Nghề của yêu thương

GD&TĐ - Nén nỗi đau buồn, tiếc thương, thầy Đặng Văn Cương đã đưa cậu học trò tí hon K’Rể trong chuyến đi cuối cùng trở về quê nhà ở thôn Gò Da (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hành trình hơn 5 năm qua giữa hai thầy trò đã dệt nên câu chuyện đẹp về sự tận tụy của người thầy để bù đắp cho trò phần nào những thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa. 

Trong một lần tới thôn Gò Da để vận động học trò ra lớp, thầy Đặng Văn Cương, lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba đã gặp gỡ và biết hoàn cảnh cậu bé đặc biệt Đinh Văn K’Rể. Ánh mắt có hồn của cậu bé bé nhỏ đã ám ảnh thầy Cương, để 4 năm sau đó, khi em đến tuổi vào lớp Một, thầy trở lại Gò Da, vận động gia đình cho em đến trường. Cậu bé 5 tuổi, chỉ cao 50 cm, nặng 3kg, chưa từng quen với người lạ nào ngoài làng khó có thể hình dung được một môi trường sống nào khác ngoài gia đình. Thuyết phục được gia đình hãy tin tưởng “trao K’Rể cho thầy vài ngày thử xem”. 

Và tình yêu thương, sự gắn bó của thầy Cương với cậu học trò bé bỏng cứ dày lên theo năm tháng. Được vào lớp Một, nhưng K’Rể chưa nói được. “Các bác sĩ nói có thể em sẽ không học được vì nhiều bộ phận trên cơ thể chưa phát triển đầy đủ, như răng của em không có, rất khó trong việc ăn uống; có thể lúc này em nhớ được nhưng sau đó lại quên”, thầy Cương nhớ lại. 

Thế nhưng, với mong muốn em được tiếp cận với việc học tập, hướng dẫn một số kỹ năng sống thường ngày để em có thể hòa nhập với cộng đồng, thầy Cương đã đồng hành cùng với K’Rể, bù đắp cho em những thiệt thòi. Thầy là người cha nhân hậu, trìu mến, nhẫn nại, chăm chút cho K’Rể từng bữa ăn, giấc ngủ. Thức ăn của em phải nghiền nhỏ, thầy hướng dẫn và hỗ trợ mỗi ngày, từ việc tắm gội, thay áo quần, rửa tay... Tập cho K’Rể hòa nhập với mọi người, thôi nhút nhát, rụt rè, thầy cũng dạy cho em từng nét chữ, dạy cả câu thưa, tiếng chào. Đi đâu, thầy Cương cũng cho em theo cùng. K’Rể cứ thế lên lớn trong tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, anh chị ở ngôi trường Sơn Ba.

Đầu năm học 2020 – 2021, khi thầy Đặng Văn Cương chuyển công tác về Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh, thầy cũng đưa em theo cùng. Sau chuyến  về thăm nhà và trở lại trường hôm thứ 5, K’Rể bị ngất trong giờ ăn và được thầy cô chuyển vào bệnh viện điều trị. Những ngày ở bệnh viện, thầy Cương luôn túc trực bên em để chăm sóc. Nhưng như chẩn đoán của bác sĩ, chứng bệnh hiếm gặp – Seckel (người lùn, đầu chim), sống được đến tuổi như của K’Rể đã là nghị lực lớn. 

Người đau buồn nhất khi K’Rể mất có lẽ là thầy Đặng Văn Cương. Hơn 5 năm qua, thầy vui với những tiến bộ nhỏ nhất của K’Rể, xem em như đứa con ruột thịt. Thầy, trò gắn bó như hình với bóng. Trong hàng trăm học trò của Trường Tiểu học Sơn Ba, chỉ K’Rể được hưởng sự ưu tiên đặc biệt khi ngủ cùng phòng với thầy hiệu trưởng để tiện chăm sóc. Tình yêu thương, lòng nhân hậu của thầy giáo ở xã vùng biên Quảng Ngãi đã dệt nên những trang đời thật tươi đẹp, rạng ngời của cậu học trò bé nhất nước. 

Câu chuyện của thầy Cương và cậu học trò tí hon không phải là trường hợp cá biệt và duy nhất. Trong các trường học trên cả nước, từ đồng bằng cho đến vùng núi cao, biên giới cho đến hải đảo xa xôi, vẫn có nhiều thầy cô giáo đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách của riêng họ. Chính tình yêu nghề trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Nhất là những thầy cô giáo công tác nơi vùng sâu vùng xa, nếu không có tình yêu, lòng trân trọng nghề, nếu không có tình người, mà cụ thể hơn đó là lòng yêu trẻ thì họ khó có được một nghị lực phi thường để đến, ở lại và gắn bó với những miền quê đầy heo hút. Họ tự nhận về mình những thua thiệt để làm chiếc bản lề mở ra phía ánh sáng, giúp cho con đường đến trường của HS bớt đi những gập ghềnh và thêm tin vào điều tốt đẹp ở đời. Dạy học, với những thầy cô giáo ấy, không đơn thuần là nghề, mà còn là nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ