Từ năm 1942 - 1969, đồng bào cả nước ta thuộc mọi thành phần, lứa tuổi luôn coi thơ chúc Tết của Bác như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết. Cứ mỗi khi tới thời khắc giao thừa là mọi người lại lắng lòng chờ nghe giọng thơ chúc Tết ấm áp, thiết tha của Người.
Nét đặc biệt trong thơ chúc Tết của Bác là ngôn từ nôm na, dễ hiểu, gần gũi đối với tất cả đồng bào nhưng luôn gắn với hiện thực, qua lời chúc năm mới, khơi dậy trong mỗi người ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc.
Nhân năm Ngọ, xin điểm lại 3 bài thơ chúc Tết năm Ngọ của Bác.
Bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác năm 1942 - đúng vào năm Nhâm Ngọ:
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Năm 1942 là năm đánh dấu sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị và tinh thần của nhân dân ta. Bác Hồ, sau khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lần đầu tiên người được đón Tết cổ truyền nơi quê hương đất mẹ, và vui Tết với đồng bào với một tâm trạng hân hoan “cách mệnh thành công khắp thế giới”.
Ba năm sau, bài thơ mừng xuân của Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nhân dân cả nước ta mừng độc lập và Bác Hồ đã đọc tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình, thủ đô Hà Hội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
12 năm sau, tới Tết Giáp Ngọ 1954, Bác lại có thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Nǎm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
Cải cách ruộng đất là công việc rất to
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.
Nǎm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều.
Mùa xuân 1954, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh cuộc kháng chiến để giành thắng lợi, đồng thời tiến hành cải cách ruộng đất để dân cày có ruộng, tạo thành hậu phương vững chắc để chi viện cho chiến trường .
Lời kêu gọi của Bác như là khẩu hiệu hành động rõ ràng: Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành: Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to.
Lời chúc của Bác mở ra một năm tràn đầy khí thế: “Năm mới, thắng lợi mới, thành công càng nhiều”.
Và đúng như ước nguyện của Bác, sau Tết, bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm làm nên chiến thắng vang dội vào 7/5/1954, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ.
Đất nước tạm chia làm hai miền, với hai nhiệm vụ: Kháng chiến chống Mỹ để giải phóng miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Ngay ở những vùng tạm bị chiếm cam go, gian khổ, cứ mỗi độ Xuân đến Tết về, đồng bào ta vẫn ngóng đợi thơ chúc Tết của vị cha già kính yêu. Mùa xuân 1966, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, Bác lại có thơ chúc Tết Xuân Bính Ngọ gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng.
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng.
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong,
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng.
Ở bài thơ này, đầu tiên, Bác biểu dương chiến công của cả 2 miền Nam, Bắc một cách cụ thể. Tiếp đó, Bác khẳng định sự thua đau của đế quốc Mỹ. Từ đó, đi đến động viên “Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng” và một lần nữa khẳng định cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta sẽ đi tới thắng lợi cuối cùng.
Lời chúc Tết vào năm Ngọ cuối cùng trước lúc Bác vĩnh biệt “thế giới của người hiền” đã trở thành hiện thực, đất nước đi đến thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Tết Giáp Ngọ 2014 đã đến. Chu kỳ 6 vòng quay của 12 con giáp gợi bao hoài niệm về quá khứ và mơ về một tương lai tươi đẹp hơn của dân tộc, trong bối cảnh đất nước đang vươn lên tầm cao mới…
Đọc lại 3 bài thơ chúc Tết năm Ngọ của Bác, có thể phát hiện thêm một nét khác biệt so với một số bài thơ xuân, thơ chúc Tết khác: cả 3 bài đều có vần điệu rắn rỏi, khỏe khoắn; nhịp thơ mạnh, dồn dập.
Trong dân gian, Ngựa là biểu tượng cho chí khí anh hùng của người quân tử trên đường trường, bất chấp mọi gian lao phi về đích.
Phải chăng, chọn phong cách nhất quán giữa nội dung và hình thức (vốn là sở trường), Bác Hồ đã thể hiện khí phách anh hùng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của Việt Nam.