Nghệ An:Tăng cường công tác kiểm định

Nghệ An:Tăng cường công tác kiểm định

(GD&TĐ) - Sau 3 năm tích cực chuẩn bị, từ năm học 2011 - 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bắt đầu thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đối với các nhà trường.

Trường MN Diễn Kỷ (Diễn Châu) vừa được cấp GCNKĐCLGD trong năm học 2012-2013.jpg
Trường MN Diễn Kỷ (Diễn Châu) vừa được cấp GCNKĐCLGD trong năm học 2012 - 2013

Trong năm đầu tiên ấy, Trường Tiểu học Châu Bình 1 thuộc huyện vùng cao Quỳ Châu và Trường Trung học cơ sở Châu Khê thuộc huyện vùng cao Con Cuông được đánh giá ngoài, được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (GCNKĐCLGD) cấp độ 2.

Kiểm định chất lượng giáo dục – một công việc hoàn toàn mới, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng các trường vùng cao đầy khó khăn đã vượt qua được thì các trường ở miền núi, đồng bằng, đô thị không thể không làm được.

Cả một năm trời chỉ kiểm định được hai trường – một kết quả quá thấp nhưng lại là kết quả mở đầu báo hiệu sự thành công của hoạt động giáo dục mới mẻ này. Sang năm học thứ hai thêm 27 trường được đánh giá ngoài, được cấp GCNKĐCLGD, trong đó có 6 trường mầm non; 8 trường tiểu hcj; 10 trường THCS và 3 trường THPT.

Thầy Bùi Huy Lưu - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai, trường vừa được cấp GCNKĐCLGD cấp độ 2 - cho biết: Trước khi được đánh giá ngoài, nhà trường đã triển khai thực hiện tự đánh giá (dánh giá trong).

Để làm được việc này, Trường đã phải chuẩn bị suốt hơn 2 năm. Đây là việc hoàn toàn mới, chưa một ai trong Trường có kinh nghiệm gì. Lãnh đạo nhà trường phải nghiên cứu kỹ các quy định của cấp trên, xin thêm ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Sở rồi tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, vì vậy không khỏi lúng túng trong công việc.

Một khó khăn nữa là do công tác quản lý của bản thân nhà trường chưa thật nề nếp, chưa thật tốt nên một số hồ sơ, tài liệu minh chứng không lưu giữ được; hoặc có những việc làm, trước đến nay tuy vẫn triển khai thực hiện nhưng lại không thể hiện trên văn bản. Trên thực tế, có những hồ sơ, tài liệu đã tìm kiếm, phục hồi được; nhưng cũng có những hồ sơ, tài liệu không thể phục hồi. Đó là chưa nói đến khó khăn về thời gian và kinh phí đầu tư cho hoạt động này.

Trường TH Châu Bình 1 (Qùy Châu) - một trong hai trường đầu tiên của Nghệ An được cấp GCNKĐCLGD.jpg
Trường TH Châu Bình 1 (Quỳ Châu) - một trong hai trường đầu tiên của Nghệ An được cấp GCNKĐCLGD.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Nam Đàn, Phòng mà năm vừa rồi có đến 3/27 trường trong cả tỉnh được cấp GCNKĐCLGD - cho biết: Khi triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT Nam Đàn đã quyết định chỉ đạo ở mỗi cấp học làm một trường để có thực tế rút kinh nghiệm.

Riêng với trường mầm non, Phòng tập trung sức chỉ đạo nhiều hơn vì công tác quản lý ở các trường này mới đi vào nề nếp được mấy năm nay, chứ trước đây thì đang có nhiều vấn đề; hồ sơ, tài liệu minh chứng không lưu giữ được nhiều.

Trong quá trình làm, cái khó vẫn là tài liệu minh chứng, nhưng rồi các trường đều khắc phục được, tuy chưa hoàn hảo. Điều quan trọng nhất là sau khi triển khai tự đánh giá, rồi đoàn đánh giá ngoài về trường, mọi sự thực về một nhà trường được được đặt lên bàn, được mổ xẻ, được cân đong theo chuẩn.

Bên cạnh cái tốt, các được, tất cả những hạn chế, những yếu kém của nhà trường đều được nhận diện, được xác định rõ ràng và được chỉ rõ nguyên nhân. Chính điều này đã giúp cho cán bộ quản lý của trường, giúp cho từng thành viên của trường tìm được bước đi thích hợp, đúng đắn trong giai đoạn tiếp theo.      

Theo ông Thái Viết Thảo - Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, để có được sự thành công bước đầu trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở đã bám sát các văn bản của Bộ GD&ĐT; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục và lực lượng làm công tác đánh giá.

Hiện tại, Nghệ An đã có 172 cán bộ, giáo viên được cấp Chứng chỉ đánh giá ngoài (do Bộ GD&ĐT trực tiếp tập huấn); toàn bộ cốt cán của các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX và các trường mầm non đã được Sở trực tiếp tập huấn công tác tự đánh giá.

Nhưng điều quan trọng nhất là thông qua công tác kiểm định, các nhà trường xác định được mức độ chất lượng giáo dục của mình đang đứng ở đâu, trên cơ sở đó để xây dựng các giải pháp tiếp tục đưa nhà trường đi lên.

Tuy vậy, vì là một hoạt động rất mới nên trong thực tế cũng còn không ít hạn chế: Lãnh đạo nhiều nhà trường chưa nghiên cứu kỹ để hiểu đúng quy trình và nội dung của công tác tự đánh giá; kế hoạch tự đánh giá được xây dựng nhưng còn chung chung; công tác thu thập minh chứng được làm chưa tích cực.

Tính đến hết năm học 2012 - 2013, đã có 157/515 trường MN, 256/539 trường TH, 181/412 trường THCS, 09/91 trường THPT và 1/21 trung tâm GDTX đã hoàn thành công tác tự đánh giá; song chất lượng tự đánh giá của nhiều trường chưa bảo đảm yêu cầu.

Kiểm định chất lượng giáo dục đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động quản lý của các nhà trường, đó là hiệu quả thiết thực mà công tác kiểm định mang lại. Để phát huy tác dụng của công tác kiểm định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường, bước vào năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT Nghệ An đã quyết định đưa nhiệm vụ tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục thành nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới công tác quản lý giáo dục; phấn đấu với mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đều triển khai tự đánh giá và có ít nhất 73 trường (10 trường tực thuộc Sở và 63 trường trực thuộc các Phòng GD&ĐT) được đánh giá ngoài.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ