Nghề chép tranh và thú vui nghệ thuật

Nghề chép tranh và thú vui nghệ thuật

(GD&TĐ) - Chơi tranh, mua chữ là những thú chơi tao nhã của người dân TP.HCM vào những ngày Tết. Nó không chỉ thể hiện cái hồn, cái nét của người dân đô thị, mà còn góp thêm hương vị ngày Xuân. Tuy nhiên, chơi tranh cũng có năm bảy dạng chơi, bởi không phải ai cũng có thể sở hữu những bức tranh gốc với giá vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Vì thế, nghề chép tranh mới ra đời và cuối năm chính là dịp để những họ.

Từ thú chơi nghệ thuật

Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng chỉ riêng từ trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM hằng năm cũng đã cho ra lò số lượng không nhỏ các họa sĩ trẻ. Tay nghề còn non, kỹ năng vẫn phải cần thời gian rèn giũa, cộng thêm tên tuổi chưa được nhiều người biết nên ngoài một vài tay cọ có tài năng đặc biệt, phần nhiều những họa sĩ trẻ vẫn phải chọn con đường làm nghề tranh chép để mưu sinh và rèn luyện tay nghề. 

 Một gallery bán tranh và đá quý
Một gallery bán tranh và đá quý

Để hình thành một phòng tranh cũng không quá phức tạp, người mở phòng tranh chỉ cần bỏ tiền, thuê mặt bằng hay tận dụng luôn mặt tiền ngôi nhà của mình rồi tìm 3-4 thợ chép từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp là đã có thể hình thành nên bộ khung của một phòng tranh. Khách chơi tranh cũng đa dạng thành phần, từ bình dân cho đến cao cấp. Có người thì thích những bức tranh đơn thuần vì sự cảm thụ nghệ thuật của họ, nhưng cũng có người thích chơi những bức tranh đẹp, nổi tiếng của những danh họa, thông qua công nghệ sao chép của các họa sĩ. Chính vì thế, khi đến các phòng tranh đặt chép, giá cả cũng biến động và tùy thuộc vào sự phân định của chính ông chủ phòng tranh. Ở những phòng tranh này, không có sự đồng nhất về quan niệm nghệ thuật và cũng chẳng có sự đồng thuận về giá tranh chép. 

Nếu như ở khu vực trung tâm thành phố (đường Đồng Khởi, Bùi Viện), người ta đẩy giá tranh chép lên 1,5 đến 5 triệu/bức thì tại những khu vực khác như Trần Phú, Nam Kỳ Khởi Nghĩa giá tranh chép chỉ khoảng 1 đến 1,5 triệu/bức, thậm chí có nơi chỉ vài trăm ngàn. Những họa sĩ làm việc tại các phòng tranh trên chỉ là người làm công ăn lương, họ có lòng tự trọng nghề nghiệp rất cao và cũng sống vị nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Hải C, hiện đang làm việc tại một Gallery tranh trên đường Trần Phú chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp năm 2007, cũng đã vẽ và tổ chức được một show trưng bày cho riêng mình. Tuy nhiên, số lượng tranh ký gửi và khách hàng đặt vẽ vẫn chưa nhiều. Ngoài công việc kinh doanh tại nhà, thi thoảng tôi cũng vẽ khi có ý tưởng và thể hiện niềm đam mê qua nét cọ. Tranh tôi vẽ phần nhiều vẫn chỉ vì đam mê nghệ thuật, chứ chưa phải vẽ kiểu “công nghiệp” như một vài họa sĩ danh tiếng. Công việc chép tranh hiện tại của tôi cũng chỉ là kiểu làm việc bán thời gian, kiếm thêm thu nhập, khi nào có khách hàng đặt chép thì tôi vẽ. Tuy nhiên, vào những dịp cận Tết như thế này thì số lượng khách đặt chép tranh để chơi khá nhiều, thu nhập vì thế cũng tạm ổn”. 

Với họa sĩ trẻ Trần Việt Hương, nghề chép tranh đơn thuần chỉ là một chặng đường làm nghệ thuật, khám phá những góc cạnh và nét vẽ tinh túy của các bậc tiền bối. Ra trường năm 2010, cầm cọ chuyên nghiệp mới vỏn vẹn 3 năm nên với Hương, chép tranh vừa là nghề để anh có thêm thu nhập, nuôi ước mơ vừa là để anh có điều kiện trau dồi, học hỏi những sáng tạo nghệ thuật từ các bậc đàn anh, những họa sĩ danh tiếng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nhu cầu người chơi tranh ngày càng cao, đã giúp những họa sĩ trẻ như Hương có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. “Chơi tranh hay vẽ tranh chung quy đều là những người đam mê nghệ thuật. Người chơi thì mong mỏi thưởng thức những đường nét, chiều sâu nghệ thuật của từng bức tranh. Họa sĩ thì mong mỏi mang đến cho người chơi khoảnh khắc của sự lắng đọng và một chút ‘phiêu’ trong nghệ thuật. Vì thế có thể nói, những người đến với bộ môn này tất đều vị nghệ thuật và hết sức hồn nhiên trong thú đam mê nghệ thuật của mình”-anh đúc kết. 

Đến công nghệ kiếm tiền 

Hiện nay, nhẩm tính sơ bộ toàn TP.HCM có đến gần 180 phòng tranh. Trong đó đa phần là phòng tranh chép sơn dầu. Những con đường được mệnh danh “phố tranh” của TP.HCM là Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú. Tuy nhiên, ngoài vấn nạn loạn về giá cả thì chất lượng tranh chép cũng ngày càng đi xuống. Cùng một bức tranh chép, chẳng hạn như bức Đêm đầy sao của Van Gogh, cùng khổ 40 x 60 cm, một số nơi giá phổ biến là 600.000-700.000 đồng, có những nơi lên đến trên 1,5 triệu đồng, nhưng cũng có những phòng tranh chỉ lấy khoảng 400.000-500.000 đồng. Còn nếu lướt qua các trang web về chép tranh, bạn thậm chí có thể đặt mua tranh Van Gogh chép với giá chỉ 300.000-350.000 đồng một bức. Hay như bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Bức tranh này được khai thác 100%, nghĩa là được chép theo đủ các cách có thể, miễn là thỏa mong ước tái hiện chân dung và nụ cười bí hiểm của nhân vật. Nhưng khổ nỗi, cái nụ cười, gương mặt và cả bàn tay của nhân vật Mona Lisa lại quá khó thể hiện. Vậy nên có phòng tranh chép được mặt thì mất tay (theo nghĩa bóng), được tay thì mất mặt. Những phòng tranh nào có họa sĩ chép giống thì ra giá vài triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay một số ít phòng tranh vì lợi nhuận và sự cẩu thả đã kinh doanh nghệ thuật theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, khiến cho không ít khách hàng không phải dân trong nghề mắc lỡm. 

Một thợ chép tranh đang làm việc tại phòng tranh
Một thợ chép tranh đang làm việc tại phòng tranh

Theo anh C, nhiều phòng tranh vì cạnh tranh với nhau nên khi có khách hàng đến đặt chép tranh, họ ngại đầu tư công sức, chỉ cần đem bản mẫu tranh đi photocopy rồi tô màu lên, chỉnh đi chỉnh lại đôi chút là có ngay được một bức tranh hoàn chỉnh, hơn kỳ công chép tay của họa sĩ. Dĩ nhiên, giá của loại tranh chép này sẽ mang tính cạnh tranh rất cao. 

Dạo quanh một số phòng tranh trên các phố tranh ở TP.HCM dịp cuối năm, mọi người dễ dàng nhận thấy không khí ồn ào náo nhiệt. Nhìn bề ngoài, có vẻ như phòng tranh chép nào cũng đang ăn nên làm ra. Thế nhưng, theo một chủ phòng tranh trên đường Bùi Viện, đó chỉ là một khoảng thời gian nhất thời, bởi đây là dịp cuối năm, nhu cầu “săn” một bức tranh đẹp về trưng bày trong ngày Tết của người dân tăng cao nên nhìn vào thấy thế. Chứ kỳ thật, thị trường tranh chép đang khá ảm đạm. Ông nói: “Từ đầu năm đến nay, cái gì cũng lên giá, chỉ có tranh chép là xuống giá. Cái này một phần đến từ chính các phòng tranh. Tranh chép đã và đang bị khai thác cẩu thả đến mức nguồn khách nước ngoài đặt hàng càng ngày càng ít hẳn đi. Do vậy, các phòng tranh chỉ còn trông vào khách hàng nội địa dễ tính. Nhưng cứ với đà này, đến một lúc nào đó nhu cầu trang trí nhà cửa, “săn” tranh về chơi của người dân sẽ trở nên bão hòa, còn những người thật lòng muốn mua tranh, chơi tranh sơn dầu thì lại vất vả trong cuộc săn tìm tranh thật - giả. Khi đó, hậu quả là sẽ không còn mấy Gallery tranh chép tồn tại. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường mỹ thuật sẽ phải khó khăn hơn trong việc lựa chọn giữa nghề làm panô quảng cáo với việc chép tranh - vốn đã bị xem là không tương xứng với 4 năm trời ăn học về sáng tác và phê bình lý luận mỹ thuật.

Chị Nguyễn Thị Phương Nga, chủ phòng tranh trên đường Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Những thiết bị photo hoặc máy in bản mẫu tranh giờ đây tối tân đến mức có khi chỉ cần hoàn thành công đoạn in, là bản thô đã có thể trở thành một bức tranh. Đặc biệt, với những khách hàng mới đến với việc chơi tranh, họ sẽ không thể biết được những chiêu trò tinh vi ấy”. 

Nhiều phòng tranh nhận thấy điều đó từ khách hàng nên nhiều lúc cứ để nguyên bức tranh thô đó mà bán, trong khi khách hàng vẫn cứ coi bức tranh ấy là một tác phẩm nghệ thuật có tính “nguyên thủy”. Nhưng điều đó cũng chưa là gì so với “nghệ thuật tạo hình” của người Trung Quốc. Bằng cách in tranh bằng máy trên gỗ ép, họ có thể tạo ra các sản phẩm hàng loạt với độ giống tương đương bản mẫu thật, với giá sản xuất chưa tới 100.000 đồng/bức và họ có thể bán 500.000-700.000 đồng/bức. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, có khi chỉ 3-4 tháng sau khi mua, màu sắc bức tranh đó trở nên lợt lạt đến mức có thể xảy ra tình huống dở khóc dở cười. Từ một bức tranh in với trường phái Hiện thực vụt trở thành tác phẩm theo khuynh hướng “Ấn tượng” hoặc thậm chí “Trừu tượng”, tức không còn nhìn rõ ra một chi tiết nào nữa.  

Anh Nguyễn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ