Nghệ An: Chỉ 30% nhà vệ sinh trường học "tương đối sạch"

Nghệ An: Chỉ 30% nhà vệ sinh trường học "tương đối sạch"

(GD&TĐ) - Hiện nay Nghệ An có 509 trường mầm non, 537 trường tiểu học, 415 trường THCS, 90 trường THPT với trên 685.000 học sinh..Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất trường học nhanh chóng được đổi thay, nâng cấp. Tính tại thời điểm tháng 01 năm 2011, toàn tỉnh có 23.701 phòng học, trong đó đã có 13.846 phòng kiên cố và 7.724 phòng bán kiên cố. Song công trình vệ sinh của các nhà trường lại không theo chiều thuận mà ngược lại. 

Theo một thống kê (số liệu do cơ sở báo cáo lên) của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tại thời điểm năm học 2010-2011, đã có 486/507 (95,86%) trường mầm non có nhà tiêu, hố tiểu hợp vệ sinh. Con số này của tiểu học là 350/542 (64,58%), trung học cơ sở là 350/424 (82,55%) và trung học phổ thông là 81/90 (90,0%). Báo cáo thì như vậy, nhưng thực tế thì sao?

Một cán bộ có trách nhiệm của Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, năm học trước, trong một lần đi cơ sở, đến 10 trường thì nhà vệ sinh của 9 trường quá bẩn; một lần khác đến 15 trường thì chỉ có nhà vệ sinh của 01 trường là tương đối sạch sẽ, đó là chưa nói các công trình vệ sinh còn quá chật hẹp, không bảo đảm phục vụ cho nhu cầu của các em học sinh.

Ảnh mh
Ảnh mh

Trong năm 2010, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An tổ chức kiểm tra ở 180 trường tiểu học, 145 trường trung học cơ sở và 28 trường trung học phổ thông thì chỉ có 40 (22,22%) trường tiểu học có đủ nhà tiêu, hố tiểu hợp vệ sinh, đạt tiêu chí này ở trung học cơ sở là 30 (20,69%) trường và ở trung học phổ thông là 15 (53,57%) trường.       

Gần đây nhất, tháng 9 năm 2011, Ban Văn hoá-Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã về khảo sát công tác vệ sinh học đường ở 11 trường học thuộc thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc. Ban kết luận: “Hầu hết công trình vệ sinh ở các trường học đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, thiếu về số lượng, không đảm bảo vệ sinh.... vòi rửa không có hoặc không còn sử dụng được,...” Trừ Trường THCS Lê Mao (thành phố Vinh), còn nhà vệ sinh của 10 trường khác không hề vệ sinh chút nào – nói cho đúng hơn là quá bẩn, quá.

Trường THCS Vinh Tân (thành phố Vinh), với 373 học sinh nhưng chỉ có 02 ngăn nhà tiêu, 04 ngăn hố tiểu. Nhà tiêu, hố tiểu lại tối om vì không có đèn chiếu sáng, không có giấy vệ sinh và cực kỳ bẩn. Phía ngoài khu vực vệ sinh chỉ có một vòi nước để rửa tay, nhưng không có xà phòng. Khi được hỏi, một số học sinh cho biết, do nhà tiêu, hố tiểu ở đây quá bẩn nên các em thường phải "nhịn" đi vệ sinh tại trường.

Còn cô giáo Lê Thị Bích Hoài, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì cho rằng: "Do sắp phải chuyển địa điểm nên Trường không có chủ trương nâng cấp công trình vệ sinh, kinh phí lại hạn hẹp nên Trường phải tiết kiệm một cách tối đa, kể cả việc phải hạn chế lắp đặt bóng đèn".

Ở Trường Tiểu học Lê Mao (thành phố Vinh) - một trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ II, công trình vệ sinh được đầu tư xây dựng khá hiện đại nhưng lại vô cùng bẩn thỉu. Tại khu vực công trình vệ sinh không hề có giấy vệ sinh, không có vòi nước, không có xà phòng rửa tay. 11 trường mà Ban Văn hoá-Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khảo sát là 11 trường ở thành phố, ở vùng thuận lợi còn như thế, không hiểu ở những trường thuộc vùng khó khăn hơn sẽ như thế nào?   

Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Cầu, người phụ trách công tác y tế trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Công tác y tế trường học còn nhiều tồn tại nhưng việc khắc phục hết sức chậm chạp. Hơn hai năm nay, tuy bộ phận chỉ đạo công tác giáo dục môi trường của Sở đã đề xuất, nhưng vì không có kinh phí nên không tổ chức đi kiểm tra cơ sở được lần nào. May có Chương trình nước sạch, trong những lần đi kiểm tra việc thực hiện Chương trình này, anh em đã kết hợp để nắm tình hình y tế học đường. Từ những lần đi ấy, có thể nói, mới khoảng 30% số trường học (mà chủ yếu là trường mầm non) có công trình vệ sinh tương đối sạch sẽ, còn lại đang rất bẩn. Nhiều trường khi nhìn vào khuôn viên, trông rất sạch sẽ, nhưng khi vào đến công trình vệ sinh thì không thể chấp nhận được. Công trình vệ sinh chưa đủ, chưa hiện đại thì có thể đổ lỗi cho kinh phí không có, chứ sử dụng, bảo quản là do con người. Nguyên do, suy cho cùng là lãnh đạo, nhất là Hiệu trưởng các nhà trường chưa quan tâm đến vấn đề này, cấp trên (phòng và sở ) lại không kiểm tra, đôn đốc. Các thủ trưởng không quan tâm, không để mắt đến thì không cách gì mà tốt lên được.

Một cán bộ chỉ đạo công tác giáo dục môi trường trong các nhà trường của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhận xét: “Các cơ quan quản lý giáo dục đã có văn bản và cử người chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh trường học, nhưng thực tế công tác này còn ít được quan tâm của người đứng đầu nên hiệu quả không cao. Hầu hết các trường đã xây dựng được công trình vệ sinh, nhiều trường có công trình vệ sinh khá hiện đại nhưng chưa đủ về số lượng, hiện mới có khoảng 30% đến 40% số trường học đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ”.     

Cách đây 2 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ngày 14 tháng 8 năm 2009, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành Công văn số 1742/SGD&ĐT-VP, trong đó nêu rõ: "Đến cuối năm học (2009-2010), 100% trường mầm non và phổ thông có công trình vệ sinh đạt yêu cầu và thường xuyên sạch sẽ". Thế nhưng đã hơn hai năm rồi, mục tiêu này xem ra không được chú ý triển khai thực hiện. Người viết bài này không dám mơ ước như Công văn số 1742/SGD&ĐT-VP đã nêu, mà chỉ mong sao sau ba năm nữa, bắt đầu từ năm học 2014-2015 trở đi, 100% số học sinh của Nghệ An không phải “thường “nhịn” đi vệ sinh tại trường”.   

                                                                                   Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ