(GD&TĐ) - Tới tháng 5/2007, Nghệ An có 14 trường PTDT nội trú (9 trường PTDTTHPT và 5 trường THCS) với 1.956 học sinh được hưởng chế độ “học sinh dân tộc nội trú”. Song chỉ có Trường PTDTNT THPT Nghệ An, các trường còn lại đều được tổ chức không đúng với quy định của Nhà nước.
Học sinh Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An múa hát chào mừng năm học mới (năm học thứ 2 trường đi vào hoạt động) |
Phần đông học sinh của các nhà trường không phải là học sinh thuộc diện “học sinh dân tộc nội trú”. Chính điều này đã hạn chế rất lớn đến sự tập trung đầu tư về các điều kiện phục vụ học sinh và gây nhiều lãng phí cho ngân sách.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 11/8/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 71/2009/QĐ-UBND về việc Quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông trên đại bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015.
Theo đó: “Củng cố và thành lập hệ thống trường PTDTNT THCS, đảm bảo ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu và Qùy Hợp, mỗi huyện có 1 trường PTDTNT THCS với quy mô 12 lớp, khoảng 300 học sinh DTNT… Thành lập thêm Trường PTDTNT THPT số 2 của tỉnh”.
Ông Nguyễn Phùng Đạt -, Phó Trưởng ban Ban Giáo dục miền núi, dân tộc của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Trong số 14 trường PTDTNT cũ chỉ giữ lại một trường, 13 trường khác đã được chuyển đổi nhiệm vụ, chuyển đổi tên trường.
Từ sau khi có Quyết định số 71/2009/QĐ-UBND đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập thêm được 7 trường. Như vậy, từ năm học 2013 - 2014, Nghệ An có đủ 2 trường PTDTNT THPT (với 851 học sinh) và 6 trường PTDTNT THCS (với 920 học sinh) đúng theo Quyết định số 71/2009/QĐ-UBND đã quy định.
Theo ông Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An, trường này có quyết định thành lập từ đầu năm học 2009 - 2010 và hiện đã được đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất.
Nhưng không thể ngồi chờ xây xong trường, nhà trường đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý phương án mượn cơ sở vật chất để đi vào hoạt động. Với phương án này, Trường đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm học 2012 - 2013. Sang năm học thứ hai này, Trường có tất cả 302 học sinh.
Tuy phải đi mượn cơ sở vật chất, nhưng mọi hoạt động giáo dục của Trường đều được tổ chức đầy đủ, đúng quy định. Khó khăn nhất là việc tổ chức đời sống nội trú cho học sinh, nhưng thực tế nhà trường đã vượt qua tất cả, 302 học sinh của Trường đều được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ chu đáo; các em hòa nhập với môi trường mới rất nhanh.
Nếu tình hình không có gì thay đổi, bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, thầy và trò của Trường sẽ được hoạt động trong khuôn viên của Trường với đầy đủ điều kiện, tiện nghi.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Nghệ An có 7 trường PTDTNT thuộc đối tượng của Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng phê duyệt Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015, thế nhưng chỉ mới duy nhất có Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An được Nhà nước đầu tư 20 tỷ đồng, còn 6 trường khác chưa được đầu tư gì. Trong điều kiện Nhà nước còn khó khăn, bằng nhiều nguồn, UBND tỉnh Nghệ An đã đầu tư 23,7 tỷ đồng cho 2 trường xây mới cơ sở vật chất và 3,146 tỷ đồng cho các trường cải tạo cơ sở cũ mới được tiếp nhận để tất cả các trường sớm đi vào hoạt động.
Như trên đã nói, ngoài 1 trường cũ, bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, cả 07 trường PTDTNT mới được thành lập ở Nghệ An đều đã đi vào hoạt động, nhưng các trường còn gặp không ít khó khăn. Trường PTDTNT THCS Qùy Hợp được tiếp nhận cơ sở 2 của Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Hợp với vẹn vẹn 1 nhà làm việc và 19 phòng học cấp 4. Nhà trường phải cải tạo 12 phòng học để làm phòng nội trú cho 225 học sinh.
Hay như Trường PTDTNT THCS Quế Phong hiện đang phải mượn 3 phòng học, 2 phòng làm việc và 10 phòng nội trú của giáo viên của Trường THPT Quế Phong để tổ chức hoạt động. Với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy, dù thầy và trò có cố gắng đến đâu, chắc chắn hiệu quả mang lại cũng không thể nào có được như mong muốn.
Nghệ An là một tỉnh nghèo nhưng trong vòng 5 năm đã thành lập mới 7 trường PTDTNT và đưa cả 7 trường đi vào hoạt động quả là một cố gắng hết sức lớn. Thủ tướng lại đã có Quyết định 1640/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 - 2015 với riêng nguồn kinh phí trung ương là 2.912.711 triệu đồng.
Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho các trường PTDTNT đi vào hoạt động có chất lượng, Bộ Tài chính và các Bộ ngành Trung ương có liên quan cần sớm bố trí kinh phí như đã ghi trong Quyết định 1640/QĐ-TTg để triển khai xây dựng các hạng mục công trình đã được phê duyệt ở các trường PTDTNT.
Minh Đức