Nghệ sĩ, giảng viên Bùi Công Thơm: Nghĩ mới, làm khác để tiếng sáo vang xa

GD&TĐ - Năng động, sáng tạo, say sưa, tâm huyết, nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên chuyên ngành Sáo trúc, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đang có nhiều nỗ lực để lan tỏa tiếng sáo trúc trên nền tảng số, qua kênh YouTube “Sáo trúc Bùi Gia” và đặc biệt là Câu lạc bộ Thiền Sáo.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm phiêu với cây sáo.
Nghệ sĩ Bùi Công Thơm phiêu với cây sáo.

Sở hữu tiếng sáo đẹp đến mê lòng, anh đang là gương mặt 8X nổi bật trong “làng sáo” nước nhà.

Tận dụng nền tảng số

Cách đây mấy năm khi viết bài về nghệ sĩ dạy sáo miễn phí nổi tiếng ở Hà Đông (Hà Nội) Lê Thái Sơn, tôi tình cờ biết đến người học trò xuất sắc của ông - nghệ sĩ Bùi Công Thơm.

Cũng như người thầy của mình, nam nghệ sĩ gốc Hà Đông luôn khao khát được lan tỏa tình yêu sáo trúc đến tất cả mọi người. Tất nhiên so với thế hệ của thầy Lê Thái Sơn thì cách làm của Bùi Công Thơm khác rất nhiều.

Tận dụng sự phát triển của Internet, của nền tảng số, anh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thiền Sáo hoạt động online (hiện CLB có hơn 1.100 học viên trên khắp cả nước). CLB ra đời với mong muốn người thổi sáo sẽ đạt tới sự chuyên nghiệp, bài bản và có thể thả hồn theo giai điệu như mấy câu thơ anh viết đã trở thành “linh hồn” của CLB: “Tạo âm thanh dẫn truyền cảm xúc/Vẽ họa tiết lượn cùng thanh phong/ Xúc cảm từng ngón tay điêu luyện/Thiền trong sáo đời tựa khói sương”.

May mắn có mặt trong buổi gặp mặt của CLB tại Hà Nội vừa qua, tôi cảm nhận rất rõ những tình cảm, sự yêu thương, đoàn kết giữa các thành viên.

Ra đời từ hơn 1 năm trước khi cả nước đang vật lộn với đại dịch Covid-19, CLB đã là nơi để họ cùng sẻ chia, trao đổi kiến thức về bộ môn sáo và tiếng sáo đã giúp các thành viên thêm lạc quan, yêu đời, gần gũi với nhau hơn. Nhìn những gương mặt rạng ngời, những niềm vui, sự hạnh phúc lấp lánh trên từng gương mặt của các thành viên đến từ các tỉnh, thành, ở các độ tuổi khác nhau, tôi hiểu rằng họ như một gia đình vậy.

Nói đến việc tận dụng công nghệ số để lan tỏa tiếng sáo của nghệ sĩ Bùi Công Thơm phải kể đến kênh YouTube “Sáo trúc Bùi Gia” được anh thành lập năm 2012. Sau 10 năm hoạt động, hiện kênh đã có gần 50.000 người theo dõi, học tập thường xuyên. Với anh, việc dạy sáo trúc online là xu thế tất yếu nên trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, anh không bỡ ngỡ khi giảng dạy online cho sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Bùi Công Thơm cho biết, hầu hết những người thổi sáo và đam mê sáo trúc ở Việt Nam đều tiếp cận và chơi theo kiểu truyền miệng, bắt chước nhau. Rất ít người có kiến thức về nhạc lý cơ bản nên gây khó khăn cho người dạy, đặc biệt là khi dạy online. Anh cố gắng truyền đạt những kiến thức, kỹ thuật cơ bản một cách dễ hiểu nhất, đồng thời hướng dẫn người học cách thể hiện để tiếng sáo hay hơn, chuyên nghiệp hơn, từ đó thu hút nhiều người chơi.

“Nhiều người nói dạy sáo trúc online rất khó nhưng theo tôi khó hay dễ là do tâm huyết và mục tiêu mà người dạy đề ra. Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách truyền đạt để học viên tiến bộ, thể hiện được tác phẩm hoàn thiện, tiếng sáo hay như mình hướng dẫn trực tiếp”, nghệ sĩ Bùi Công Thơm chia sẻ.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (thứ 2 bên phải) cùng các nghệ sĩ sáo.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (thứ 2 bên phải) cùng các nghệ sĩ sáo.

Không đặt lợi ích kinh tế lên trên

Dẫu đã có chỗ đứng trong làng sáo nước nhà nhưng nghệ sĩ Bùi Công Thơm vẫn khiêm tốn khi nhắc về thành tích của mình. Anh nói, mình chỉ như “cánh én” nên khó làm nên “mùa xuân”. Nhưng sự thực thì những thành tích anh đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực trong hành trình chinh phục cây sáo, như: Huy chương Vàng Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc do Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức vào các năm 1999, 2003; giải Khuyến khích (năm 2003), giải Nhì (năm 2008) Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc…

Một số nghệ sĩ trong làng sáo nước nhà và khi nhắc về Bùi Công Thơm đều dành sự trân trọng, lòng yêu mến. Nghệ sĩ Ưu tú (sáo trúc) Ngọc Anh - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - cho biết: “Bùi Công Thơm sở hữu tiếng sáo đẹp, trong sáng, có hồn, kỹ thuật điêu luyện”.

Còn Nghệ sĩ Ưu tú (sáo trúc) Đức Liên, nguyên cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nhận định: “Ngay từ khi Bùi Công Thơm còn bé, tôi đã nhận thấy đây là cậu bé có tố chất thổi sáo. Cùng sự kiên trì, say sưa học tập, rèn luyện, Bùi Công Thơm đã vươn đến thành công. Bên cạnh công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Bùi Công Thơm còn rất tâm huyết với việc tạo dựng được phong trào chơi sáo trúc trong giới trẻ thông qua các dự án trực tuyến của mình. Điều này rất đáng ghi nhận”.

Với tư duy nhanh nhạy, Bùi Công Thơm không chỉ biểu diễn, giảng dạy, tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi về sáo trúc trên mạng Internet, mà còn làm sáo rất giỏi. Anh có xưởng sản xuất riêng khá uy tín, mỗi năm đưa ra thị trường trong và ngoài nước hàng vạn cây sáo.

Kinh doanh theo quy luật là phải đặt lợi ích lên trên hết nhưng tôi cảm nhận với anh được sản xuất ra những “đứa con tinh thần” để lan tỏa tiếng sáo ra bên ngoài mới là điều quan trọng.

Anh từng tâm huyết chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu học sáo trong xã hội là rất lớn vì nó là nhạc cụ nhỏ, gọn, rẻ tiền nhưng lại dễ chơi, gần gũi với đồng quê Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận với kiến thức về sáo một cách bài bản. Bởi vậy, với tất cả kiến thức, sự tâm huyết, trách nhiệm, lòng nhiệt thành của một nghệ sĩ, một giảng viên chuyên nghiệp, tôi sẽ làm tất cả để sáo tiếp tục có chỗ đứng trong làng nhạc cụ truyền thống, để tiếng sáo lan tỏa đến khắp mọi người”.

Gặp nghệ sĩ Bùi Công Thơm luôn thấy anh bận rộn. Anh như con thoi giữa những công việc không tên nhưng anh bảo, hạnh phúc là được làm những điều mình thích. Quả thật ở tuổi 34, anh đã làm được nhiều điều mà nhiều bạn bè cùng trang lứa chưa làm được và đáng quý hơn nữa là anh đang đi trên con đường nghệ thuật truyền thống vốn được coi là “linh hồn” của dân tộc, là “bến đỗ” của tâm hồn trong thời đại hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ