Nghề hay, tay khéo
Ở nước ta có làng nghề Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ bao đời nay nổi tiếng với nghề thêu thủ công truyền thống. Lịch sử ghi lại rằng ông Lê Công Hành là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Riêng ở cố đô Huế, nghề thêu vốn có từ 300 năm trước.
Từ xưa, ở cố đô Huế, các vương triều nhà Nguyễn đã trân trọng mời các nghệ nhân tài hoa về phục vụ trong cung đình, đãi ngộ họ thật xứng đáng cũng như phong tặng phẩm hàm. Sau đó, những nghệ nhân “bàn tay vàng” thu nhận học trò để truyền nghề. Muốn học và theo được nghề, ngoài sự kiên nhẫn, cần mẫn, khéo tay, người thợ phải có con mắt tinh tường trong việc pha chỉ, phối màu. Phải mất 2 - 3 năm mới thực hành được những đường thêu cơ bản, chứ chưa nói đến thêu điêu luyện.
Để đảm bảo uy tín và thương hiệu, các bức thêu lỗi sẽ bị thầy hủy đi không cho bán ra thị trường. Sau mỗi khóa, các học trò làm bài thực hành kiểm tra và được thầy đánh giá tay nghề. Nếu đạt chuẩn, trò mới được chấp nhận cho làm công việc sản xuất...
Ngày nay, không ít nghệ nhân nghề tranh thêu tài năng đang trân trọng gìn giữ các tác phẩm mang “hơi thở” của những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà ông cha để lại. Một trong số đó, chính là nghệ nhân Lê Văn Kinh người mệnh danh là “bậc thầy” kỳ cựu của nghề thêu Việt Nam.
Gia đình cụ nguyên gốc từ làng thêu nổi tiếng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đầu thế kỷ XX, ông nội của cụ Kinh bị Pháp bắt đi làm phu đồn điền cao-su, sau bỏ trốn về Huế, làm nghề thêu gây dựng sự nghiệp ở kinh đô. Vua Khải Định nghe danh, trưng tập ông vào cung làm việc thêu áo mão, xiêm y, vật dụng trang trí cung đình, đền miếu. Những tác phẩm độc đáo của ông hiện vẫn còn rải rác trong cung đình Huế và trưng bày ở hiệu Đức Thành của cụ Lê Văn Kinh (đường Phan Đăng Lưu - Huế).
Một tác phẩm tranh thêu Huế mang khuynh hướng hiện đại |
Những thành tựu nổi bật
Một nghệ sĩ tranh thêu hiện đại chỉ giỏi nghề thêu chưa đủ, cần phải học hội họa, biết dựng hình, phối màu. Nghệ nhân Lê Văn Kinh sau khi lĩnh hội tinh hoa nghề thêu từ thân phụ, còn theo học mỹ thuật với các họa sĩ Tôn Thất Đào và Lê Yên (nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Huế). Do đó, cách tạo hình, phối màu trên tranh thêu của cụ không còn những khiếm khuyết của lối thêu truyền thống cũ xưa.
Những năm 1960 ở Sài Gòn, có một thương hiệu tranh thêu rất nổi tiếng là Bích Đàn; qua nhiều cuộc triển lãm, tranh thêu ở đây đều được báo chí khen ngợi và chọn in lên trang bìa báo Xuân. Khi nhắc tới tên Bích Đàn, nhiều người tin chắc rằng đó là một cô gái Huế tài hoa và xinh đẹp, nhưng ít ai ngờ được, đó chính là một nghệ danh khác của cụ Lê Văn Kinh.
Bức “Đêm trăng Vỹ Dạ” của tác giả là Lê Thị Bích Đàn (Lê Văn Kinh) được xem là tuyệt tác mẫu mực về thể loại tranh thêu phong cảnh.
Các tác phẩm tranh thêu thuộc hàng “kinh điển” hiện còn được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật cung đình Huế (số 3 Lê Trực) là bức “Thất sư hý cầu” (bảy con lân sư vờn một quả cầu) của cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, thêu năm 1924.
Bức thêu “Bộ kinh Kim Cương” 2.000 chữ Hán trên gấm quý do ni sư Diệu Tâm thực hiện đã được đăng ký là bảo vật quốc gia và gìn giữ cẩn thận tại Chùa Trúc Lâm - Huế.
Tranh thêu Huế còn đi ra nước ngoài và nổi tiếng, như bức chân dung Tổng thống Pháp Mitterand được thể hiện trên nền vải lin trắng, do 6 người thợ giỏi nhất phường thêu Thuận Lộc (TP Huế) thực hiện ròng rã trong 2 tháng bằng kỹ thuật thêu dấu nhân (x). Bức tranh thêu này đang được trưng bày tại gian tiền sảnh, Bảo tàng F. Mitterand (Paris, Pháp).