Nghệ An: 100% sản phẩm OCOP sẽ lên sàn thương mại điện tử

GD&TĐ - Là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đa dạng, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu 100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử trong năm 2022.

Một số sản phẩm OCOP ở Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).
Một số sản phẩm OCOP ở Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản số 2345/UBND–TH về việc triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch trong năm 2022 là 100 sản phẩm OCOP (sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn) đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tại địa chỉ https://postmart.vn và sàn Vỏ sò của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tại địa chỉ https://voso.vn.

Ngoài ra, 100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn TMĐT từ 15-20%.

Để kế hoạch đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đang giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tham mưu ban hành kế hoạch truyền thông đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm khoai tây ở các xã thuộc huyện Diễn Châu.

Sản phẩm khoai tây ở các xã thuộc huyện Diễn Châu.

Để số hóa dữ liệu sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thu thập dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp, phân loại hộ, xác định các nhóm đối tượng theo quy mô và nhóm sản phẩm; số hóa dữ liệu.

Đồng thời, lựa chọn từ 30 - 40 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử, quy trình, môi trường nuôi trồng và các câu chuyện xoay quanh sản phẩm như văn hóa, lịch sử, tính năng sản phẩm... để tổ chức truyền thông lan tỏa.

Các doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn thương mại điện tử và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu. Đồng thời, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin, tham gia trải nghiệm, mua bán các sản phẩm nông nghiệp Nghệ An trên sàn thương mại điện tử.

Củ gừng ở huyện Kỳ Sơn đạt OCOP 3 sao.

Củ gừng ở huyện Kỳ Sơn đạt OCOP 3 sao.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 253 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 249 sản phẩm mới và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 của cả nước sau (thành phố Hà Nội và Quảng Ninh).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng, so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là vùng miền Tây thì vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy hết hiệu quả. Vẫn còn 5 huyện chưa có sản phẩm OCOP dù trên địa bàn có những sản phẩm có giá trị.

Mặt khác, tính lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu “hành động địa phương, hướng tới toàn cầu”, mà chủ yếu đang mang tính nội tiêu trong thị trường nội huyện, nội tỉnh.

Theo ông Lâm, nguyên nhân là do các địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác thị trường, còn thiếu điểm để giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên cổng thông tin điện tử hoặc các trang web của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, mở rộng thị trường, các địa phương, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phải đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tham gia các hoạt động giao thương.

Ký kết với cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương và trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử, các điểm du lịch trong tỉnh. Tổ chức bán hàng qua mạng online, chủ động livestream giới thiệu mua bán hàng trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ