Phát huy khả năng sáng tạo của trẻ
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, phòng GD&ĐT Than Uyên lần thứ 2 phối hợp với Ban quản lý Dự án CWS (tổ chức phi Chính phủ) huyện tổ chức “Ngày hội giao lưu sách khổ lớn”. Hoạt động này nhằm bổ sung số lượng sách khổ lớn trong thư viện, phục vụ giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học.
Tham dự “Ngày hội giao lưu sách khổ lớn cấp Mầm non năm 2021" được tổ chức hôm 27/11 có 12/12 trường trên địa bàn huyện tham gia. Tại đây cũng thu hút hơn 130 thành viên với 74 sản phẩm. Đáng chú ý, thành viên tham dự lần này ngoài giáo viên, học sinh còn có cả hơn 60 phụ huynh.
Trường mầm non xã Phúc Than mang tới ngày hội bộ sách độc đáo, đậm nét đặc trưng với chủ đề “Phúc Than ngày mới”.
Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Phúc Than cho biết: “Chúng tôi có 2 giáo viên, 3 phụ huynh và 5 trẻ tham gia. Đội thi đã hoàn thành bức tranh mô tả về ngôi trường hạnh phúc. Bộ sách của trường được giáo viên làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: Từ cây sậy, vải vụn, len vụn, que kem, thân cây lúa, vỏ quả thông, vỏ cây, vải nỉ... Cô trò đã rất tỷ mỉ thêu, vẽ, cắt, xé, dán, bồi, đã tạo nên các trang sách với nội dung phong phú đa dạng”.
Cũng theo cô Nguyệt, dưới sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh, trẻ đã phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Đội thi đã hoàn thành bộ sách với 5 quyển.
Quyển đầu có tựa đề “Phúc Than quê em” - phác họa bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của miền đất Phúc Than. Quyển sách thứ 2 với tên gọi “Bản sắc dân tộc” - tô điểm vẻ đẹp, bản sắc của 3 dân tộc Dao, Mông, Thái trên địa bàn. Quyển 3 với tên gọi “Ngôi trường Phúc Than thân yêu”, tác giả đã mô tả hình ảnh từng điểm trường cùng với hoạt động dạy và học.
Quyển 4 mô phỏng “Thế giới quanh bé” - đó là những hình ảnh rất gần gũi với trẻ. Trên những hình ảnh đều có gắn tên gọi và lồng ghép các từ tiếng anh để cho trẻ được làm quen. Quyển cuối cùng nhằm mục đích “tuyên truyền và cổ động” trong phòng chống dịch bệnh.
“Bộ sách trên, được trưng bày tại góc thư viện để trẻ trong trường được quan sát, khám phá. Qua đó, hiểu thêm về quê hương của mình với những nét văn hoá đặc sắc. Đồng thời còn để trẻ làm quen với chữ cái, tăng cường tiếng Việt, làm quen các từ tiếng anh. Cùng với đó, lồng ghép được nội dung giáo dục steam thông qua những sản phẩm đó”, cô Nguyệt cho biết thêm.
Do có sự đầu tư công phu, các tác phẩm được đánh giá cao nên trường mầm non xã Phúc Than đã đạt thành tích cao với 1 giải Nhất ở thể loại tranh và 1 giải Ba ở thể loại sách.
Trường Mầm non thị trấn Than Uyên mang đến Ngày hội với 7 bộ sách gồm các chủ đề: "Bộ sưu tập thời trang xuân hè", "Cùng bé khám phá", "Bé vui học chữ cái", "Thế giớ thực vật", "Các con vật xung quanh bé", "Kỹ năng sống", "Đất nước Việt Nam kỳ diệu". Ở phần thi làm tranh, tác phẩm mà nhà trường tham dự có chủ đề " Trường Mầm non thị trấn Than Uyên xanh, an toàn, thân thiện".
Cô Đỗ Thị Thanh, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nguyên liệu chủ yếu làm sách, tranh được cô trò tận dụng từ thiên nhiên. Với ý tưởng sáng tạo cùng những bàn tay khéo léo, các thành viên đã mang đến hội thi bộ sách, bức tranh đẹp, ý nghĩa. Tác giả còn mong muốn tranh sẽ góp phần khơi dậy lòng yêu trường lớp, yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Từ đó, mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho trẻ mầm non".
Phát huy hiệu quả góc thư viện
Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên: “Việc huy động sự tham gia của các trường trên địa bàn toàn huyện đã tăng cường số lượng sách trong thư viện. Qua đó, góp phần phục vụ công tác giảng dạy, tăng tính hiệu quả của tiết đọc tại thư viện”, ông Trịnh Ngọc Hải nói.
Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Việc lựa chọn nội dung câu chuyện có tính chất giáo dục, phù hợp với lứa tuổi học sinh đã tạo cơ hội để các trường được giao lưu học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt là việc học hỏi về cách sử dụng tranh, sách quá trình dạy - học sao cho hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy sự gắn kết giữa các trường trong thực hiện nhiệm vụ”.
“Không chỉ làm phong phú thêm số lượng sách truyện cho hoạt động thư viện của từng trường, Ngày hội còn huy động sự chung tay của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh trong việc tìm nguyên liệu tạo ra quyển sách gần gũi với địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc gắn với cộng đồng.
Từ đó, giúp phụ huynh hiểu hơn về giáo dục mầm non, tiểu học; Tạo sự gắn kết giữa học sinh với giáo viên, phụ huynh và nhà trường. Qua đó, giúp cho học sinh có môi trường để tự do khám phá, trải nghiệm”, ông Hải cho biết thêm.