Nghề giáo - những kĩ sư tâm hồn vĩ đại

GD&TĐ - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Nghề giáo cống hiến thầm lặng nhưng rất mực vẻ vang.

Nghề giáo - những kĩ sư tâm hồn vĩ đại

Không có thầy giáo thì không có giáo dục

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà giáo nói riêng và về giáo dục nói chung xứng đáng được coi là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”. Vì thế, Người dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Họ chính là những người đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.

“Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, câu nói đó của Người khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, tư tưởng.

Nghề giáo là nghề đặc biệt. Từ xa xưa cha ông ta đã có câu: “Con ơi nhớ lấy lời này/Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”. Truyền thống tôn sư trọng đạo được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta.

Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Nhiều học sinh đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.

Khi ai đó hỏi rằng: thành công bắt nguồn từ đâu? thì câu trả lời luôn là: Thành công bắt nguồn từ những người thầy, những người mang đến kiến thức hành trang cho ta bước vào đời.

Một năm nữa lại qua đi, câu trả lời ấy lại được nhắc đến nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2021) và đây cũng là cơ hội cho đội ngũ thầy cô giáo có dịp nhìn lại chính mình với sự chọn lựa là nghề giáo.

Khi nhịp điệu cuộc sống thay đổi, những giá trị truyền thống đang được thay dần bởi những điều thiết thực hơn thì ở một góc độ nào đó nghề giáo vẫn giữ được điều cao quý vốn có. Xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ thì việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Bài giảng của thầy không còn đơn giản là truyền thụ kiến thức một chiều và thụ động, mà vai trò của người thầy là tổ chức và điều khiển, giúp người học lĩnh hội tri thức, và đặc biệt là truyền được cảm hứng cho người học.

Nghề giáo - những kĩ sư tâm hồn vĩ đại ảnh 1

Giáo viên giỏi cần ít nhất hai điều kiện: Kiến thức, yêu nghề

Để trở thành người giáo viên giỏi cần hội tụ ít nhất hai điều kiện là kiến thức và lòng yêu nghề. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà là động cơ giáo dục gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người”.

Có một diễn giả cho rằng “Tấm bằng đại học là khởi đầu thuận lợi để bạn vào đời nhưng chỉ có khát khao học hỏi không ngừng mới là chìa khóa đưa bạn đến thành công”. Bước chân vào đời, vào nghề với hành trang là kiến thức trang bị từ trên ghế nhà trường, học tập là việc suốt đời cho những ai đặt mục tiêu cho mình là tìm kiếm tri thức “Một tấm bằng có thể có giá trị trong vài năm đầu nhưng nếu thiếu sự tiếp tục đầu tư thường xuyên và lâu dài thì bằng cấp cũng chỉ còn là lớp vỏ bọc bên ngoài cho mớ kiến thức cũ kỹ lạc hậu bên trong”.

Việc học là cả một quá trình ngoài sách vở thì mỗi người cần được trang bị nhiều hơn nữa kiến thức từ trong thực tế. William Arthur Ward có một câu nói rất hay rằng “Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Người thầy hôm nay phải lan tỏa kiến thức của mình thông qua những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân chứ không thể chỉ là một cái máy đọc sách, đơn giản đọc lại những gì trong sách đã chia sẻ.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo phải yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu lớp, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp bởi “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình" (Can Jung).

Nghề giáo - những kĩ sư tâm hồn vĩ đại ảnh 2

Mỗi người đều đặt ra kế hoạch cho tương lai để phấn đấu nhưng đôi lúc phải đối mặt với không ít những khó khăn trong cuộc sống. Đa số những ai đã lựa chọn nghề giáo là nơi gắn bó sự nghiệp cả đời đều có chung tâm huyết và trăn trở với nghề. Dạy và học, học và dạy luôn nhắc nhở bản thân mỗi người cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa. Khi đối diện với những khó khăn và thử thách trong nghề, nhiệt huyết của chúng ta có thể bị bào mòn, nhưng quyết tâm thì không bao giờ vơi, bởi vì quyết tâm là sự lựa chọn.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này. Có thể nói trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục.

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Ca dao xưa có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Câu nói ấy đủ thấy được lòng trân trọng, sự kính yêu của người Việt ta dành cho nhà giáo - những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại. Vinh quang không phụ thuộc vào nghề nghiệp, nó chỉ được quyết định bởi thái độ, ý thức của con người khi thực hiện trách nhiệm của mình.

Một lần nữa xin tri ân đến các thầy cô giáo, những người đã nhen nhóm lên ngọn lửa tâm hồn cho bao thế hệ. Hình ảnh người thầy dù ở thời xưa hay thời nay, dù ở trong nước hay quốc tế đều luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng và là biểu tượng thiêng liêng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.