Nghệ An: Kỳ vọng sự đột phá

GD&TĐ - Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 – 2026, cử tri là cán bộ nhà giáo, sinh viên trên địa bàn kỳ vọng giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến.

Bà con xã tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) đi bầu cử
Bà con xã tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) đi bầu cử

Đặc biệt, công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội để tạo nhiều cơ hội việc làm với thu nhập xứng đáng cho lao động có tay nghề, chất lượng cao. .

Hồi hộp lần đầu tiên cầm trên tay lá phiếu bầu cử

Ngày 23/5, Trường CĐ nghề Việt - Đức (TP Vinh) có hơn 100 sinh viên  đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp tỉnh Nghệ An.

Đây cũng là lần đầu tiên, cử tri là sinh viên của trường được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Trong đó nhiều bạn là người dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi cao của Nghệ An như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương... Vì vậy, trước đó cán bộ, giảng viên nhà trường đã thông báo về các quy định trong bầu cử, giới thiệu về ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp để sinh viên tìm hiểu.

SV Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An) mặc đồng phục chờ đến lượt thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử.
SV Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An) mặc đồng phục chờ đến lượt thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử.

Buổi sáng, các em tập trung tại trường, mặc đồng phục chỉn chu, nghiêm túc rồi theo hướng dẫn của thầy cô sang các tổ bầu cử tại phường Trung Đô và Bến Thủy, TP Vinh.

Quang Văn Bằng (lớp Cao đẳng ô tô) và Hà Anh Tuấn (lớp Cao đẳng Điện lạnh) đã đi thực tập và làm thêm kiếm thu nhập từ nghề mình theo học. Tuy nhiên, hôm nay 2 bạn đã xin đổi ca làm từ buổi sáng sang chiều để đi bầu cử sớm.

“Khi đến nơi bầu cử, trong lúc chờ nhường các bác nhiều tuổi hơn bỏ phiếu trước, em thấy hồi hộp lắm. Thấy mình sắp được làm một việc rất ý nghĩa, quan trọng. Bỏ phiếu xong, em về trường để báo cho thầy cô biết. Em cũng mong các đại biểu quan tâm đến chính sách việc làm, cho sinh viên nghề chúng em sau khi tốt nghiệp sẽ làm đúng công việc xã hội cần, có thu nhập tốt”, Quang Văn Bằng chia sẻ.

Hồi hộp và háo hức cầm trên tay lá phiếu bầu
Hồi hộp và háo hức cầm trên tay lá phiếu bầu 

Kỳ bầu cử này, Kha Thị Thảo Phương (SN 1998) cũng lần đầu tiên được cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Cô gái dân tộc Thái ở xã tái định cư Ngọc Lâm, (Thanh Chương, Nghệ An) đang vừa học nghề, vừa thử việc tại TP Vinh. Hiện do ảnh hưởng dịch bệnh, nên Thảo Phương tạm nghỉ học, trở về quê nhà và đi bầu cử tại nơi cư trú.

Hôm nay, cả nhà Thảo Phương vẫn dậy sớm như thường ngày, nhưng thay vì đi làm nương rẫy, thì sửa soạn đi bầu cử. Phương chọn cho mình bộ trang phục phụ nữ Thái đẹp nhất để đi dự ngày trọng đại của bản làng.

Cầm trên tay thẻ cử tri, Thảo Phương nói: “Em thấy vui và háo hức chờ đợi, đây là lần đầu tiên em được bỏ phiếu bầu cử. Trước đó, em đã đọc thông tin về các ứng cử viên, nhưng khi ra nhà văn hóa cộng đồng, em lại đọc thêm 1 lần nữa để chắc chắn về lựa chọn của mình”.

Cô gái dân tộc Thái - Kha Thị Thảo Phương (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) lần đầu tiên thực hiện quyền bầu cử
Cô gái dân tộc Thái - Kha Thị Thảo Phương (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) lần đầu tiên thực hiện quyền bầu cử 

Theo bố mẹ rời quê hương cũ ở Tương Dương xuống tái định cư tại xã Ngọc Lâm, Thanh Chương, dù cuộc sống nhiều khó khăn, cô gái dân tộc Thái vẫn đi học đầy đủ hết cấp 3. Trong suốt thời gian đó, em nhận được chính sách trợ cấp của Nhà nước, Chính phủ về chí phí học tập, bảo hiểm y tế...

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phương đi làm công nhân ở ngoài Bắc để giúp bố mẹ đỡ gánh nặng kinh tế. Có được một khoản vốn, em nghỉ việc rồi đi học nghề thẩm mỹ. “Em thích ngành nghề này vì thấy phù hợp với mình. Sau khi hết dịch, em sẽ xuống TP Vinh tiếp tục hoàn thành chương trình học để đi làm, kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp bố mẹ”, Phương chia sẻ.

Nữ sinh dân tộc Thái cũng bày tỏ: “Em thấy biết ơn những chính sách hỗ trợ dành cho học sinh DTTS đã giúp mình theo học hết phổ thông. Trong lần đầu tiên được đi bầu cử này, em mong muốn các đại biểu sẽ có tiếng nói để bà con, học sinh vùng đặc biệt khó khăn như em tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ. Em cũng kỳ vọng kỳ vọng cuộc sống của bản làng, quê hương sẽ tiếp tục được đổi thay, khởi sắc".

Mong muốn chính sách giáo dục được thực thi đầy đủ, hiệu quả

Cô Phan Thị Mai Thành – Trưởng phòng Công tác HSSV – Trường Cao đẳng Việt - Đức cho rằng, hiện nay, xã hội chưa có nhìn nhận đầy đủ về dạy nghề, nhất là giáo dục nghề nghiệp cho học sinh sau THCS. Dù hầu hết HSSV nghề sau khi tốt nghiệp đều có doanh nghiệp đến mời về làm việc. Trong khi đó, vẫn có nhiều ý kiến xoay quanh sinh viên đại học tốt nghiệp đi làm trái ngành, trái nghề gây lãng phí đào tạo.

“Là cử tri của ngành giáo dục và đào tạo, tôi mong muốn các đại biểu quan tâm, góp ý chiến lược để giáo dục đào tạo có bước phát triển đột phá. Đặc biệt là công tác đào tạo nghề và lao động việc làm. Làm sao để việc đào tạo thực chất, gắn liền với nhu cầu xã hội. Thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề - học nghề. Để người học mạnh dạn, yên tâm khi quyết định học nghề để phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình”, cô Thành chia sẻ.

Bà con dân tộc xã Ngọc Lâm, Thanh Chương Nghệ An mặc trang phục truyền thống đi bầu cử
Bà con dân tộc xã Ngọc Lâm, Thanh Chương Nghệ An mặc trang phục truyền thống đi bầu cử

Tại Nghệ An, kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2015 có các ứng cử viên ở mọi lĩnh vực và nghề nghiệp xã hội. Trong đó có ứng viên của ngành giáo dục và đào tạo. 

Thầy Đậu Đình Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ: “Thông qua lá phiếu của mình, tôi tin tưởng và kỳ vọng các ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp tham mưu quyết sách để giáo dục phát triển toàn diện. Đặc biệt có tiếng nói quan tâm, ưu tiên cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, học sinh DTTS, để các chính sách cho học sinh, giáo viên được thực thi đầy đủ, hiệu quả. Qua đó, tạo động lực cho địa phương, nhà trường, giáo viên thực hiện thành công chương trình GDPT 2018”.

Cán bộ giáo viên vùng tái định cư mong muốn các chính sách cho giáo dục vùng khó được thực thi đầy đủ, hiệu quả
Cán bộ giáo viên vùng tái định cư mong muốn các chính sách cho giáo dục vùng khó được thực thi đầy đủ, hiệu quả

Thầy Đức cho biết thêm, nhiều năm công tác tại vùng tái định cư, thầy chứng kiến cuộc sống nơi đây đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh DTTS vùng tái định cư còn rất khó khăn.

Đơn cử như trường Tiểu học Hương Tiến hiện nay vẫn còn tới 5 điểm lẻ cách xa nhau, không có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên thực hiện tốt chương trình GDPT 2018. Mong ước lớn nhất của tập thể cán bộ giáo viên là được chuyển đổi mô hình trường tiểu học bán trú. Qua đó tạo tiền đề dồn học sinh điểm lẻ về trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.