Nghề đặc thù cần chính sách đặc thù

GD&TĐ - Hàng triệu công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo bày tỏ niềm vui sẽ được tăng lương từ ngày 1/7/2024.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị thông qua chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hàng triệu công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo bày tỏ niềm vui sẽ được tăng lương từ ngày 1/7/2024.

Tuy vậy, trong niềm vui chung, nhiều thầy cô giáo bày tỏ một vài tâm tư. Câu hỏi “Liệu sau cải cách, lương nhà giáo có được cải thiện thực sự, phù hợp với ngành đặc thù không, hay cũng chỉ tăng theo mặt bằng chung như viên chức cả nước?”, được nhiều người đặt ra.

Các thầy cô e ngại, nếu việc cải cách tiền lương cũng như các lần tăng lương cơ sở, chỉ mang tính động viên, khoản tăng không theo kịp đà tăng giá, không đủ sức cạnh tranh thu hút nhân lực với ngành khác, thì chất và lượng đội ngũ nhà giáo khó cải thiện.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng đây lại là ngành có mức lương thấp, trong khi áp lực công việc cao. Cả nước đang thiếu hơn 118 nghìn giáo viên, thế mà làn sóng thầy cô nghỉ, bỏ việc lại diễn ra khá mạnh. Thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ tháng 8/2020 đến 8/2023, cả nước có khoảng 40 nghìn giáo viên nghỉ, bỏ việc.

Trong đó, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ giáo viên nghỉ, bỏ việc nhiều nhất cả nước, từ tháng 1/2021 đến nay có hơn 500 thầy cô chia tay nghề. Tình trạng này chưa có dấu hiệu chấm dứt và nguyên nhân chính do thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống.

Thu nhập của giáo viên là vấn đề cấp bánh, có tác động lớn đến việc thu hút và giữ chân người tài ngành Giáo dục. Nhận thức được vấn đề này, từ năm 2006, khi mới lên nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nung nấu trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương với mục tiêu đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương.

Ròng rã gần 17 năm qua, ngành Giáo dục với nhiều đời Bộ trưởng khác nhau, luôn đau đáu, nỗ lực tranh đấu cho thu nhập nghề giáo. Nhưng làm sao để người thầy nuôi được chính họ, lo cho gia đình, tiến đến tái tạo năng lượng, nâng cao trình độ để phục vụ công việc là câu chuyện không chỉ ngành Giáo dục xoay nổi. Và vì thế, thời gian qua, còn nhiều thầy cô vẫn mơ giấc mơ sống được bằng lương…

Những trăn trở của thầy cô sau khi Quốc hội thông qua quyết nghị cải cách tiền lương phản ánh mong ước và kỳ vọng lớn của đội ngũ về một cơ chế tiền lương mang tính đặc thù cho nghề giáo. Rất vui là, kỳ vọng này có nhiều cơ sở để hiện thực hóa trong thời gian tới.

Kết luận số 62-KL/TW, ngày 2/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đặt ra mạnh mẽ yêu cầu cần có chính sách tiền lương phù hợp đặc thù từng ngành. Trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội cũng hết sức ủng hộ.

“Đối với ngành đặc thù như giáo dục và y tế, bên cạnh việc xếp lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp và điều quan trọng là phụ cấp này phải có tác dụng cải thiện thu nhập của những người trong ngành, chứ không chỉ để động viên tinh thần”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh.

Hiện, Chính phủ nỗ lực xúc tiến xây dựng Luật Nhà giáo. Khi những chính sách dự kiến như trong Tờ trình của Bộ GD&ĐT được giữ nguyên, thì dạy học thực sự trở thành nghề có tính đặc thù, quy định pháp lý và chính sách riêng.

Cùng với cơ sở Nghị quyết 29-NQ/TW, như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, tiền lương cơ bản cùng với phụ cấp nhà giáo tới đây sẽ được xem xét cao hơn bảng lương hành chính sự nghiệp. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để tạo sức hút cho nghề giáo, giúp người thầy yên tâm cống hiến, bảo đảm nhân lực cho ngành trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.