Nghề giấy dó trước sóng gió thị trường

GD&TĐ - Từ năm 2006, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển làng nghề Việt Nam, mô hình sản xuất thủ công giấy dó chất lượng cao ở thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) được khôi phục.

Ông Nguyễn Xuân Chúc giới thiệu những sản phẩm giấy dó của thôn Suối Cò
Ông Nguyễn Xuân Chúc giới thiệu những sản phẩm giấy dó của thôn Suối Cò

Ban đầu mô hình thu hút được nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên cho đến nay số lượng người làm nghề đã giảm nhiều, làng nghề chỉ còn hoạt động cầm chừng.

Nỗ lực khôi phục nghề truyền thống

Nghề làm giấy dó ở tỉnh Hòa Bình trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sử dụng giấy dó để làm đồ thờ cúng tổ tiên, lễ Tết, ngày mùa chứ không bán. Vì không có hiệu quả kinh tế nên bà con cũng không truyền nghề cho con cháu, qua nhiều năm nghề đã bị mai một.

Ông Nguyễn Xuân Chúc ở thôn Suối Cò, xã Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình tổ trưởng tổ sản xuất giấy dó thủ công cho biết, khôi phục lại nghề truyền thống, được sự hỗ trợ của Dự án, chúng tôi cũng đã tìm kiếm lại những cách làm và kỹ thuật từ trước đây, vừa học vừa làm.

Để khôi phục hoàn chỉnh các công đoạn cũng phải mất đến gần 3 năm. Cho đến nay, quy trình sản xuất hoàn thiện trở lại. Sản phẩm giấy dó của tổ sản xuất đã được các khách hàng tín nhiệm.

Nguyên liệu chủ yếu để làm giấy dó là cây dướng, loại cây rừng có sẵn nhiều ở địa phương. Có đến 36 công đoạn để ra được tờ giấy dó, trong đó có các công đoạn chính như: Nạo gọt vỏ cây bằng dao nhỏ để loại bỏ sắc xanh; đun sôi vỏ cây bằng nước vôi; làm sạch, loại bỏ tạp chất... Khi ra đến thành phẩm đã được phơi khô có độ bền cao và bề mặt chất liệu tinh tế.

Vẫn nhiều tiềm năng phát triển

Giấy dó được sử dụng nhiều trong nghệ thuật và văn hóa, không gian sáng tạo. Đây được xem là thị trường tiềm năng, bởi những sản phẩm này có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, do có quá ít người biết đến nên nghề sản xuất giấy dó ở Lương Sơn, Hòa Bình khó có cơ hội phát triển.

Thị trường hạn chế sản xuất cầm chừng, cho đến nay những người còn theo nghề chỉ còn rất ít, người trẻ nhất thì cũng đã ngoài 45 tuổi, còn lại hầu hết đều đã ở độ tuổi 60. Còn những lao động trẻ thì hầu như không còn học nghề này nữa.

Trong vài năm trở lại đây, do kiên trì với nghề, ông Chúc cũng đã bán được nhiều giấy dó hơn. Trong năm 2017, bác Chúc đã bán được khoảng 10.000 tờ theo đơn đặt hàng. Các loại giấy được đặt hàng là khá đa dạng, từ loại mỏng và nhỏ nhất cũng có giá 10.000 đồng/tờ, cho đến những tờ khổ lớn dài 120 cm rộng 50 cm có giá bán tới giá 40.000 đồng/tờ.

Đặc biệt là những du khách nước ngoài, họ rất thích những sản phẩm giấy dó Suối Cò. Vì vậy, ông Chúc cho rằng phải học tiếng Anh để có thể giới thiệu sản phẩm và đây chính là một cách làm hiệu quả để mở rộng thị trường.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Chúc mong muốn sản phẩm giấy dó của người dân Suối Cò được nhiều người biết tới, qua đó mở rộng thị trường và tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.