Từ học nghề trong cửa hàng
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nghề làm tóc được đào tạo một cách tự phát mà không có bất kỳ một trường lớp nào. Là một người bước vào nghề làm tóc từ khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Trần Thị Hằng, 45 tuổi, chủ một viện tóc ở Hà Nội cho biết: Từ những năm đó, mỗi khóa học để thành nghề học viên phải trả từ 3 - 5 chỉ vàng. Đây là số tiền có giá trị khá cao ở thời điểm đó. Đặc biệt là các cửa hàng làm tóc càng đông khách, thì số người đến xin học càng đông do được thực tập nhiều.
Chương trình đào tạo được gói gọn trong khuôn khổ của cửa hàng, đầu tiên là phụ việc sau đó là cầm tay chỉ việc từ đầu đến cuối cho đến lúc học viên có đủ năng lực để có thể tự mở cửa hàng. Một số người còn mạnh dạn vào tận TP Hồ Chí Minh để học nghề, mặc dù chi phí có cao hơn nhưng thời đó nếu là thợ được học từ Sài Gòn ra thì ít nhiều đều có chút tiếng tăm, dễ dàng hơn trong việc thu hút khách hàng. Sau khi thành nghề, đa số các học viên đều xoay xở để mở cửa hàng làm tóc cho riêng mình.
Đến đào tạo chuẩn quốc tế
Về cơ hội việc làm của nghề làm tóc, chị Hằng khẳng định là rất tốt, bởi xã hội càng phát triển thì những nghề làm đẹp càng có nhiều cơ hội. Sau đào tạo, các học viên vững tay nghề, nếu chưa tự đứng ra lập nghiệp thì cũng chắc chắn có nhiều cơ hội việc làm tại các trung tâm làm đẹp lớn với thu nhập khá cao.
Cho đến nay, việc đào tạo đã có những thay đổi đáng kể. Các học viên không còn phải khó khăn trong việc tìm kiếm nơi học nữa. Các salon hay viện tóc lớn có đầy đủ cơ sở vật chất và hiện đại luôn sẵn sàng nhận học viên để đào tạo. Chương trình đào tạo cũng được chuyên nghiệp hóa, phân thành các nội dung riêng biệt như cắt tóc, nhuộm… Mỗi chương trình đào tạo có một mức học phí khác nhau. Học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ nghề nghiệp. Theo chị Hằng, đây là một điểm tiến bộ hơn hẳn so với trước đây chỉ có tay nghề mà không có bằng cấp, chứng chỉ. Khách hàng sẽ cảm thấy thích thú và tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khi nhìn thấy những bằng cấp và chứng chỉ được treo trang trọng tại salon. Chương trình đào tạo trong nước là tương đối tốt về kỹ năng thực hành, nhưng tỷ lệ khởi nghiệp thành công là thấp, bởi khả năng sáng tạo không cao.
Các chương trình đào tạo quốc tế hiện nay cũng đã trở nên phổ biến. Cơ sở đào tạo có đẳng cấp quốc tế thì chi phí đào tạo rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng; một số khác ít danh tiếng hơn thì mức học phí chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo nâng cao dành cho các chủ salon, các thợ làm tóc tay nghề giỏi cũng thường được các hãng mỹ phẩm tài trợ, thông qua việc cam kết hợp tác giữa salon hoặc viện tóc với hãng mỹ phẩm.
Học nghề làm tóc theo chuẩn quốc tế tốn rất nhiều tiền, nhưng đây đang là xu hướng của giới trẻ. Một khóa đào tạo nâng cao tại Anh trong vòng 2 tuần có giá trị tới 5.000 USD, khóa học tại Italia cũng với thời gian như vậy khoảng 3.000 USD… Tuy nhiên, có bằng cấp quốc tế đương nhiên có giá trị hơn trong việc thu hút khách hàng. Chính vì vậy, một số bạn trẻ có điều kiện kinh tế thường hướng theo các chương trình đào tạo quốc tế. Hướng đi này thường bảo đảm hơn cho việc bắt đầu mở salon tóc, bởi người học đã có tay nghề tiêu chuẩn quốc tế.
Đào tạo nghề làm tóc tại Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội |
Cái tâm của nghề
Với những thay đổi mạnh mẽ của xã hội, nghề làm tóc đang dần được chuyên nghiệp hóa, tuy nhiên so với nước ngoài thì khoảng cách vẫn còn khá xa. Tại Việt Nam, dù không có bằng cấp nghề nghiệp, người làm vẫn có thể được mở cửa hàng một cách dễ dàng. Điều này cũng đã dẫn đến một số hệ lụy, rủi ro cho khách hàng, cụ thể là việc sử dụng thuốc làm tóc, người thợ không có kỹ năng trong việc sử dụng hóa chất làm tóc hoặc không kiểm soát kỹ quy trình làm dẫn đến việc khách hàng bị mất cả mảng tóc và phải cấy lại… Những sự cố ngoài ý muốn này cho đến nay vẫn không phải là điều quá hiếm gặp.
Trong khi đó, hiện cũng không có cơ quan chức năng nào kiểm soát về chất lượng tay nghề của các cửa hàng làm tóc vốn đang được mở ở mọi chỗ mọi nơi. Được biết, khoảng trống này cũng đã được nhiều chuyên gia ngành và khách hàng khuyến nghị, cần có những quy định cụ thể hơn về chất lượng tay nghề của người thợ làm đẹp, cũng như quy định về các điều kiện đảm bảo kinh doanh, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ.
Hiện nay, các bạn trẻ tham gia vào nghề làm tóc rất đông, thế hệ 9X cũng rất chăm học hỏi để nâng cao trình độ của mình. Với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, chị Hằng chia sẻ: “Các bạn trẻ trong nghề làm tóc hiện nay đã vượt lên so với trước kia rất nhiều. Tuy nhiên trong nghề nghiệp cần hơn cả là cái tâm, không nên chụp giật, quá vì lợi nhuận mà không tính đến bước đường phát triển dài hơi. Có thể đã tạo được kiểu tóc đẹp cho khách hàng, thế nhưng chỉ mấy ngày sau lại tư vấn để khách hàng làm tiếp mẫu khác, trong khi tóc của khách hàng chưa được phục hồi khỏe hẳn mà đã làm tiếp thì rất không nên.”