Chương trình diễn ra 20h00 ngày Thứ bảy, 26.05.2018 tại Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 24.05.2018.
Bằng sự nhạy cảm của mình, nghệ sĩ sáo Tây Duchamp đã nắm bắt được nét thơ cùng những sắc màu tinh túy của cây sáo Tây và xứng đáng là đại diện ưu tú của phong cách chơi sáo Tây của Pháp.
Là quán quân của nhiều giải thưởng sáo quốc tế danh giá như cuộc thi Soreze Jacques Chambon, cuộc thi Markneuenkirchen và Concours international tại thành phố Vienne (Áo), có thể nói Nicolas Duchamps là một trong những nghệ sỹ sáo Tây nổi bật trên sân khấu nhạc cổ điển của Pháp hiện nay.
Nổi tiếng với tiếng sáo ấm áp, duyên dáng và đậm chất thơ, từ năm 2004, Nicolas Duchamp là nghệ sỹ sáo chính của Dàn nhạc của Nhà hát quốc gia Opéra-comique, Paris. Phát triển sự nghiệp của mình với những kinh nghiệm trình diễn ở nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản và Mỹ, nghệ sỹ sáo tài năng này thường xuyên được mời tham gia biểu diễn với vai trò nghệ sĩ solo của các dàn nhạc giao hưởng danh tiếng trong đó phải kể đến Nhà hát Bastille, Nhà hát Nice, Nhà hát quốc gia Strasbourg, Nhà hát quốc gia Bordeaux, khán phòng Carnegie Hall tại New York... và hợp tác với những nhạc trưởng hàng đầu trên thế giới như Seiji Ozawa, Georges Prêtre, Myung-Whun Chung et Yutaka Sado.
Đồng hành cùng Nicolas Duchamp trên sân khấu L’Espace là nghệ sĩ piano tài năng Hélène Jeanney. Sinh ra ở Paris, mang trong mình dòng máu lai Pháp-Mỹ, cô bắt đầu học nhạc từ năm 5 tuổi và tốt nghiệp Nhạc viện Paris năm 17 tuổi với giải Nhất Piano và Nhạc thính phòng.
Âm nhạc của HélèneJeanneyvừa trong trẻo lại vừa phong phú, niềm đam mê ẩn chứa trong từng nốt nhạc thể hiện một cá tính vô cùng ấn tượng. Là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong các cuộc thi danh giá trên thế giới như Concours International d’Epinal, Robert Casadesus Competition ở Cleveland, Thomas Richner Competition, Chopin National Competition ở Miami, Giải thưởng cho Nghệ sĩ Đông-Tây..., Hélène Jeanney đã tham gia lưu diễn khắp châu Âu, Chi-lê, Úc và Mỹ tại các liên hoan âm nhạc và các khán phòng, nhà hát danh tiếng thế giới.
Đêm nhạc được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Claude Debussy- linh hồn của trường phái âm nhạc ấn tượng. Hai nghệ sĩ tài năng sẽ trình diễn 6 kiệt tác nhạc thính phòng Pháp của các tác giả tiêu biểu cho trường phái âm nhạc ấn tượng Pháp là Claude Debussy, Gabriel Fauré, Francis Poulenc, Olivier Messiaen.
Chương trình sẽ bắt đầu bằng bản độc tấu sáo của Debussy mang tựa đề Syrinx, được viết vào năm 1913. Có thể nói đây là tác phẩm solo đầu tiên và tiêu biểu nhất viết cho sáo Tây của Claude Debussy. Và nhắc tới Claude Debussy, chúng ta cũng không thể bỏ qua Khúc dạo đầu Buổi chiều của thần điền dã.
Tuyệt tác này lấy cảm hứng từ một bài thơ của Stéphane Mallarmé, diễn tả một bầu không khí đầy ảo giác và một khung cảnh thần tiên, với những thanh âm du dương, êm ái như đưa khán giả chìm vào giấc ngủ trong cái nắng chiều oi ả.
Khúc dạo đầu có thể được xem như tác phẩm tiên phong của chủ nghĩa âm nhạc ấn tượng và điển hình cho phong cách âm nhạc của Debussy.
Tiếp sau 2 tác phẩm dành cho sáo, khán giả sẽ được thưởng thức ngón đàn thể hiện sự tinh tế, điêu luyện trong lối chơi của Hélène Jeanney qua bản độc tấu L’Isle joyeuse (Hòn đảo hạnh phúc), một bản nhạc sinh động, rực rỡ kể về hạnh phúc của những đôi tình nhân…
Sự kết hợp ăn ý của bộ đôi nghệ sĩ sáo-piano Duchamp-Jeanney sẽ được thể hiện tròn trịa nhất trong tác phẩm dành cho sáo và piano của nhà soạn nhạc người Pháp Francis Poulenc. Bản sonate viết cho sáo và piano sáng tác năm 1956 gồm 3 khúc nhạc, mang những nét bí ẩn và duyên dáng rất riêng. Allegro malincolico gợi nên nỗi buồn man mác nhưng không tuyệt vọng. Cantilena đưa người nghe vào một giấc mơ bất tận của sáo trong khi Presco Giocoso khéo léo khép lại tác phẩm với nét lãng mạn, nhẹ nhàng.
Bộ đôi nghệ sĩ cũng sẽ giới thiệu tới khán giả Bản Sonate cung la trưởng, opus 13 cho sáo và piano của Gabriel Fauré, một trong những trụ cột của trường phái âm nhạc ấn tượng Pháp. Âm nhạc của ông đặc trưng bởi sự tinh tế trong giai điệu cũng như sự cân bằng trong hòa âm.
Đêm diễn khép lại với Le Merle noir (Con quạ đen) của Olivier Messiaen, người có đóng góp lớn cho nền âm nhạc thế kỉ XX với những sáng tạo về nhịp điệu và kỹ thuật hòa tấu. Messiaen mang đến cho đoạn kết của Le Merle Noir một sự bùng nổ có chủ đích bằng cách sử dụng những nốt nhạc mô phỏng tiếng chim thất thanh. Chân dung tác giả hiện lên rõ nét qua tác phẩm này, một nhà soạn nhạc tài năng và sáng tạo khi kết hợp giữa cải tiến kĩ thuật và niềm đam mê với thanh âm của loài chim.