Nghệ sĩ không ngang hàng kẻ cắp

GD&TĐ - Không riêng gì nghệ thuật, với mọi lĩnh vực ngành nghề, sự sáng tạo là yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt để thành công. 

Tác phẩm Tình biển bằng đá đen do họa sĩ Nguyễn Thành Vinh sao chép, được trưng bày tại Công viên TP.Tuy Hòa. Ảnh INT
Tác phẩm Tình biển bằng đá đen do họa sĩ Nguyễn Thành Vinh sao chép, được trưng bày tại Công viên TP.Tuy Hòa. Ảnh INT

Dường như càng hiện đại, thì các giá trị nghệ thuật càng hay bị xâm phạm. Nạn ăn cắp, đạo ý tưởng, sao chép tác phẩm… xuất hiện thường xuyên, khiến đời sống nghệ thuật đảo lộn.

Mới đây, nhà điêu khắc Vương Hữu Tư (TPHCM) lên tiếng về việc điêu khắc gia Nguyễn Thành Vinh (Phú Yên) sao chép tác phẩm của ông đặt tại công viên biển Tuy Hòa.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như tác phẩm được sao chép để trong vườn nhà hay khu vực riêng tư. Đằng này, ông Vinh lại đổi tên tác phẩm rồi chú thích là của mình để gửi đi xét giải. 

Chưa hết, nhà điêu khắc Nguyễn Thành Vinh còn biến tác phẩm “Tình biển” của nghệ sĩ Lê Huy Hạnh này vào hồ sơ của mình để làm dày thêm thành tích đề nghị xét tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 - 2020.

Trước hành động sao chép ý tưởng, “đạo” tác phẩm điêu khắc khiến giới nghệ thuật không khỏi xôn xao. Tuy nhiên, một điêu khắc gia nổi tiếng nói rằng việc ăn cắp ý tưởng sáng tạo, biến tác phẩm của người khác thành của mình không hề hiếm ở Việt Nam.

Năm 2019, nhà điêu khắc này bị chính học trò của mình đến nhà chơi rồi “đạo” một tác phẩm đem đi dự thi. Tác phẩm đoạt giải cao nhưng người thầy không dám lên tiếng vì e ngại thanh danh của học trò sẽ vì thế mà tiêu tan. 
Không chỉ trong giới điêu khắc, mà trong lĩnh vực hội họa vấn đề bản quyền nhiều lần làm “nóng” sân khấu đấu giá. Các tác phẩm nổi tiếng của các danh họa Trường Mỹ thuật Đông Dương được sao chép nhiều đến nỗi như “rau ngoài chợ”.

Thậm chí, nhiều tác phẩm hội họa được sao chép rồi ký tên người khác. Đến khi tác giả lên tiếng, đem tác phẩm so sánh giống đến 99%, kẻ “đạo tranh” còn già mồm lật ngược tình thế vu vạ cho người tố cáo mình mới là kẻ cắp.

Hết sao chép ý tưởng của nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ lại chuyển sang “đạo” ý tưởng nghệ thuật nước ngoài. Dư luận từng xôn xao chuyện biên đạo múa N.Q đánh cắp ý tưởng phần trình diễn phiên bản Ukraina cho hai thí sinh của mình trình diễn. Rồi bộ truyện tranh “Dế Rô-bốt” do NXB Ðại học Sư phạm TPHCM ấn hành cũng từng bị lên án kịch liệt vì bắt chước quá rõ ràng, từ tạo hình tới tình tiết bộ truyện tranh nổi tiếng Đô-rê-mon của Nhật Bản.

Không khó để nhận diện nghệ sĩ chuyên sao chép ý tưởng, đạo nhái tác phẩm. Họ là những kẻ bất tài nhưng háo danh, muốn được công chúng biết tới nhờ sức lao động sáng tạo của người khác. Vậy có nên gọi họ là nghệ sĩ hay gọi là kẻ cắp?

Nghệ sĩ không bao giờ ăn cắp, không bao giờ ngang hàng với kẻ cắp. Nghệ thuật là sáng tạo cái mới, hoặc trên nền cái cũ phát triển thành cái mới. Nhà văn Nam Cao từng viết trong “Đời thừa”: “… chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có”.

Nghệ thuật là một vòng quay đầy nghiệt ngã, có loại trừ đào thải nhưng hào quang cũng vô cùng rực rỡ. Người ta chỉ thực sự trở thành nghệ sĩ khi sáng tạo, không ai trộm cắp mà thành nghệ sĩ được.

Nếu kẻ cắp thành nghệ sĩ, thì nghệ thuật chỉ đáng là một trò lừa – không hơn không kém. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ