Ngành Sư phạm cần thích ứng mạnh mẽ để trang bị kĩ năng, kiến thức mới cho thế hệ tương lai

GD&TĐ - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nền giáo dục, đặc biệt ngành sư phạm cần phải thích ứng mạnh mẽ để trang bị kĩ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đòi hỏi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỉ niệm 70 năm ngành thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỉ niệm 70 năm ngành thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phát biểu tại lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Đất nước và nền giáo dục của chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa từng có.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đất nước, đến từng con người, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải nâng cao trình độ, đổi mới sáng tạo để thích ứng.

Thêm vào đó, đại dịch Covid - 19 lại buộc chúng ta phải định hình lại toàn diện phương thức làm việc, học tập để phù hợp với một nền kinh tế và xã hội đang chuyển đổi số nhanh chóng.

“Nền giáo dục nói chung, và đặc biệt là ngành sư phạm nói riêng, cần phải thích ứng mạnh mẽ để trang bị những kỹ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đỏi hỏi” - lưu ý điều này, theo Chủ tịch nước, hệ thống các trường sư phạm nói chung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng có vị trí rất quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đi đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Vì lẽ đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Nhà nước xác định là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước, là một trong những cái nôi đào tạo ra những người thầy đứng trên bục giảng thực hiện sứ mệnh trồng người.

Phát huy những truyền thống đáng tự hào của một Nhà trường có 70 năm xây dựng và trưởng thành, Chủ tịch nước đề nghị thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết với tinh thần quyết tâm, sáng tạo cao hơn nhằm thực hiện tốt một số nhiệm vụ được giao.

Trong đó, cần ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. “Con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp”. Đặc biệt nhấn mạnh điều này, Chủ tịch nước cho rằng, cán bộ giảng viên của Nhà trường trước hết phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên và xã hội soi vào, phải bảo vệ hình ảnh, uy tín và danh dự của người nhà giáo; phải có tinh thần tự học và tự sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy, thực tiễn và có năng lực chủ động hội nhập.

Đây là một nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược. Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để họ vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chủ tịch nước đồng thời đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung hoàn chỉnh cả về mô hình và cơ chế của trường đại học sư phạm trọng điểm trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của cả nước; đảm bảo giữ vững chất lượng và khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm quốc gia. Cần đổi mới toàn diện về phương pháp và nội dung đào tạo nhằm đáp ứng với  bối cảnh mới, yêu cầu mới hiện nay.

Cùng với đó, tích cực tham gia và đóng vai trò dẫn dắt trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Gần gũi hơn với bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông nước nhà để tiếp tục đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn vững vàng.

Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người vừa hồng vừa chuyên, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng giáo dục và phẩm chất cao quý của người thầy; yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế.

Nhà trường cần xây dựng dự án để đề xuất với các cơ quan Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo có những dự án đầu tư trọng điểm nhằm xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, đi kèm theo đó là lựa chọn và phát triển mô hình quản trị trường đại học hiệu quả, tiên tiến trên nền tảng kỹ thuật số. Cần có chính sách phù hợp để thu hút người giỏi thi vào sư phạm.

Trong điều kiện vừa “dạy tốt, học tốt”, vừa phòng chống dịch tốt, nhà trường cần chuẩn bị những điều cần cần thiết để các em đến trường được an toàn, học tập trực tuyến được thuận lợi, hiệu quả.

Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành hữu quan cần triển khai tốt công tác Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là mạng lưới các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Bởi đây là mạng lưới các trường đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ