Nghề giúp việc gia đình: Phương án nào bảo đảm an sinh xã hội toàn diện?

GD&TĐ - Hơn 94% trong số những người làm giúp việc không được tiếp cận đầy đủ các cơ chế bảo vệ như chế độ liên quan đến chăm sóc y tế, ốm đau, thất nghiệp, tuổi già, tai nạn nghề nghiệp…

Chỉ số ít giúp việc gia đình được đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh họa
Chỉ số ít giúp việc gia đình được đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh họa

Chỉ 6% được hưởng đủ chính sách

Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ 6% lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới được tiếp cận an sinh xã hội toàn diện. Điều này đồng nghĩa hơn 94% trong số những người làm giúp việc không được tiếp cận đầy đủ các cơ chế bảo vệ. Cụ thể như chế độ liên quan đến chăm sóc y tế, ốm đau, thất nghiệp, tuổi già, tai nạn nghề nghiệp, gia đình, thai sản, thương tật và tử tuất.

Báo cáo cũng cho hay, hơn 2/3 số lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương không được hưởng bất kỳ một loại trợ cấp an sinh xã hội nào. Bên cạnh đó, 3/5 số lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương vẫn không thuộc diện được bảo vệ bởi luật lao động và hơn 70% không được áp dụng giới hạn pháp lý về thời gian làm việc.

Đánh giá toàn cầu về các xu hướng chính sách, thống kê và chiến lược mở rộng diện bao phủ, khoảng một nửa số lao động giúp việc gia đình hoàn toàn không thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội. Nửa còn lại được hưởng ít nhất một cơ chế bảo vệ về pháp lý. Ngay cả khi được bảo vệ về mặt pháp lý thì cũng chỉ có một phần năm số lao động giúp việc gia đình thực sự được bảo vệ trên thực tế do phần đông trong số họ hiện đang làm công việc phi chính thức.

Họ thường không thuộc diện bao phủ của pháp luật an sinh xã hội quốc gia. Với 76,2% lao động giúp việc gia đình (57,7 triệu người) là phụ nữ, những khoảng trống về an sinh xã hội như vậy càng khiến đối tượng này đặc biệt dễ bị tổn thương.

Công việc chăm sóc và giúp việc gia đình từ lâu đã được phụ nữ thực hiện trong gia đình mà không được trả công hay không được công nhận. Phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ và chủ yếu là người di cư trong nước và quốc tế.

Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt lớn giữa các khu vực như châu Âu và Trung Á, 57,3% lao động giúp việc gia đình thuộc diện bao phủ về pháp lý và được hưởng mọi chế độ trợ cấp an sinh xã hội.

Ở châu Mỹ, hơn 10% đối tượng lao động này được hưởng quyền lợi như vậy. Tuy nhiên, ở các quốc gia Ả Rập, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, hầu như không một ai được hưởng đầy đủ các chế độ trong khi đây là những khu vực tuyển dụng số lượng lao động giúp việc gia đình đáng kể.

Cần khuôn khổ pháp lý

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO, cho rằng, những rào cản đối với việc cải thiện quyền của người lao động giúp việc gia đình bắt rễ sâu xa từ các chế độ phụ hệ và thứ bậc. Đó là tư tưởng đánh giá thấp công việc của phụ nữ và coi nhà là không gian riêng tư và không nên được coi là nơi làm việc. Phá bỏ những rào cản này có thể là một thách thức đối với những người vẫn duy trì tư tưởng truyền thống như vậy.

Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tình trạng bất bình đẳng hiện hữu. Theo bà Chihoko Asada-Miyakawa, khi mọi gia đình phải làm việc và học tập tại nhà trong thời kỳ phong tỏa, lao động giúp việc gia đình giúp duy trì sự ổn định của các hộ gia đình. Nhiều người vẫn tiếp tục làm công việc này, mặc dù khối lượng công việc và thời giờ làm việc của họ tăng lên do trường học đóng cửa mà không được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn có lao động giúp việc gia đình bị sa thải do người sử dụng lao động lo sợ bị lây nhiễm dịch bệnh từ họ. Điều này khiến họ có nguy cơ thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa chỉ ra thực tế, hầu hết người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả trợ cấp thôi việc. Thêm vào đó, lao động giúp việc gia đình thường không thuộc diện bao phủ của các chương trình trợ cấp xã hội do Covid-19. Những đối tượng di cư cũng bị mắc kẹt khi biên giới quốc tế bị đóng cửa và không thể về nhà. Kết quả là, các gia đình sống phụ thuộc vào kiều hối mà lao động giúp việc gia đình gửi về đối diện với khó khăn kinh tế.

ILO đã ban hành Công ước về Lao động giúp việc gia đình và Công ước về phòng chống bạo lực và quấy rối. Thế nhưng, việc phê chuẩn sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng các quy chuẩn, nguyên tắc mới để công việc chăm sóc, giúp việc gia đình được tôn trọng. Đặc biệt là lao động nữ được coi trọng và được an toàn trong lao động.

“Mặc dù, Công ước về Lao động giúp việc gia đình đã được thông qua cách đây 11 năm và 52% lao động giúp việc gia đình trên thế giới tập trung ở châu Á và Thái Bình Dương, nhưng trong khu vực mới chỉ có Philippines đã phê chuẩn công ước này. Trong khu vực cũng mới chỉ có Fiji đã phê chuẩn Công ước về phòng chống bạo lực và quấy rối. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế”, bà Chihoko Asada-Miyakawa cho hay.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa cho rằng, các chính phủ trong khu vực nên hành động để thay đổi tư duy, luật pháp và thực tiễn đã khiến người lao động giúp việc gia đình trở nên dễ bị tổn thương. Mỗi hộ gia đình sử dụng người giúp việc gia đình phải đảm bảo họ được trả ít nhất là mức lương tối thiểu và tiền làm thêm giờ. Đồng thời đăng ký cho người lao động được hưởng các chế độ an sinh xã hội và bảo hiểm nếu có. Ngoài ra, cần đảm bảo cho họ được làm việc trong điều kiện an toàn và không bị bạo lực và quấy rối…

“Những công việc thiết yếu mà người lao động giúp việc gia đình đảm nhận phải được ghi nhận, thực hiện thông qua các khuôn khổ pháp lý. Mục đích nhằm đảm bảo quyền, an sinh xã hội và mang lại sự yên ổn lâu dài cho người lao động giúp việc gia đình", bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.