Nghe, nhìn đoán... bệnh

GD&TĐ - Trong y học, có những bệnh bác sĩ chỉ cần nghe giọng nói hoặc nhìn diện mạo là xác định được người đó đang mắc bệnh gì.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân.

Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là “Xem tướng bệnh”, nghĩa là... xem tướng đoán bệnh. Thực ra đây là một phân khúc khoa học về phân tích thực chứng. Qua đó, bác sĩ lý giải khách quan chuyện gì đang xảy ra với bệnh nhân của mình...

“Vọng chẩn” - nhìn người đoán bệnh

Không phải ngày nay, mà từ xa xưa các thầy thuốc cũng đã biết cách xem tướng đoán bệnh. Câu chuyện nổi tiếng nhất về xem tướng đoán bệnh được lịch sử ghi chép và được nhiều người kể đi kể lại thuộc về Thần y Biển Thước rất nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Biển Thước được xem như là người đầu tiên đặt tiền đề cho sự phát triển của Ngành Đông Y sau này.

Chuyện kể rằng, Thần y Biển Thước sang nước Tề và diện kiến nhà Vua là Tề Hoàn Công (715 - 643 TCN). Lúc nhìn thấy sắc khí của Vua Tề, ông bèn tâu: “Quân hầu, trong da và chân lông ngài đã có gốc bệnh, nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ nặng thêm”.

Tề Hoàn Công nghe xong, bèn thờ ơ đáp: “Ta cảm thấy trong người rất khỏe, chẳng có bệnh tật gì cả”. 

Năm ngày sau, Biển Thước lại vào triều kiến Vua. Nhìn sắc diện của Vua Tề lúc này ông lại tấu: “Bệnh của ngài đã vào đến nội tạng rồi, phải chữa ngay đi”. Nghe vậy, Tề Hoàn Công tỏ ý khó chịu. Lúc Biển Thước cáo lui, Vua Tề nói với quần thần: “Thầy thuốc chỉ khéo vẽ vời, hù dọa người ta. Ta chẳng có bệnh gì mà ông ta dám bảo là bệnh nặng. Thật vớ vẩn!”. 

Năm ngày sau đó, Biển Thước vào yết kiến vua Tề thêm một lần nữa, vừa nhìn thấy mặt Vua ông lắc đầu, rồi quay mặt bước đi nhanh mà chẳng tấu lời nào.

Thấy lạ, nhà Vua cho người đuổi theo để hỏi. Biển Thước trả lời: “Bệnh ở da, thịt thì còn xoa thuốc được, bệnh ở huyết mạch thì còn uống thuốc được, nay bệnh đã vào đến xương tủy rồi thì trời cũng không cứu được nữa, bởi vậy tôi mới bỏ đi”.

Quả nhiên, mấy hôm sau Tề Hoàn Công phát bệnh, Vua liền sai cận thần đi tìm Biển Thước, nhưng lúc này vị Thần y đã di chuyển sang nước Tần. Bệnh Vua nặng dần rồi băng hà không lâu sau đó. Như vậy, có thể nói Thần y Biển Thước là người rất tinh thông về “vọng chẩn”, nghĩa là nhìn người mà chẩn đoán ra bệnh. 

Các phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân để chẩn bệnh.
Bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân để chẩn bệnh.

Trong Đông y có 4 phương pháp được sử dụng để xác định bệnh, thường được gọi là “tứ chẩn”. Bao gồm vọng, văn, vấn, thiết. 

- Vọng: Là nhìn xem diện mạo, màu sắc, hình dạng, cử chỉ.

- Văn: Là nghe giọng nói, tiếng ho, hơi thở, tiếng nấc hoặc ngửi thấy mùi khác thường từ người bệnh (hơi thở, đàm, phân, nước tiểu).

- Vấn: Là hỏi để biết thêm các thông tin liên quan đến bệnh.

- Thiết: Là bắt mạch, sờ nắn vùng đau, vùng không đau.

Các phương pháp vọng, văn, vấn, thiết của các thầy thuốc Đông y tương tự như nhìn, sờ, gõ, nghe của các thầy thuốc Tây y. Trong phạm vi bài viết này chỉ nói đến nghe và nhìn để đoán bệnh mà thôi!

Nhiều người tỏ ra hoài nghi khi chỉ mới nghe nhìn mà đoán ra bệnh. Thực ra, đây là một phương pháp mang tính khoa học mà tính hiệu quả đã được chứng thực và các thầy thuốc từ xưa đến nay áp dụng một cách rộng rãi, kể cả khi có nhiều phương tiện hỗ trợ khác trong nền y học hiện đại. 

Nghe nhìn đoán bệnh là biện pháp nhanh nhất để đưa ra dự đoán bệnh. Nhờ vậy, có thái độ và cách hành xử đúng đắn nhằm xác định và điều trị sớm một căn bệnh nào đó mà thầy thuốc có thể nhận diện được qua việc nghe nhìn.

Xác định qua diện mạo, màu sắc và âm thanh

Có một số bệnh mà người thầy thuốc có thể xác định ngay từ cái nhìn ban đầu. Dáng đi thất thểu như say rượu là người mắc bệnh tiểu não. Bước đi chậm chạp, run rẩy ở người cao tuổi thường là mắc bệnh Parkinson. Trẻ bước đi vai cao vai thấp, sệ như cánh gà là... gãy xương đòn.

Thần sắc và biểu hiện bên ngoài khác của người bệnh là chỉ dấu mách bảo cho người thầy thuốc biết về bệnh trạng của họ. Thần sắc là gương chiếu của nội tâm. Đó là phần nổi của những gì ẩn sâu bên trong tâm hồn. Một người đang bị đau đớn, đang có nỗi buồn thì thần sắc không tươi, vẻ mặt u ám và kém linh hoạt.

Người ta ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng, khó chữa, lâu ngày, người bệnh suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần tự nhiên linh hoạt hẳn lên, nói nhiều, ăn uống được cứ như là sắp khỏi bệnh. Nhưng thực ra đó là hiện tượng “đèn tàn vụt sáng”, nghĩa là sự tỉnh táo trước khi chết. Đó được xem như là nỗ lực cuối cùng và tuyệt vời nhất của cơ thể mà người thầy thuốc có thể quan sát thấy và đưa ra dự cảm.

Người bình thường thì sắc mặt tươi vui, hồng hào và sáng sủa. Người có sắc mặt vàng vọt, u ám là mắc bệnh về gan, thường là viêm gan siêu vi cấp tính hay mạn tính. Một số người sắc mặt vàng nhạt là do bệnh lý dạ dày ruột diễn ra mạn tính, kéo dài trong nhiều năm. Sắc mặt nhợt nhạt dường như là trắng hơn là biểu hiện của người mất máu cấp do vết thương gây ra ngoài hoặc do chảy máu trong cơ thể nên không nhìn thấy được. 

Người có các bệnh lý như trĩ, bệnh giun móc, giun mỏ, loét dạ dày tá tràng gây xuất huyết mạn tính cũng có màu sắc da trắng bệch. Những người bệnh thận hoặc suy tim thì nét mặt nhợt nhạt, phù thủng. Người có sắc mặt nhợt nhạt, hai mắt vô hồn, tinh thần ủ rũ là mắc bệnh thần kinh suy nhược. Hai má có màu sắc đỏ chuyển tím và môi thâm là người mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim khác diễn ra lâu ngày. 

Người có khuôn mặt sắc mặt đỏ như Quan Công là người mắc bệnh đa hồng cầu. Trên mặt có ban đỏ, hình dạng như cánh bướm, thường được gọi là “ban hình cánh bướm” là người mắc bệnh Lupus ban đỏ. Đây là một loại bệnh lý tự miễn của cơ thể rất khó điều trị cho lành. 

Âm thanh của giọng nói cũng gợi ý chẩn đoán một số bệnh. Những người hôm trước bình thường, hôm sau phát âm trầm thấp, thô ráp và khó khăn là người bị viêm họng cấp tính. Giọng nói khàn khàn là viêm thanh quản. Giọng nói ngày càng khản đặc gặp ở người có khối u đang tiến triển trong họng.

Vậy, đâu cứ phải là thầy thuốc qua nghe nhìn mới biết được bệnh. Nếu tự trang bị được những kiến thức này thì ai trong chúng ta cũng có thể đoán được mình, người thân hay những người xung quanh đang mắc bệnh gì và cần phải đi khám xác định và điều trị sớm theo sự chỉ định của thầy thuốc, bởi vì đó là công việc chuyên môn của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.