Dù được cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như có thể mắc các bệnh về mắt, về xương khớp, đau dây thần kinh tọa, đau lưng do ngồi nhiều, nhiễm các chất độc từ mầu nhuộm, phẩm mầu trên vải, trên chỉ thêu… Nhưng kì lạ rằng loại tranh này vẫn đang khiến nhiều người “phát sốt”.
“Vẹo người” vì “nghiện” thêu
Song hành với quá trình hình thành và phát triển của đất nước, nghề thêu tranh tay truyền thống cũng trải qua những khúc thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng cho đến nay, với giá trị văn hóa, nghệ thuật của mỗi bức tranh thêu tay luôn khiến nhiều người trân trọng, gìn giữ.
Nhưng hiện nay, trên thị trường, sự du nhập của loại hình tranh thêu chữ thập đang “gây bão” với các chị em . Tranh thêu chữ thập rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được chỉ với 10 phút đọc hướng dẫn, bởi vải thêu đã có dập lỗ sẵn, lô thêu đã được lập trình thiết kế theo các mẫu cố định, màu chỉ cũng được đánh số, in màu sẵn lên vải.
Và người thêu chỉ cần dò tìm chỉ màu theo bảng hướng dẫn, rồi đưa mũi kim theo hình chữ X. Sau khi thêu xong chỉ cần giặt sạch, phơi khô, đưa ra tiệm, đóng khung, phun nhũ màu lên là hoàn thành thành phẩm đáng “tự hào”.
Chính sự đơn giản hóa mọi khâu thực hiện nên bất kể ai muốn cũng có thể tự tạo cho mình một bức tranh cho riêng mình “làm ngơ” đi những nguy hại có thực tới sức khỏe con người dù được cảnh báo khá nhiều.
Tình cờ được bạn giới thiệu, chị Nguyễn Hồng Nhung, 28 tuổi ở 834 Bạch Mai, Hà Nội được tiếp cận với thể loại tranh thêu chữ thập đang “làm mưa, làm gió” trong giới văn phòng, thậm chí cả những người đã ở tuổi lên chức bà nội, bà ngoại.
Như nhiều chị em khác, chị Nhung cảm thấy rất dễ chịu khi ngồi thêu, mọi mệt mỏi, stress trong công việc dường như biến mất theo đường kim mũi chỉ. Chị miệt mài đến mức tranh thủ lúc con ngủ, ngồi thêu đến tận 2 - 3h đêm.
Kết quả sau gần 5 tháng cặm cụi, chị hoàn thành 4 bức tranh thêu tứ quý hoa, nhưng cũng là lúc chị phát hiện cái lưng đau “đứng không đứng nổi, ngồi không ngồi nổi”, chỉ có nằm nghỉ là dễ chịu.
Đã gần 55 tuổi, chỉ ở nhà chăm chồng chăm con nên chị Đặng Huyền Anh (phố Bà Triệu) là “tỷ phú” thời gian. Từ ngày tiếp cận với những bức tranh thêu chữ thập, chị trở nên bận rộn hẳn.
Đã gần 55 tuổi, mắt chị không còn tinh tường nữa nên để thêu được tranh, chị phải đi đo mắt kính với độ cận 1 điốp.
Sau gần 3 tháng mải miết với đường kim mũi chỉ, 2 bức tranh to đẹp đã ra đời, nhưng chị lại thấy mắt cứ mờ đi, nhìn vào bức tranh thêu thứ 3 cứ nhòe nhoẹt, chị đi đo lại mắt thì mắt chị đã tăng thêm 1 điốp nữa.
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, ThS Nguyễn Vũ, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức kết luận: Chị Huyền Anh bị đau lưng do tư thế ngồi gây vẹo cột sống, co cứng cơ cạnh sống.
ThS Nguyễn Vũ phân tích: Khi ngồi lâu ở những tư thế không thích hợp (cúi nhiều, người vặn vẹo...) khối cơ cạnh sống sẽ phải căng lên để giúp cột sống giữ cân bằng cho cơ thể, quá trình này kéo dài làm cho khối cơ cạnh sống căng cứng liên tục.
Sự căng cơ liên tục này gây ra hiện tượng như hiện tượng chuột rút ở chân, nó làm cột sống cong vẹo theo và gây ra biểu hiện đau thắt lưng, đôi khi còn gây biểu hiện chèn ép rễ thần kinh ở lỗ ghép gây đau tê chân. Vì vậy, ThS Nguyễn Vũ khuyên chị Huyền Anh tạm xa rời những bức tranh thêu chữ thập mà chị rất yêu thích.
Nhiều trường hợp khác cũng do tư thế ngồi quá lâu gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch ở vùng tầng sinh môn, cản trở lưu thông máu ở vùng tầng sinh môn.
Ngoài ra, việc nhịn đại tiện, nhịn uống nước một cách thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Do việc luôn phải gắng sức khi rặn để tống phân ra ngoài tạo sức ép lên hệ thống tĩnh mạch, làm hệ thống này giãn ra và gây bệnh trĩ.
Dù thêu tranh như “tra tấn” là vậy nhưng điều kì lạ rằng các chị em, các mẹ tâm sự rằng vẫn rất “ham”, đang thêu quen tay mà dừng thì cứ “ngứa ngáy”, khó chịu bứt rứt như lên “cơn nghiện”…
“Điếc không sợ súng”
Hiện trên thị trường có nhiều cơ sở buôn bán tranh thêu chữ thập, điều đáng nói là hầu hết các cơ sở này đều không có chứng nhận chứng minh nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.
Một nhân viên bán hàng tại một tiệm chuyên về tranh thêu chữ thập trên đường Nguyễn Chí Thanh thản nhiên nói: "Tranh thêu chữ thập đều có xuất xứ từ Trung Quốc, cửa hàng của tụi em bán đều là của công ty, có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng đàng hoàng không như các loại trôi nổi trên thị trường, chị cứ an tâm".
Tranh thêu chữ thập được bày bán tràn lan, ngay ở các cửa hàng có tên tuổi, với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của người mua thuộc mọi lứa tuổi.
Dù được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc khi sử dụng, nhưng tranh thêu chữ thập vẫn đang “hút hồn” nhiều chị em, từ các cô bán hàng ở chợ, nhân viên văn phòng đến các bạn học sinh, sinh viên.
Hiện trên thị trường đa phần là sản phẩm không có nguồn gốc sản xuất. Chỉ thêu thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương vì có khả năng chứa phẩm màu azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư nếu tiếp xúc nhiều).
Còn mẫu vải tranh chữ thập được làm cứng hơn so với vải bình thường bằng hóa chất. Các hóa chất này rất độc hại đối với người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp.
Cũng theo các chuyên gia, với thói quen cắn chỉ, mút chỉ khi thêu sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các chất có hại có trong chỉ thêu. Ngoài ra, người thêu tranh chữ thập còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt khi thêu tranh nhiều giờ liền, đau cột sống vì ngồi nhiều một chỗ…
Khi được hỏi vì sao biết là hàng Trung Quốc nhưng vẫn bán, chị Hương -chủ cơ sở tranh thêu tay Hướng Hương(chợ nhà xanh) lý giải: “Dù là hàng Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận nào từ các cơ quan chức năng rằng nó độc hại cả, khách hàng chuộng, lời lãi nhiều thì mình lấy về bán thôi”.
Theo ThS Trần Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may (Viện Dệt may): Các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Còn formandehyt cũng được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng.
Cả hai chất này đều được Bộ Công Thương quy định là phải kiểm tra đối với các mặt hàng dệt may theo Thông tư số 32/ 2009/TT – BCT. Theo đó, các sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam đều phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, bà Dung cũng nhấn mạnh, hiện chưa có bất cứ đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn các chỉ tiêu trên. Điều nay có thể gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
Bởi khi thêu, người sử dụng tiếp xúc với vải, chỉ thêu rất lâu. Thậm chí có những người còn mút, vuốt chỉ thêu để xâu kim, hay sử dụng tranh thêu vào các đồ dùng gia đình như gối, chăn, khăn...