Nghệ nhân vùng Đất mũi nặng lòng với nghệ thuật Đờn ca tài tử

GD&TĐ - Đến Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), hỏi nghệ nhân Trâm Anh ai cũng biết vì chị có giọng hát cổ nhạc ngọt ngào, mùi mẫn. Bên cạnh niềm đam mê ca hát và cống hiến cho nghệ thuật, nghệ nhân Trâm Anh còn đào tạo thế hệ trẻ với mong muốn bảo tồn loại hình Đờn ca tài tử.

Nghệ nhân Trâm Anh luôn giữ lửa niềm đam mê Đờn ca tài tử. Ảnh: Trần Phúc
Nghệ nhân Trâm Anh luôn giữ lửa niềm đam mê Đờn ca tài tử. Ảnh: Trần Phúc

Duyên nghiệp với sân khấu

Nghệ nhân Trâm Anh tên thật là Lê Thị Bước (sinh năm 1974, tại quận Bình Tân, TP HCM). Thuở nhỏ, chị sớm yêu cải lương qua từng câu hò, điệu lý hát ru con của mẹ, rồi lén đi học hát cổ nhạc. Năng khiếu nghệ thuật được Nghệ sĩ Ngọc Ẩn - một danh ca ở Sài Gòn lúc bấy giờ phát hiện và ra sức truyền dạy. Không bao lâu, chị đã thành thạo hết “ba nam, sáu bắc” cùng những bài bản Tài tử và cũng từ đó niềm ước mơ được đứng trên sân khấu cứ lớn dần.

Năm 16 tuổi (1990), chị bắt đầu đi theo Đoàn Sân khấu trẻ Sóc Trăng. Sau 2 năm từ những vai phụ, đào con, chị nhanh chóng trở thành đào chánh của Đoàn Cải lương An Giang Quốc Hương, đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Phượng Hằng... Từ đó, chị được nhìn nhận như một gương mặt sáng giá đầy triển vọng trong tương lai không xa.

Chị tâm sự: “Giai đoạn đó, đoàn hát thường di chuyển bằng ghe, cuộc sống nghệ sĩ rất khó khăn, có những khi ghe tàu của đoàn bị đắm trên bước đường lưu diễn, hay đôi lúc túng thiếu đến nỗi nước mắm chan cơm để hát, nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước chân nghệ thuật của chúng tôi”.

Chị theo Đoàn Cải lương An Giang Quốc Hương 5 năm, khi tên tuổi dần được công chúng biết đến, đoàn hát chợt liên tiếp có nhiều biến cố, sân khấu thưa dần khán giả. Vì vậy, chị theo chồng về Cà Mau sinh sống.

Năm 1997, Trâm Anh vinh dự đoạt giải Nhất trong cuộc thi văn nghệ “Giọng hát hay mừng Đảng, mừng Xuân” do huyện Thới Bình tổ chức, ngay sau đó chị nhận được lời mời về công tác tại Trung tâm Văn hoá huyện Thới Bình, phụ trách mảng văn nghệ. Đến năm 2007, cũng với công việc này, chị về công tác tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Ngọc Hiển đến nay.

Ngoài sở trường, chị còn phát huy tối đa năng lực nghệ thuật với nhiều vài trò như: diễn viên biểu diễn, chịu trách nhiệm về biên tập hay dàn dựng chương trình (ca múa kịch) của đội văn nghệ Trung tâm văn hóa.

Tuy không trực tiếp mở lớp cổ nhạc để truyền dạy, song đến nay, Nghệ nhân Trâm Anh có rất nhiều học trò được chị dạy theo kiểu “truyền nghề”
Tuy không trực tiếp mở lớp cổ nhạc để truyền dạy, song đến nay, Nghệ nhân Trâm Anh có rất nhiều học trò được chị dạy theo kiểu “truyền nghề” 

Chung tay bảo tồn Đờn ca tài tử

Tuy không trực tiếp mở lớp cổ nhạc để truyền dạy, song đến nay, Nghệ nhân Trâm Anh có rất nhiều học trò được chị dạy theo kiểu “truyền nghề”. “Trực tiếp theo sát các em, hướng dẫn từng cách luyến láy câu chữ để rồi khi các em đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn như liên hoan đờn ca tài tử hay giọng ca cải lương giải Bông Tràm... có thể tự tin bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và thành danh. Đối với tôi, đó là những thành quả ngọt ngào mà tôi tâm đắc nhất...”, Trâm Anh khoe với giọng đầy phấn khởi.

Bên cạnh đó, chị còn là thành viên của Câu lạc bộ Thể nghiệm Đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau từ những năm mới thành lập (tính đến nay đã ngót 20 năm). Tại đây, giọng ca của Nghệ nhân Trâm Anh tiếp tục có dịp được trau chuốt bởi danh cầm Trường Giang. Từng cách nhấn nhá, kỹ thuật ca ngâm được các bậc thầy đi trước trui rèn thường xuyên, chính vì thế mà giọng hát của chị ngày càng điêu luyện hơn. Sở hữu giọng ca sáng cộng với bộ nhịp vững chắc, Trâm Anh thể hiện rất tốt hầu hết các bài bản Tài tử.

Từng tham gia và liên tiếp đoạt rất nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong những hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử không chỉ cấp huyện, tỉnh mà còn cả cấp khu vực và toàn quốc. Tháng 12/2018, chị được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Cà Mau tặng chứng nhận Nghệ nhân tiêu biểu. Mỗi tấm bằng khen, mỗi huy chương đoạt được sau cuộc thi đều được chị trân trọng gìn giữ bằng tất cả niềm tự hào, bởi đối với chị, đó là tâm huyết, là say mê và cả một tình yêu đối với nghệ thuật đờn ca tài tử.

Gắn bó với nghệ thuật, đôi lúc đồng lương ít ỏi cũng tạo nên nhiều trở ngại trong cuộc sống, buộc chị phải kinh doanh, buôn bán thêm bên ngoài, nhưng chưa bao giờ gánh nặng cơm áo làm chị vơi đi nhiệt huyết, đam mê đối với nghệ thuật.

“Dù như thế nào, niềm đam mê ca hát vẫn không lúc nào nguôi. Đối với sân khấu, đối với nghệ thuật sẽ không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện rời bỏ, mặc dù chỉ hoạt động văn nghệ trong phạm vi của huyện.

Niềm mong mỏi thì lúc nào cũng thường trực trong lòng những người làm nghệ thuật như chúng tôi, đó là hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban, ngành để cùng chung tay bảo tồn loại hình đờn ca tài tử ngày một phát triển. Đặc biệt là đối với những nghệ nhân đã cống hiến cả cuộc đời cho loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc của cha ông để lại” - nghệ nhân Trâm Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.