghệ sĩ Claire Driscoll, người phụ trách chuyên môn cuộc thi “Tương lai của thủ công truyền thống” (Crafting Futures) tại Việt Nam (một chương trình toàn cầu do Hội đồng Anh hỗ trợ phát triển bền vững ngành công nghiệp thủ công) đã chia sẻ với PV Báo GD&TĐ những lát cắt đầy trăn trở.

Nghệ sĩ Claire Driscoll (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trẻ đam mê nghề thủ công truyền thống vào chung kết cuộc thi “Tương lai của thủ công truyền thống”
Nghệ sĩ Claire Driscoll (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trẻ đam mê nghề thủ công truyền thống vào chung kết cuộc thi “Tương lai của thủ công truyền thống”

Bà nhận thấy khả năng sáng tạo, niềm đam mê của những bạn trẻ Việt Nam yêu nghề thủ công truyền thống có gì khác bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực này ở các quốc gia khác mà bà đã từng tiếp xúc?

Rất khó để nói rằng nghệ sĩ này khác nghệ sĩ kia như thế nào. Cũng không thể nói nhà thiết kế này có niềm đam mê hơn nhà thiết kế khác. Quan trọng là khả năng sáng tạo của họ trong lĩnh vực họ đam mê như thế nào, để đạt được mục tiêu và mơ ước.

Sản phẩm sáng tạo từ truyền thống của bạn trẻ Việt

Sản phẩm sáng tạo từ truyền thống của bạn trẻ Việt

Cũng có điểm riêng lớn trong truyền nghề và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam so với các quốc gia khác mà tôi nhận thấy, đó là khả năng các bạn trẻ có thể tiếp cận được với những người thợ lớn tuổi, những nghệ nhân đang gìn giữ nghề và đang còn nắm giữ những bí quyết của nghề thủ công truyền thống.

Ở châu Âu, những nghệ nhân thường sống tại những vùng đất xa xôi, hẻo lánh với thành thị, đi lại khó khăn, việc tiếp cận với các nghệ nhân như vậy thường không dễ dàng. Còn ở Việt Nam, có một thuận lợi để bạn trẻ yêu thích nghề thủ công truyền thống là có thể tiếp cận khá dễ dàng với các nghệ nhân và những người thợ lớn tuổi nhiều kinh nghiệm, để học tập và tiếp thu những kỹ năng, kiến thức nghề từ thế hệ trước.

Khi nói đến thủ công truyền thống, người ta thường hình dung ra những người thợ, những nghệ nhân lớn tuổi. Với người trẻ, dường như đến được và phát triển được trong lĩnh vực này không hề dễ dàng. Bà có suy nghĩ gì, sau một thời gian làm việc với các nhà thiết kế trẻ Việt?

Nghề thủ công truyền thống không quy định thực hiện được bởi lứa tuổi nào, không quy định là nghề được làm tốt ở người trẻ tuổi hay người lớn tuổi. Phong trào sử dụng kỹ thuật thủ công truyền thống trong thiết kế và sáng tạo sản phẩm ứng dụng trong đời sống xã hội phát triển mạnh từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Những điểm đặc biệt và giá trị của nghề tiếp tục kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác như một điều tất yếu.

Nghệ sĩ quốc tế thán phục sự khéo léo của những người thợ, nghệ nhân Việt Nam qua những sản phẩm thủ công tinh tế

Nghệ sĩ quốc tế thán phục sự khéo léo của những người thợ, nghệ nhân Việt Nam qua những sản phẩm thủ công tinh tế

Theo tôi, điểm quan trọng nhất mà các bạn trẻ theo nghề thủ công ở Việt Nam có thể cải thiện và chú trọng, đó là họ cần nhận được sự đào tạo bài bản hơn về mặt mỹ thuật, nghệ thuật, thiết kế... trong sáng tạo và phát triển nghề thủ công truyền thống. Muốn theo đuổi lĩnh vực này một cách bền vững thì bạn trẻ cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Việc được đào tạo chuyên nghiệp giúp các bạn trẻ đam mê nghề thủ công truyền thống có được nền tảng kiến thức tốt, được tiếp xúc nhiều với kiến thức về các nền nghệ thuật thủ công truyền thống khác nhau...

Nghệ sĩ Claire Driscoll (giữa) tích cực hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật với các bạn trẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây
 Nghệ sĩ Claire Driscoll (giữa) tích cực hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật với các bạn trẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây

Chính vì cảm nhận được sự khó khăn trong thiết kế và rất khó để trở thành một nhà thiết kế sản phẩm thủ công, nên tôi hết sức khâm phục những người nào có thể giới thiệu những sản phẩm họ thiết kế ra với người khác, với xã hội. Những nhà thiết kế sẵn sàng đón nhận cả sự phê phán của người khác, để mong muốn giới thiệu được sản phẩm mình sáng tạo ra với công chúng.

Theo tôi, để phát triển nghề thủ công truyền thống, hãy bắt đầu bằng việc mở một bảo tàng về lĩnh vực này. Đó sẽ chính là nơi bắt đầu truyền cảm hứng cho những bạn trẻ quan tâm, yêu thích và theo đuổi lĩnh vực này.

Đam mê cũng cần bản lĩnh

 
Bạn trẻ Việt đam mê sáng tạo với thủ công truyền thống
Bạn trẻ Việt đam mê sáng tạo với thủ công truyền thống 

Theo bà, các sản phẩm của người trẻ Việt đam mê thủ công truyền thống có thể phát triển tính thương mại, để nhân rộng giá trị ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn?

Tôi cho rằng với sản phẩm thủ công, các bạn trẻ không nhất thiết phải đặt mục tiêu thương mại hóa lớn ngay khi tiếp cận với nghề. Hãy nuôi dưỡng đam mê, và có thể bắt đầu bằng những sản phẩm với số lượng nhỏ, không nhất thiết phải bằng mọi cách sản xuất đồng loạt một sản phẩm nào đó, khi chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết.

Giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Các sản phẩm thủ công của dân tộc thiểu số ở hầu hết các tỉnh miền Bắc hiếm khi được xuất khẩu trên các kênh chính thức, mà phần lớn được bán làm quà lưu niệm giá rẻ cho khách du lịch. 

Quan trọng là bạn trẻ khi làm việc được với các nghệ nhân, nếu nghĩ ngay đến vấn đề thương mại hóa sản phẩm sáng tạo của mình thì bạn trẻ có thể đặt lên các nghệ nhân và chính mình sức ép lớn, điều đó làm giảm sự sáng tạo và có thể khiến những ý tưởng hay, bay bổng, bị hạn chế. Muốn trở thành một nghệ nhân thì bạn trẻ không chỉ cần có đam mê, sáng tạo và trau chuốt những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và giá trị.

Làm nghề thủ công mà quy mô nhỏ, nhưng chất lượng sản phẩm làm ra tốt, phát triển nghề bền vững là cách phù hợp hơn cả.

Đến Việt Nam làm việc, tiếp xúc gặp gỡ các nghệ nhân, bà yêu thích và ấn tượng nhất với nghề thủ công truyền thống nào của Việt Nam?

Tôi có 7 năm tìm hiểu, tiếp xúc với nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Rất khó để cho rằng nghề thủ công truyền thống nào ở Việt Nam ấn tượng nhất, có rất nhiều nghề rất thú vị. Tuy nhiên, vì tôi được đào tạo về lĩnh vực thiết kế và may mặc. Nên khi sang Việt Nam tôi chú ý nhiều nhất đến dệt may truyền thống của người Việt, những sản phẩm thủ công truyền thống trong lĩnh vực dệt may của người Việt rất đặc sắc.

Tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy những nghệ nhân, những người thợ Việt Nam, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình có thể thêu, dệt và tạo nên những sản phẩm may mặc đặc sắc. Tôi bị cuốn hút bởi những người thợ, những nghệ nhân trong ngành thêu thùa, họ có thể thêu lên vải những chi tiết rất tinh tế. Kỹ thuật dệt vải cổ truyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng hết sức thú vị.

 “Các nghề thủ công ngày càng bị đe dọa khi đối mặt với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Các nữ nghệ nhân (chiếm phần lớn lực lượng lao động của ngành này) là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, do thiếu kiến thức và kĩ năng cần thiết để duy trì hoạt động hoặc công việc kinh doanh của mình. Sự kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống và thiết kế hiện đại sẽ tạo ra mối quan tâm mới đối với hàng thủ công thông qua quá trình sáng tạo, các nghiên cứu và các câu chuyện được kể lại. Hơn thế nữa, phát triển các kĩ năng kinh doanh và tiếp thị là yếu tố tối quan trọng để nâng cao đời sống kinh tế”.- Hội đồng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.