1.Khi xây dựng làng nghề, Chính quyền không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính mà phải phát huy sáng tạo của người dân trong nền kinh tế thị trường. Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là “gắn sao trong lòng dân".
Tới nay, câu chuyện làng nghề giữ hay bỏ vẫn là điều băn khoăn. Bởi trên thực tế, làng nghề mai một quá nhiều. Nhiều làng vốn rất tự hào với nghề truyền thống lâu đời thì nay cũng đã... mất nghề, người dân chuyển sang nghề khác hoặc là dời làng ra đi. Việc đô thị hóa quá mạnh mẽ, phố sầm sập tiến về làng cũng góp phần “giải tán” các làng nghề.
Trong quá khứ, đất nước hình thành từ những ngôi làng. Có phép vua thì cũng có lệ làng. Tình yêu làng quê là điều gì đó rất khó nói, đôi khi nó len vào cả trong giấc ngủ của những người sinh ra và lớn lên ở thành thị chưa một ngày làm nông dân. Đó chính là ký ức của mỗi một con người trong ký ức chung của cả dân tộc. Nhịp sống phố phường gấp gáp, đôi khi người ta thèm chút bóng mát của lũy tre làng. Thèm được uống một ngụm nước mưa đựng trong chiếc chum sành. Kể cả thèm một buổi tối chen nhau xem phim ở sân kho hợp tác, cho dù hôm nay nó đã trôi chìm trong làn sương mù thời gian.
Tới nay, không còn nhiều làng cổ. Và cũng thật đáng tiếc, cho dù có nhiều chủ trương về việc bảo tồn làng cổ nhưng những ngôi làng hàng trăm năm tuổi vẫn tiếp tục biến dạng, khuôn mặt của làng trở nên nhợt nhạt, khó nhận biết.
Những ai đã từng sống, hoặc chí ít một lần tới làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) mươi năm trước hẳn vẫn còn giữ những kỉ niệm êm đềm. Ngôi làng với nhiều ngôi nhà nửa Á nửa Âu do gần Hà Nội- ảnh hưởng bởi lối kiến trúc cuối thế kỷ 19 của người Pháp. Cự Đà có nghề làm miến dong nức tiếng gần xa. Nhưng rồi bỗng một ngày nọ (năm 2011), người dân trong làng bảo nhau như thể một phong trào, trong một đêm phá nhà cũ, làm nhà mới theo cách thời thượng. Hôm nay, vào Cự Đà, không thể không tiếc nuối khi đối diện với tình trạng “xôi đỗ” của kiến trúc, và nghề làm miến tuy vẫn còn cũng không hẳn đã là phổ biến.
Lần nọ, trong câu chuyện, một “công dân chính gốc” làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) chỉ vào những bụi gỗ từ xà nhà rơi xuống, ông bảo: Bụi quá khứ đấy! Vậy, “bụi quá khứ” là gì? Theo cách lý giải của ông, nhiều người trong làng có “khát vọng” đập nhà cũ cột gốc, mái ngói, tường đá ong để làm nhà bê-tông. Vì rằng, nhà cổ không còn phù hợp với lối sinh hoạt mới của người hôm nay. Người làng đã có lần bảo nhau trả lại danh hiệu làng cổ cho Nhà nước, để không còn phải chịu đựng “bụi quá khứ”, cũng không bị gò bó bởi việc phải bảo tồn nguyên trạng, không được sửa chữa, xây mới.
- Nếu cứ giữ làng cổ mà không có thêm điều kiện thu nhập, thì không ai muốn sớm tối chui ra chui vào trong những ngôi nhà xuống cấp, thiếu tiện nghi cả. Muốn giữ được làng cổ thì người dân phải có thu nhập từ chính cái vốn cổ đó. Chủ ngôi nhà “bụi quá khứ” nói.
Câu chuyện thật đáng suy nghĩ. Điều này liên quan rất chặt chẽ tới việc nghề của làng.
2.Đất nước có bao nhiêu làng thì cũng có bấy nhiêu nghề. Nghề cũ có nghề mới có. Danh hiệu “làng nghề” được trao cho rất nhiều làng.
Có rất nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Tân Châu (An Giang) với sản phẩm lụa lãnh. Làng gốm mỹ nghệ Thổ Hà (Bắc Giang). Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) với dòng tranh dân gian một đi không trở lại. Làng Non Nước (Đà Nẵng) chế tác đá mỹ nghệ. Làng cói Kim Sơn Kim Sơn (Ninh Bình). Làng Đồng Xâm (Thái Bình) chuyên về chạm bạc. Làng Nga Sơn (Thanh Hóa) đệt chiếu cói. Làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế) làm gốm mỹ nghệ... Nhưng, thật đáng buồn cho tới nay cũng không hẳn làng nào cũng giữ được nghề.
Tới làng cổ Phước Tích, đứng bên cây thị già nhiều trăm năm tuổi, chỉ biết ngậm ngùi khi không còn mấy lò gốm đỏ lửa. Đến làng Mái (Đông Hồ, Bắc Ninh), còn đâu cảnh nhộn nhịp mua bán tranh, khung tranh còn đó như một hoài niệm. Nghệ nhân cuối cùng của làng cũng không còn tìm được truyền nhân, “y bát” không còn biết gửi gắm vào đâu.
Người làng nghề không giữ nghề bởi nó không mang lại thu nhập, trong khi cuộc sống lao về phía trước với tốc độ chóng mặt, và nhu cầu tiện nghi cuộc sống đã khác xa ngày trước. Lớp trẻ ít gắn bó với làng lại càng ít theo nghề ông cha để lại. Cha ông cũng không mặn mà khuyên bảo, dạy dỗ con nối nghiệp do thu nhập thấp quá, hàng làm ra không bán được. Người làng nghề đành đầu tư cho con “lên phố” ly hương cùng với ly nông, bỏ nghề. Họ làm thế là vì không kiên trì nổi với sự đìu hiu của nghề truyền thống, khi mà nạn hàng “nhái” xuất hiện dày đặc. Sự cạnh tranh không lành mạnh, làm giả làm nhái dần giết chết sản phẩm thủ công truyền thống.
3. Nhưng, một vấn nạn nữa không thể không nói tới, đó là sự ô nhiễm của các làng nghề. Khi vào làng nghề, người ta ái ngại khi rác chất thành đống, cống thoát nước đen và bốc mùi. Ô nhiễm như một bệnh nan y của làng nghề.
Theo kết quả khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cuối năm 2017, thì 100% cơ sở sản xuất tại các làng nghề vượt chuẩn cho phép về ô nhiễm, theo 3 chỉ tiêu phân tích, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc. Đáng chú ý, Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất trong đó hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, sẽ tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề. Năm 2018 tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề gồm: chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm; chăn nuôi, giết mổ gia súc.
Nhưng đến nay, nạn ô nhiễm môi trường tại làng nghề vẫn không cải thiện được là bao.