Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường

GD&TĐ - Ước mơ vào trường Học viện Toàn án, để sau này trở thành người bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý đã chạm đến gần khi em Nguyễn Thị Thúy Nga trúng tuyển với số điểm 22,95 khối A.

Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường

Nhưng trước ngưỡng cửa ĐH, cô nữ sinh vẫn ngổn ngang bao lo lắng bởi cảnh nhà ông bà đau yếu, bố bị tai nạn liệt nằm một chỗ 7 năm qua…

Nỗi lo đậu đại học

Nhận thông báo trúng tuyển vào Học viện Tòa án với mức điểm 22,95 điểm tổ hợp môn khối A, em Nguyễn Thị Thúy Nga (nguyên học sinh Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An) vừa mừng, vừa lo. Cái nỗi lo thường trực suốt năm học lớp 12 khi đặt bút đăng ký dự thi THPT quốc gia: Đó là cảnh nhà khó khăn, nếu đậu đại học rồi lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống ở thành phố?

“Đậu vào Học viện Tòa án là mơ ước của em, em mong muốn góp sức mình bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng. Nhưng có lẽ em không đi học đâu. Nhà em thế này, một mình mẹ lo mỗi ngày đủ 3 bữa ăn cho ông bà, bố và em trai em cũng đã quá sức rồi”, cô học trò ái ngại nói, rồi giấu ánh mắt buồn bã nhìn ra phía ngoài sân.

Trong nhà, những mảng tường cũ kỹ, đồ đạc không có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen, giấy chứng nhận học bổng được treo trang trọng. Nhà có 4 chiếc giường thì 3 cái dành cho 3 người ốm. Ông bà nội già yếu, đều gần 90 tuổi. Còn anh Nguyễn Văn Lĩnh (SN 1972) - bố của Thúy Nga - sau một tai nạn bất ngờ cách đây 7 năm, thì bị liệt, nằm một chỗ từ đó đến nay.

“Năm 2010, bố cháu bị bò húc từ phía sau. Chạy chữa khắp nơi, giữ được tính mạng nhưng tổn thương tủy sống không thể phục hồi, toàn thân bị liệt. 7 năm nay, anh nằm trên giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào vợ con. Thương chồng, thương con, mình phải cố gắng làm việc kiếm tiền rồi động viên cả nhà cùng cố gắng…” chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1975), mẹ của em Nguyễn Thị Thúy Nga tâm sự.

Những năm qua, chị Hồng là trụ cột chính trong gia đình, cáng đáng mọi việc, bươn chải với 8 sào ruộng. Vất vả là thế những bù lại, các con lại ngoan ngoãn, học giỏi, thương yêu và thường xuyên phụ mẹ việc nhà, chăm sóc bố, ông bà đau yếu. Chị gái của Nga là Nguyễn Thị Ngân hiện đang là sinh viên năm thứ 4, trường Học viện Kiểm sát. Em trai của Nga 8 năm liền là học sinh giỏi toàn diện.

Chị Hồng cũng chia sẻ thêm: “Bố đau, ông bà ốm, hai em còn nhỏ nên cháu Ngân cũng phải lăn lộn tự kiếm tiền nuôi mình ăn học. Ngoài việc cố gắng học để giành học bổng, Ngân đi làm thêm. Hè này cháu nó cũng không về được vì bận làm thêm, năm cuối nhiều khoản phải đóng góp. Bây giờ cháu Nga cũng đậu vào đại học, ông bà, bố mẹ mừng vì con mình học hành tốt, nhưng giờ nặng gánh quá, không biết phải làm răng để lo cho con đây…”?

Mong được tiếp sức đến giảng đường

Gia cảnh khó khăn nên trước đó, nên Thúy Nga đã từng không định không dự thi THPT quốc gia 2017, mà sau khi học hết lớp 12 sẽ đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Tuy nhiên, ngay trước hôm thi, thầy giáo Từ Đức Toàn (Trường THPT Nam Đàn 2), giáo viên chủ nhiệm tới nhà, phân tích, động viên Nga dù thế nào cũng phải thi THPT quốc gia. Sáng hôm kỳ thi diễn ra, thầy tới tận nhà chở cô học trò nhỏ đến điểm thi. Không phụ sự mong đợi của thầy, Nga đã rất cố gắng khi làm bài… và đã đạt kết quả tốt.

Thầy Toàn cho biết: “Dù hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng 3 năm liên tiếp em là học sinh giỏi toàn diện. Biết hoàn cảnh của chị em Nga, Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trong trường cũng hết sức tạo điều kiện, miễn một số khoản đóng góp hoặc đóng nạp thay em”.

Về phần Nga, cũng chỉ vì ngĩ đến hoàn cảnh gia đình, thương mẹ vất vả làm lụng “nên em mới nghĩ đến việc bỏ học”, Nga nói. “Mọi vất vả cực nhọc đều trút lên vai mẹ, nên ngoài giờ học, em đều tranh thủ đi làm thêm, quên hết xấu hổ với bạn bè để đi mò cua, bắt ốc, gặt lúa, nhổ lạc thuê… Mẹ cũng luôn động viên em tới trường. Chứ trở thành sinh viên Học viện Tòa án vẫn là ước mơ tha thiết của em”, Nga tâm sự.

Trong suốt câu chuyện đầy trăn trở với cô học trò trước ngưỡng cửa đại học, bố của Nguyễn Thị Thúy Nga – anh Lĩnh – không thể nói được câu nào. Chỉ có ánh mắt nhìn con đầy yêu thương, lo lắng. Khóe mắt người đàn ông khắc khổ rưng rưng đỏ.

Thầy Từ Đức Toàn chia sẻ: Với trường hợp của em Nga, lựa chọn học nghề sau THPT cũng là một hướng đi, bởi giờ đây đại học không phải là con đường duy nhất và bằng mọi giá để lập nghiệp. Nhưng tôi vẫn khuyên và động viên em cố gắng đi học lên cao, bởi Nga là một người có tố chất tốt, chịu khó, siêng năng. Với phẩm chất và trí tuệ đó, em phù hợp với ngành luật. Xã hội phát triển thì sẽ có nhiều nơi, nhiều công việc cần đế người như em Nga. Còn đi làm bây giờ, em sẽ chỉ là lao động phổ thông, lương thấp, vất vả. Xuất khẩu lao động thì gia đình không có đủ kinh phí. Vì thế, vào đại học vẫn là con đường tốt nhất của Thúy Nga hiện nay. Tôi mong các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ, và hỗ trợ để giúp em có thể bước vào cánh cổng trường ĐH đã mở ra trước mắt.

Box: Mọi hỗ trợ xin gửi về em Nguyễn Thị Thúy Nga, xóm 2, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. SĐT 0165 702 89 39

Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường ảnh 1Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường ảnh 2Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường ảnh 3Nghệ An: Nữ sinh đậu Hoc viện Toà án mong được tiếp sức đến trường ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ