Số ca bệnh phân bố tại 505 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (798), Nam Từ Liêm (761), Long Biên (721), Mê Linh (692), Bắc Từ Liêm (649), Thanh Xuân (570), Thanh Trì (565).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 288.447 ca.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng thông tin, số tử vong cộng dồn của Hà Nội là 1.114 trường hợp, tỷ lệ tử vong/mắc là 0.4%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tới hết ngày 28/2, cả nước có hơn 1,16 triệu F0 đang điều trị tại nhà, riêng Hà Nội có gần 549.000 ca (chiếm 47,4% tổng cả nước và hơn 98,6% tổng số F0 đang điều trị ở Hà Nội).
Ngoài hơn 900 ca điều trị tại các khu cách ly ở Hà Nội, hơn 6.300 ca khác phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3.
Trong số đó, có hơn 1.100 ca có triệu chứng nhẹ. Hơn 4.100 ca triệu chứng trung bình (tăng hơn 16% so với trung bình 7 ngày trước). Số còn lại 1.018 ca nặng/nguy kịch (tăng gần 13%), trong đó có 360 ca điều trị ở hai bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Đại học Y Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hiện chiến lược của Hà Nội tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo bà Nhị Hà, để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị.
Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Lãnh đạo ngành Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân. Trong tình huống ca nhiễm tăng gấp đôi, Thành phố vẫn đảm đương được.
Thực tế, Hà Nội đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện. Thành phố cũng làm việc với một số bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân.
Bà Hà cho hay Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho F0.