Giúp việc ngày Tết: Lương cao sẽ có người

GD&TĐ - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cận kề, nỗi lo tìm người giúp việc của nhiều gia đình tại Hà Nội lại tái diễn.

Nhu cầu giúp việc ngày Tết là có thật (hình minh họa).
Nhu cầu giúp việc ngày Tết là có thật (hình minh họa).

Nghề "nóng" cuối năm

Cứ mỗi độ cuối năm, nhà nhà tất bật, bộn bề với việc mua sắm, đối nội đối ngoại, công việc dồn ứ. Chính vì vậy, nhiều gia đình rất cần người dọn dẹp nhà cửa, khuân kê đồ đạc, nấu nướng... chuẩn bị đón năm mới.

Những việc không tên dồn lên phụ nữ hoặc người chủ lực chính của gia đình. Đây cũng chính là nỗi lo lắng, thậm chí là sợ hãi ám ảnh của không ít gia chủ, đặc biệt là gia đình ở thành phố hoặc những gia đình quen có giúp việc cả năm để hỗ trợ họ việc nhà.

Tết đến, cũng có nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch sau một năm dài vất vả. Họ muốn thưởng cho mình một cái Tết thư thái ở một nơi nào đó nhưng đôi khi, có một số thành viên trong gia đình không thể đi cùng. Lúc này, họ cần giúp việc hỗ trợ những người ở lại để được an tâm hơn.

Năm nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc du lịch trong những ngày Tết có phần không đông như mọi năm nhưng vẫn có vì vậy nhu cầu giúp việc ngày Tết vẫn luôn là vấn đề "nóng"...

Theo ghi nhận của một số trung tâm hỗ trợ tìm kiếm người giúp việc ngày Tết, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên có khá nhiều lao động khó khăn. Với bất cứ người nào xa quê thì Tết đến vẫn muốn về sum họp cùng gia đình nhưng vì thất nghiệp lâu ngày, khó khăn chồng chất khó khăn nên nhiều người cũng cân nhắc.

Chị Huệ, một lao động tự do quê ở Thái Bình, hiện đang làm giúp việc cho một gia đình tại khu Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường đi buôn đồng nát kiêm giúp việc cho ai có nhu cầu. Mọi năm thì gần Tết là về nhà ăn Tết nhưng nhiều tháng qua ít việc nên chẳng kiếm được tiền như mọi năm. Nếu ngày Tết có ai trả lương cao để dọn nhà, trông nhà, nấu nướng… tôi sẵn sàng ở lại làm”.

Còn theo chị Mai, giúp việc cho nhà cô Lan ở khu Tương Mai (Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội): “Tôi giúp việc cho nhà có người ốm. Tết đến người nhà dự kiến đi vắng nên họ trả lương cao cho tôi hậu hĩnh và cả quà biếu nữa nên tôi rất vui vẻ ở lại. Tôi nghĩ, về nhà ăn Tết sau vài ngày cũng không sao, khi ấy mình có chút vốn bằng mấy tháng làm thường ngày nên không vấn đề gì”.

Tuy nhiên, cũng có nhóm tìm việc làm thêm, việc làm part-time, việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả Hà Nội... gần đây liên tục đăng tin tìm người giúp việc, người trông nhà xuyên Tết với mức giá vô cùng hấp dẫn cũng gặp khó khăn.

Chuẩn bị cho dịp nghỉ Tết sắp tới, vhị Vinh ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đăng tin tìm người trông coi nhà cửa vài ngày vì gia đình anh có kế hoạch về quê. Mặc dù đã tìm kiếm hơn 1 tuần qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Có thể họ ngại tâm lý “ở nhà người lạ” hoặc về vấn đề nào đó mà chưa gặp được người sẵn sàng thỏa hiệp. 

Lương cao sẽ tìm được người

Theo quan sát chung, giá cả dọn dẹp, trông giữ nhà cửa dịp Tết bình quân là 1-3 triệu đồng/ngày, tùy thuộc diện tích, kết cấu căn nhà. Ví dụ nhà bốn tầng, diện tích từ 80m2, khu Văn Chương là 1,5 triệu đồng/ngày, tăng gấp 3,5 lần so với ngày thường.

Giá cả ở khu vực ngoại thành Hà Nội thì thấp hơn, vào khoảng 500 nghìn-1 triệu đồng/ngày. Gía giúp việc khu vực lõi trung tâm phố cổ và phố tấp nập cao nhất, có nơi rơi vào khoảng 2-5 triệu/ngày nhưng họ thuê khoán, có thể là một nhóm giúp việc dọn cho một khối lượng công việc nào đó theo thỏa thuận.

Anh Lâm, giúp việc một gia đình tại Nam Định cho hay: “Tôi được thuê vào khuân vác mấy bao đất lên tầng 4 cho gia chủ trồng cây cảnh nhưng khi thực hiện thì không chỉ có vác đất, mà họ còn muốn tôi đưa những cái thanh sắt, thanh inox rất nặng để họ ra Tết làm thêm 1 không gian nữa. Cuối cùng kết quả là tôi kiệt sức mà chẳng trả thêm tiền. Tôi thật không biết phải làm sao vì họ nói thuê trong 5h và tôi cứ nghĩ chỉ 5h ấy là vác đất thôi. Đương nhiên là vác sắt và inox nặng hơn, mệt hơn rất nhiều…”.

Vì vậy, để tránh trường hợp rủi ro, các hộ gia đình trước khi bắt tay vào thuê mướn nên có sự thỏa thuận rõ ràng, chi tiết cụ thể tránh mất mát hoặc sai lệch công việc thực hiện, gây ra thiệt hại cho gia đình.

Còn người giúp việc cũng nên thỏa thuận ngay từ đầu, tránh việc chủ nhà lạm dụng sai thực hiện những công việc quá nặng nhọc, không có trong thỏa thuận, gây tổn hại đến sức khỏe người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ