Lẽ ra, khi thấy những giọt nước mắt của nghệ sĩ tuôn rơi trên sân khấu, nhất là giây phút họ nhớ lại và xúc động chia sẻ về những gian khó trong hành trình dấn thân vào nghệ thuật, nhiều khán giả sẽ không khỏi lặng người và đồng cảm.
Vậy mà, với phần nửa cuối tập 7 chương trình Em xinh “say hi” vào cuối tuần qua, dù dàn ca sĩ cùng MC đồng loạt khóc và tâm sự nhưng lại không nhận được sự chia sẻ trọn vẹn của người xem.
Cũng có ca khúc, câu chuyện truyền cảm hứng, khiến khán giả cảm động, nhớ lại chính bản thân khi 18 tuổi; song bên cạnh đó còn không ít dư luận trái chiều về cảnh sướt mướt đó.
Nhiều người cho rằng, dường như MC, ca sĩ đang quá lạm dụng, diễn lố nên tạo cảm giác… giả trân chứ không xuất phát từ cảm xúc thực. Điều đó được thể hiện ở việc có lẽ chương trình cố ý tạo nội dung cảm động rớt nước mắt “dù nó không có gì cảm động”; ca sĩ, MC liên tục thi nhau kể, khóc khiến nội dung dài dòng gây “chán thật sự”.
Có người cảm thấy cảnh đó rất hài hước vì những người tham gia chương trình đều đã qua tuổi teen mà sao “hở một chút là khóc, rồi nói nói cười cười như trẻ con đòi quà của bố mẹ”, làm cho “khán giả cũng… khóc thét”.
Ở góc độ cân bằng hơn, có người cho rằng, nước mắt rơi đúng lúc, đúng chỗ là điều bình thường, song không quên cảnh báo: “Nếu cứ tiếp diễn thường xuyên trong các gameshow thì e rằng... giả trân, không thật!”.
Rõ ràng, việc rơi nước mắt trước công chúng, nhất là trên sóng truyền hình không phải lúc nào cũng đem lại hiệu ứng tích cực nếu bị “chệch ray” vì không đúng thời điểm và lạm dụng.
Cứ cho là có những người mau nước mắt, dễ xúc động nhưng nếu họ không kiềm chế được trong khi tham gia chương trình thì khó tránh khỏi tác dụng ngược lại, thậm chí sẽ khiến người xem thấy khó chịu vì cảm giác như thể phải chứng kiến một màn kịch khóc tràn lan, nông nổi chứ không phải bật ra từ con tim lắng sâu.
Cũng không thể biện minh vào cái sự dễ khóc đó của cá nhân, nhất là với MC chuyên nghiệp - một công việc đòi hỏi ứng biến nhanh nhạy cùng sự tỉnh táo ở mọi tình huống để có thể dẫn dắt câu chuyện nghệ thuật đi đến đích thật khéo léo cùng cảm xúc ăm ắp nhưng phải trong sự vừa đủ.
Tất nhiên, MC cũng cần có sự tương tác, bày tỏ sự thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật, tình huống nhưng không hẳn chỉ có nước mắt mà còn có nhiều cách khác, ví như thể hiện ở mỗi biểu cảm của ánh mắt, cử chỉ, đài từ… biết nói. Ngoài ra, việc biên tập nội dung sao cho vừa vặn, phù hợp tâm lý khán giả trước khi phát sóng cũng là điều cần thiết.
Sau Anh trai “say hi” là Em xinh “say hi” - những gameshow nghệ thuật đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà. Mong rằng, Em xinh “say hi” lắng nghe, khắc phục hạn chế để tiếp tục bùng nổ và xứng đáng với sự mong đợi của khán giả.